Các nhà nghiên cứu tại Đại học Wollongong (Australia) đã phân tích dữ liệu từ 15.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại xứ sở chuột túi.
Kết quả cho thấy, những đứa trẻ có cha mẹ thường xuyên dùng thiết bị công nghệ trước mặt con thể hiện kỹ năng kém hơn. Điều này thể hiện rõ khi các bé được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc lập kế hoạch, tổ chức nhóm, hoặc đòi hỏi sự tập trung chú ý cao.

Phụ huynh nên chủ động kiểm soát và hạn chế sử dụng điện thoại khi ở bên con (Ảnh minh họa: DM).
Trẻ em có cha mẹ thường xuyên dùng điện thoại và máy tính bảng trước mặt con cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kiểm soát và chia sẻ cảm xúc của bản thân.
Lâu nay, cha mẹ vẫn thường được khuyến cáo nên hạn chế thời gian để con tiếp xúc với điện thoại, nhưng nghiên cứu mới của Đại học Wollongong cho thấy, việc cha mẹ sử dụng thiết bị công nghệ cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với con.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên một số tạp chí nhi khoa tại Australia. Các nhà khoa học của Đại học Wollongong cho rằng việc cha mẹ thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử trước mặt con đồng nghĩa với việc cha mẹ bớt đi thời gian và sự tập trung chú ý dành cho con.
Trẻ bớt đi cơ hội được cha mẹ trò chuyện, dạy bảo, hỗ trợ, để từ đó trẻ phát triển khả năng nhận thức và rèn luyện các kỹ năng.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng cảm giác bị cha mẹ "ngó lơ" cũng khiến trẻ cảm thấy thất vọng, bị ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực.
Các nghiên cứu trước đây của nhóm cũng cho thấy rằng có đến 70% phụ huynh Australia thừa nhận sử dụng thiết bị công nghệ trong khi chơi hoặc ăn cùng con. Thậm chí, điều này xảy ra nhiều lần mỗi ngày.
Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu phát hiện ra một điều đáng chú ý là nhóm trẻ thường phải chứng kiến cha mẹ sử dụng thiết bị điện tử có nguy cơ cao gặp phải những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo âu, sợ hãi... Đây là những xúc cảm liên quan đến hội chứng trầm cảm.

Có đến 70% phụ huynh Australia thừa nhận sử dụng thiết bị công nghệ trong khi chơi hoặc ăn cùng con (Ảnh minh họa: DM).
Việc cha mẹ thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử trước mặt con có thể dẫn đến việc cha mẹ phản hồi chậm trễ, thờ ơ, hời hợt hoặc thậm chí không phản hồi con, trong khi con đang cố gắng tương tác hoặc tìm kiếm sự chú ý của cha mẹ.
Các dữ liệu khác trong nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em thuộc nhóm này dễ bộc lộ sự tức giận, dễ có hành vi bốc đồng và vi phạm các quy tắc chuẩn mực.
Cha mẹ là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của trẻ. Việc cha mẹ phản hồi không nhất quán hoặc phản hồi thiếu tích cực có thể khiến trẻ cảm thấy thất vọng ngay trong những năm tháng phát triển đầu đời.
Nhóm nghiên cứu cho biết hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp liên quan đến ảnh hưởng của việc cha mẹ sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.
Trong tương lai, nhóm dự định sẽ tiến hành thêm các nghiên cứu nhằm xác định thời điểm phụ huynh sử dụng thiết bị công nghệ gây ảnh hưởng lớn nhất tới con, cũng như loại hoạt động khiến phụ huynh bị phân tâm nhiều nhất.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị phụ huynh chủ động kiểm soát và hạn chế sử dụng điện thoại khi ở bên con. Điều này có thể giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm ẩn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện khuyến cáo trẻ dưới 2 tuổi không nên được sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh. Đối với trẻ từ 2 đến 4 tuổi, thời gian sử dụng nên được giới hạn trong một giờ mỗi ngày.
Trẻ em dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề sức khỏe và hành vi, từ suy giảm thị lực đến khó kiểm soát cảm xúc.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/mot-thoi-quen-cua-cha-me-anh-huong-toi-nao-tre-lam-tang-nguy-co-tram-cam-20250512211212672.htm
Bình luận (0)