Quốc hội vừa thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và Chính phủ cũng giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cho tất cả các địa phương ở mức tối thiểu 8%. Điều này phản ánh quyết tâm chính trị mạnh mẽ với khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ Chính phủ mà còn cần sự quyết tâm, sáng tạo của từng địa phương.
Việt Nam đang đặt ra một mục tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Các nền kinh tế lớn vẫn đối diện với nguy cơ suy thoái, xung đột địa chính trị leo thang, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thực sự ổn định. Những yếu tố này đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, vốn có độ mở cao và chịu tác động trực tiếp từ tình hình quốc tế.
Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên không phải là bất khả thi. Những năm qua, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thích ứng và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trong khu vực. Động lực quan trọng để đạt được mục tiêu này chính là đầu tư công, cải cách thể chế, chuyển đổi số và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đầu tư công được xem là “đầu tàu” kéo nền kinh tế đi lên. Trong năm 2025, Chính phủ dự kiến tiếp tục giải ngân lượng vốn đầu tư công kỷ lục, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị và khu công nghiệp. Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt và cảng biển sẽ tạo động lực tăng trưởng cho cả nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cải cách thể chế vẫn là yêu cầu cấp bách. Môi trường đầu tư - kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, thuận lợi và giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên hoàn toàn có thể đạt được.
Là một trong những địa phương được giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP tối thiểu 8%, Phú Yên đang đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính chiến lược, tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có và tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng 11,23%, ngành dịch vụ 8,02%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 375 triệu USD. Dự kiến thu ngân sách đạt 5.900 tỉ đồng, huy động vốn đầu tư phát triển khoảng 25.800 tỉ đồng. Những chỉ tiêu này tạo động lực để các ngành kinh tế trọng điểm phát triển mạnh mẽ hơn.
Mới đây, tỉnh đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm từ 19 xuống còn 13 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; bên trong các cơ quan chuyên môn còn lại 160 đầu mối, giảm 36 đầu mối. Việc sắp xếp này giúp tinh giản bộ máy, tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, tỉnh cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: thu hút đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng và du lịch, tăng cường xuất khẩu, mở rộng nguồn thu ngân sách, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh chuyển đổi số. Đặc biệt, tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng được triển khai mạnh mẽ để tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển…
Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên là một thử thách lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam bứt phá. Với Phú Yên, nhiệm vụ này đòi hỏi quyết tâm cao độ, tầm nhìn chiến lược và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Nếu triển khai hiệu quả các giải pháp, Phú Yên không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trong năm 2025 mà còn có thể tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
LÊ HẢO
Nguồn: https://baophuyen.vn/82/326216/muc-tieu-tang-truong-8---thach-thuc-lon-quyet-tam-cao.html
Bình luận (0)