Nhà văn Lê Vi Thủy. Ảnh: NVCC

Nữ tác giả đến từ Gia Lai chia sẻ, khi đọc thể lệ của cuộc thi, ngay lập tức chị nghĩ sẽ viết một câu chuyện gì đó về Huế. “Tôi chưa biết nhân vật của tôi sẽ xuất hiện như thế nào cho hợp lý nhất. Tôi đã tìm đọc một số tài liệu về các nhân vật lịch sử là các vua Triều Nguyễn ở Huế và viết vài câu chuyện khác nhau nhưng nhân vật không phù hợp. Tôi đã dừng lại cho đến khi câu chuyện hình thành trong đầu gần đủ thì bắt đầu ngồi viết”, nhà văn Lê Vi Thủy trải lòng với Báo Huế ngày nay sau khi nhận giải thưởng vào một ngày cuối tháng 3/2025.

Ở “Dạ quỳnh”, bạn đọc sẽ cảm nhận được “chất Huế đậm đặc với những tình tiết thực hư lẫn lộn”. Để có nguồn tư liệu dày đặc cũng như sự am hiểu về Huế, chắc hẳn chị phải nghiên cứu khá kỹ?

TP. Huế là trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước, là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và bản sắc văn hóa của Huế nói riêng. Chính vì vậy, khi viết về Huế, tôi muốn đi sâu vào tâm hồn con người Huế, đi sâu vào mảnh đất Huế, cũng như những giá trị văn hóa làm nên xứ Huế.

Tôi đã tìm đọc nhiều tài liệu viết về Huế, các tài liệu về các làng nghề, các nghệ nhân, cuộc sống của Huế trước và sau thời kỳ đổi mới… Tôi muốn viết câu chuyện về Huế thông qua những chất liệu gắn liền với mảnh đất, con người Huế. Và tôi đã chọn nghề thêu, một nghề thủ công gắn liền với cốt cách con người Huế, qua nhiều triều vua của nhà Nguyễn, cũng như ẩn dụ về sức sống và sự phát triển của nghề thêu từ quá khứ đến hiện tại.

Những góc phố thân quen xứ Huế, những họa tiết mỹ thuật cung đình, những kỹ thuật của nghề thêu may… qua ngòi bút của chị được đặc tả rất điêu luyện. Có lẽ chị phải dày công tìm hiểu và có nguồn cảm hứng bất tận khi theo đuổi đề tài truyện ngắn gắn liền với văn hóa Huế?

Chuyên ngành học chính của tôi là sư phạm mỹ thuật. Trong quá trình học, tôi đã được tìm hiểu nhiều về các vốn cổ, họa tiết hoa văn dân tộc qua các công trình đình làng xưa, cũng như các họa tiết mỹ thuật của cung đình qua các thời kỳ khác nhau, nên tôi cũng có một chút kiến thức về các họa tiết mỹ thuật.

Ngoài ra, mẹ tôi là một thợ may, bà may được rất nhiều kiểu trang phục khác nhau, nhưng áo dài là trang phục may chính của bà. Chính vì ở trong gia đình có truyền thống may mặc, tôi cũng hiểu được cách may áo dài truyền thống như thế nào và có một thời gian tôi tự học thêu ở nhà nên tôi cũng biết một chút về kỹ thuật thêu. Có lẽ vì những yếu tố tự nhiên đó nên khi tôi đưa các hình ảnh vào, câu chuyện của tôi dễ thuyết phục người đọc hơn.

Đó có phải là hành trình mà chị đang theo đuổi và dùng văn chương để “ẩn dụ”?

Để “ẩn dụ” hay cố tình “ẩn dụ” một việc gì đó trong văn chương là điều không phải khó nhưng cũng chẳng phải dễ. Nếu ẩn dụ không khéo sẽ thành sự sắp đặt, gượng ép. Nên tôi chọn cho mình lối viết tự nhiên, để nhân vật của mình tự kể, và thông qua nhân vật, độc giả sẽ hiểu hơn về câu chuyện cũng như thông điệp thông qua mỗi câu chuyện.

Đọc “Dạ quỳnh”, đâu đó người ta cảm nhận được thân phận của người phụ nữ có chút gì tài hoa bạc mệnh, lênh đênh theo thời cuộc. Chị nghĩ sao về nhân vật của mình theo hướng đó?

Thật sự tôi không nghĩ theo hướng đó. Tôi chỉ muốn viết về một câu chuyện tình yêu bất tử, khiến người đọc cảm nhận được sự thiêng liêng trong tình yêu, điều mà cuộc sống bây giờ hiếm có được, bởi sống vội, yêu vội, chia tay vội. Thông qua câu chuyện tình yêu này, tôi cũng muốn nói đến đức tính của người con gái Huế là sự hiền lành, thiện tâm, ăn nói dịu dàng, chịu thương chịu khó, chung thủy. Và trong công việc thì luôn đặt cái tâm của mình lên cao nhất để làm, dù bất cứ việc gì.

Nhà văn Lê Vi Thủy nhận giải Nhất cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” với tác phẩm "Dạ quỳnh"

Chị đã viết về đề tài Huế nhiều chưa và đâu là nguồn cảm hứng để chị theo đuổi đề tài Huế - một vùng đất tạm gọi khá xa lạ với người con gái sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên?

Tôi đã có một số bài thơ, tản văn và truyện ngắn viết về Huế. Nhưng truyện ngắn “Dạ quỳnh” là truyện tôi viết sâu nhất về Huế. Tôi sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, nhưng bà nội của tôi là người Huế. Gia đình bà nội tôi là một gia đình gốc Huế đầy truyền thống. Chính vì vậy, những lần về Huế ăn Tết tôi được hiểu nhiều hơn về phong tục, tập quán trên mảnh đất của quê hương mình. Dù ở Tây Nguyên nhưng Huế vẫn là điều gì đó rất thân thuộc và gần gũi với tôi.

Được biết, trước khi đến với truyện ngắn, chị còn nổi tiếng trên văn đàn với thể loại thơ. Đặc biệt hơn, chị hiện đang là giáo viên mỹ thuật. Có thể nói chị có duyên nghiệp với nghệ thuật, với riêng chị, chị thấy mình phù hợp ở lĩnh vực nào?

Tôi cũng thấy mình có duyên với nghệ thuật, bởi ngành đầu tiên tôi theo học là kinh tế. Sau đó tôi mới chuyển qua học vẽ, lúc này tôi cũng chưa hề nghĩ mình có thể viết. Thời blog bắt đầu xuất hiện, tôi cũng có một tài khoản của riêng mình, đọc những bài viết của bạn bè trên các trang đó, sau đó tôi bắt đầu tập viết thơ, được bạn bè, các cô chú, anh chị động viên và tôi bắt đầu làm thơ.

Tôi nhớ bài thơ đầu tiên của tôi được in trên Báo Văn nghệ Trẻ vào năm 2008 là do một người bạn tôi tự lấy gửi cho báo. Sau đó nhà văn Văn Công Hùng khi còn làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai đã in những bài thơ của tôi trên tạp chí văn nghệ tỉnh. Đây có lẽ là cái duyên cũng như động lực giúp tôi tiếp tục bước trên con đường văn chương của mình.

Hiện tại, tôi vẫn đang dạy vẽ và vẫn đang viết, và cả hai công việc này đang bổ trợ cho nhau, nên với tôi cả hai đều quan trọng và cần thiết.

Có khi nào chị thấy mình cạn kiệt cảm xúc, sự hứng thú và tâm huyết trên con đường sáng tạo bị chững lại?

Có chứ. Tôi đã tạm gác lại niềm vui với văn chương một thời gian từ khoảng năm 2015 - 2019 để lo cho gia đình, thời điểm này tôi có con nhỏ và nhiều công việc bận bịu khác.

Ngoài ra, cũng có những thời điểm tôi không viết được, cảm giác như mình bị cạn cảm xúc, viết rồi xóa, điều này tôi đã lặp lại rất nhiều lần. Nhất là thời điểm sau khi tôi dừng một thời gian viết, lúc viết lại thật sự khó khăn.

Những lúc ấy, chị đã “trở mình” như thế nào?

Những lúc viết không được, tôi lựa chọn đọc sách. Tôi nghĩ đọc cũng là một cách mình nuôi lại cảm xúc và tiếp thu được nhiều kiến thức hơn.

Chị thường đọc những sách gì?

Tôi đọc nhiều thể loại sách từ văn học Việt Nam đến văn học nước ngoài, văn học kinh điển cũng như văn học hiện đại, sách nghiên cứu, sách lịch sử… Mỗi thể loại sách đều cho tôi những kiến thức, kinh nghiệm và làm dày hơn vốn văn chương của mình.

Với vai trò là người đi trước, chị có lời khuyên gì cho bạn trẻ muốn tiếp bước trên hành trình đó?

Tôi nghĩ khi dấn thân vào viết văn thì bạn đã lựa chọn con đường không bằng phẳng để đi rồi. Nên khi bạn muốn bước trên con đường dài của văn chương thì bạn cần có niềm yêu thích (đam mê) văn chương, vốn văn (điều này bạn tự học, tự đọc nhiều sẽ có) và bản lĩnh của người viết.

Trên con đường văn chương này bạn cũng rất dễ lạc lối vì những hào nhoáng bên ngoài mang lại, chưa kể những thử thách trên con đường viết rất nhiều mà bạn cần phải vượt qua. Nếu bạn không có bản lĩnh, bạn rất dễ bị nản và từ bỏ. Tôi hy vọng các bạn trẻ nếu yêu thích văn chương, hãy kiên trì trên con đường mình đã chọn.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!

Nhật Minh (Thực hiện)