Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Một ngày lưu luyến Tây Ninh

Gia đình tôi đi Tây Ninh không theo tour tuyến nào cả. Xong việc ở TP. Hồ Chí Minh, còn một ngày trống thì gặp chị bạn làm nghiên cứu văn hóa. Chị gợi ý nhà tôi nên đi chơi Tây Ninh là “trọn ngày”.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk06/04/2025

Hay quá, chưa từng đến đất này nhưng tôi đã nghe danh núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, Thiền Lâm tự, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng…

Nằm cạnh Quốc lộ 22B, giữa một vùng ruộng vườn khoáng đạt, chùa Thiền Lâm (tên chữ là Thiền Lâm tự hay còn gọi là chùa Gò Kén) có diện tích gần 6.000 m2 thuộc ấp Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Theo tư liệu của nhà chùa, Thiền Lâm tự được xây dựng vào khoảng năm 1904. Vào năm 1926, Thiền Lâm tự được các ông Cao Huỳnh Cư, Cao Hoài Sang và Phạm Công Tắc mượn làm nơi khai sinh ra đạo Cao Đài. Đây được xem là ba kiến trúc tâm linh gần như thẳng hàng ở Tây Ninh, cùng với Tòa thánh Tây Ninh và núi Bà Đen.

Các loại hoa tươi khoe sắc trên đỉnh Bà Đen.

Quần thể chùa Thiền Lâm là sự kết hợp độc đáo giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, với lối kiến trúc vừa cổ kính, trang nghi vừa phóng khoáng, hiện đại. Phía trước sân chùa là pho tượng Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề. Đi một đoạn phía bên tay phải giữa hồ sen là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ngự long cao hơn 30 m, lớn bậc nhất miền Đông Nam Bộ. Những lối đi thoáng đãng giữa nhiều loài kỳ hoa dị thảo. Khuôn viên Thiền Lâm tự còn có pho tượng Phật nhập Niết bàn dài 25 m, cùng nhiều kiệt tác kiến trúc như: Bảo tháp Xá Lợi cao 9 tầng, điện thờ Phật Di Lặc, cổng tam quan, vườn cảnh Lâm Tỳ Ni... vô cùng công phu, đẹp mắt.

Chúng tôi hết sức ấn tượng với công trình 108 trụ chuông kinh luân tại Thiền Lâm tự. Theo giải thích của nhà chùa, kinh luân hay còn được gọi là bánh xe cầu nguyện, một trong những phương pháp thực hành tâm linh đơn giản và hiệu quả. Khi xoay trụ kinh luân theo chiều kim đồng hồ, ta sẽ nhận được những năng lượng từ trường an lành, tích cực, giúp thân tâm trở nên an lạc…

Nhìn trên bản đồ theo đường chim bay thì từ chùa Thiền Lâm đến Tòa thánh Tây Ninh là gần 5 cây số, trên đường Phạm Hộ Pháp, thị xã Hòa Thành. Chị bạn giới thiệu, Tòa thánh Tây Ninh là một trong những công trình kiến trúc độc đáo, vĩ đại nhất của đạo Cao Đài; hội tụ nhiều phong cách kiến trúc từ các công trình tôn giáo trên thế giới. Đây cũng là công trình thể hiện rõ tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên” của đạo Cao Đài.

Cổng vào ghi dòng chữ Đại đạo Tam kỳ Phổ độ. Chính diện Tòa thánh là hai lầu chuông vút lên giữa trời mây. Theo người hướng dẫn tại Tòa thánh, Đại đạo Tam kỳ Phổ độ (gọi tắt là Đạo Cao Đài) là một tôn giáo được sáng lập tại Việt Nam vào năm 1926, chọn Tây Ninh làm thánh địa. Đạo Cao Đài lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm, lấy phụng sự chúng sanh làm hành động.

Tòa thánh Tây Ninh có gần 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ xây dựng trong 14 năm; với những con đường rộng thoáng kết nối các điểm kiến trúc. Tòa thánh được coi là tổ đình, cơ sở thờ tự cấp Trung ương của đạo Cao Đài. Công trình khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Khuôn viên Tòa thánh rộng gần 100 ha, rợp mát những vườn cây dầu, cao su cổ thụ. Chúng tôi hết sức thích thú khi bắt gặp những chú khỉ từ trong hàng rào vườn cây hồn nhiên đi ra vỉa hè, đùa giỡn thân thiện với du khách.

Tượng Phật nhập Niết bàn, dài 25 m, trong khuôn viên chùa Thiền Lâm.

Rời Tòa Thánh Tây Ninh, xe chúng tôi thẳng tiến đến danh thắng núi Bà Đen (thuộc địa phận xã Thạnh Tây, TP. Tây Ninh). Đây là ngọn núi cao nhất Nam Bộ (986 m) được ví như “Nóc nhà Nam Bộ”, nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh và du lịch quốc gia núi Bà Đen. Càng đến gần Bà Đen, chúng tôi càng choáng ngợp trước khung cảnh núi rừng điệp điệp, hòa điệu trong sương là những công trình cáp treo, đền chùa, tượng đá kỳ vĩ do con người xây dựng. Chị bạn kiêm hướng dẫn viên cho biết, khu vực núi Bà Đen có “bạt ngàn” điện, chùa, miếu, tháp mang đậm đặc trưng văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, trải khắp từ chân núi, sườn núi, lên đến đỉnh. Đó là chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Hang, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Vân Sơn… Trên núi còn có nhiều động như Thanh Long, Ba Cô, Ba Tuần…

Chúng tôi vào viếng chùa Linh Sơn Tiên Thạch, nơi thờ Bà Đen. Chùa được xây dựng từ thế kỷ 18, trải qua nhiều lần trùng tu, lần mới đây nhất khánh thành vào năm 1997. Đây là ngôi chùa có kiến trúc hài hòa mang nhiều nét đẹp đặc trưng của kiến trúc đền chùa Việt Nam.

Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Tây Ninh, một trong những điều cuốn hút du khách đến ngọn núi này là sự tích huyền thoại về Bà Đen - Lý Thị Thiên Hương. Bà là con gái của ông Lý Thiện (quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn) và bà Đặng Ngọc Phụng (người gốc Bình Định).

Truyền thuyết kể rằng, Bà Đen vốn là người con gái xinh đẹp, hiền lương, văn hay võ giỏi và là con của một nhà gia giáo nên được rất nhiều người để ý. Trong một lần lên núi, Bà Đen bị nhóm kẻ xấu vây bắt, toan làm nhục. Để giữ lòng trung trinh với người yêu đang ngoài chiến trận, nàng đã nhảy xuống khe núi tử tiết. Vì sự hiển linh của Bà Đen, Quốc công Lê Văn Duyệt đã thay mặt vua phong cho bà làm “Linh Sơn Thánh Mẫu”, tạc tượng để thờ ở núi Một, sau đổi tên thành núi Bà Đen, danh thắng được coi là biểu tượng của tỉnh Tây Ninh.

Một ngày “cưỡi ngựa xem hoa” ba danh thắng của Tây Ninh nhưng cũng đủ để lại ấn tượng khó quên. Vùng đất này còn nhiều di tích, thắng cảnh nức tiếng. Lưu luyến hẹn một dịp khác, đi và ở lại lâu hơn…

Nguồn: https://baodaklak.vn/du-lich/202504/mot-ngayluu-luyen-tay-ninh-72703b4/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'
Biển người đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Người dân xúc động đón đoàn tàu chở lực lượng tham gia lễ diễu binh từ miền Bắc vào Nam
Tầm cao trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm