Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, cập nhật đến ngày 21/5/2025, với sự xuất hiện đáng chú ý của một cái tên mới là Employees Provident Fund Board (EPF).
Hiện Employees Provident Fund Board nắm hơn 45,6 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 1,021% vốn điều lệ. Được biết, tổ chức này là một công ty quản lý quỹ lớn tại Malaysia, hoạt động từ năm 1951 dưới sự quản lý của Bộ Tài chính nước này.
Employees Provident Fund Board chuyên quản lý quỹ tiết kiệm hưu trí bắt buộc cho người lao động khu vực tư nhân tại Malaysia, với việc tham gia là bắt buộc đối với công dân Malaysia và tự nguyện với người nước ngoài.
Theo đó, sự hiện diện của EPF đánh dấu một bước chuyển động mới trong cơ cấu cổ đông của ACB, vốn lâu nay chưa có sự đồng hành của các cổ đông chiến lược tới từ nước ngoài.
Đặc biệt, theo thông tin mới đây, CVC Capital Partners, một cổ đông lớn của ACB từ năm 2017, đang cân nhắc thoái vốn sau khi nhận được đề nghị từ các nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm các đối tác từ Nhật Bản. Theo tìm hiểu, hiện giá trị cổ phần của CVC tại ACB có thể lên tới 200 triệu USD, dựa trên mức vốn hóa 4 tỷ USD của ngân hàng vào đầu năm 2024.
Với tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại ACB luôn chạm mức tối đa 30% và là “rào cản” cho sự tham gia của một cổ đông chiến lược tới từ ngước ngoài. Theo đó, việc EPF gia nhập danh sách cổ đông lớn cho thấy có thể một nhà đầu tư nước ngoài khác đã rút bớt vốn để “nhường chỗ” tổ chức này sở hữu hơn 1% vốn của ngân hàng này.
Theo, thống kê từ Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tính đến ngày 13/3/2025, nhiều ngân hàng Việt Nam, bao gồm ACB và TPBank, đã kín hoặc gần kín room ngoại. Bên cạnh đó, danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn của ACB cũng ghi nhận nhiều tên tuổi đáng chú ý khác.
Theo danh sách công bố vào tháng 7/2024, quỹ SMALLCAP World Fund, Inc sở hữu hơn 112 triệu cổ phiếu (2,51% vốn điều lệ), Broadwalk South Limited nắm gần 82,3 triệu cổ phiếu (1,842%), và VOF FE Holding 5 Limited giữ hơn 76,6 triệu cổ phiếu (1,715%).
Trong khi đó, bà Đặng Thu Thủy, thành viên HĐQT, sở hữu hơn 53,35 triệu cổ phiếu (1,194%), và những người liên quan đến bà nắm tới 467 triệu cổ phiếu, tương đương 10,457%. Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cũng năm giữ 153 triệu cổ phiếu (3,427%) và nhóm người liên quan sở hữu hơn 367 triệu cổ phiếu (8,218%). Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam giữ 69,46 triệu cổ phiếu (1,555%), cùng với lượng nhỏ cổ phiếu từ những người liên quan.
Đến tháng 9/2024, ACB ghi nhận thêm năm cổ đông mới, nắm tổng cộng 6,774% vốn điều lệ, bao gồm ba tổ chức là CTCP Đầu tư thương mại Giang Sen, CTCP Đầu tư thương mại Bách Thanh và CTCP Làng giáo dục quốc tế Thiên Hương, cùng hai cá nhân Nguyễn Thiên Hương JENNY và Nguyễn Đức Hiếu JONNY. Đáng chú ý, hai công ty Giang Sen và Bách Thanh có liên quan đến Chủ tịch Trần Hùng Huy.
Sang đầu tháng 5/2025, hai người con của bà Ngô Thu Thuý, Chủ tịch Công ty CP Âu Lạc, đã nâng tỷ lệ sở hữu tại ACB lên 2,558%, và nhóm liên quan đến bà hiện nắm hơn 7,8% vốn ngân hàng./.
Nguồn: https://baodaknong.vn/mot-quy-ngoai-tu-malaysia-bat-ngo-xuat-hien-nam-tren-1-von-acb-253414.html
Bình luận (0)