Nam thanh niên T.V.H. (26 tuổi, làm việc tại một công ty công nghệ tại TPHCM) đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cơ sở 3 trong tình trạng đau vùng cổ - vai gáy kéo dài gần 3 tháng, kèm theo mỏi vai, đau âm ỉ lan lên đầu, đặc biệt tăng khi ngồi lâu hoặc căng thẳng.
Theo lời H., ban đầu, cơn đau xuất hiện âm ỉ nhưng dần nặng lên, ảnh hưởng đến giấc ngủ, khả năng tập trung và hiệu suất làm việc. Dù nam thanh niên đã tự điều trị tại nhà bằng dán cao, xoa dầu, nghỉ ngơi, tình trạng vẫn không cải thiện.
Tại bệnh viện, kết quả thăm khám và chụp X-quang cho thấy cột sống cổ của anh mất hoàn toàn độ cong sinh lý (hay hội chứng cổ thẳng). Tình trạng này khiến các đốt sống cổ gần như xếp dọc thay vì có độ ưỡn ra trước như bình thường.
Điều tra bệnh sử, H. cho biết thêm mình thường ngồi làm việc hơn 8 giờ mỗi ngày với màn hình máy tính đặt thấp hơn tầm mắt, cổ gập về phía trước, tư thế xấu kéo dài trong nhiều tháng. Ngoài ra, anh còn có thói quen ngủ với gối cao và nằm nghiêng gập cổ.

Không chỉ làm việc sai tư thế, ngủ sai tư thế cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cột sống cổ (Ảnh minh họa: Freepik).
Sau 3 tuần điều trị bằng y học cổ truyền và phục hồi chức năng, tình trạng đau giảm rõ rệt. H. được bác sĩ hướng dẫn các tư thế tập luyện và duy trì trong sinh hoạt - làm việc hàng ngày để duy trì kết quả điều trị.
Theo TS.BS Ngô Thị Kim Oanh, Phó trưởng khoa Châm cứu - Dưỡng sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cơ sở 3, ở người trưởng thành khỏe mạnh, cột sống cổ có một độ cong nhẹ về phía trước - gọi là độ ưỡn sinh lý.
Đường cong này giúp phân bổ đều lực từ đầu xuống vai và thân trên, hấp thu lực chấn động từ các hoạt động thường ngày (đi, đứng, chạy...) và giảm tải trọng lên đĩa đệm và khớp liên đốt sống
Khi đường cong này mất đi, cột sống sẽ trở nên "thẳng như cây gậy" - làm tăng áp lực lên các đĩa đệm, khớp, dây chằng và cơ quanh cổ. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến thoái hóa sớm, thoát vị đĩa đệm cổ, chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống, gây ra các triệu chứng như đau, tê tay, chóng mặt, thậm chí yếu cơ.
Nhiều trường hợp nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển nặng, phải can thiệp phẫu thuật hoặc phục hồi chức năng dài hạn.
Theo bác sĩ Oanh, tình trạng mất đường cong cổ không còn là bệnh lý của người lớn tuổi, mà đang lan rộng ở độ tuổi 20-35. Đa phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc sai tư thế khi làm việc và sinh hoạt hàng ngày.
"Đa số bệnh nhân dưới 30 tuổi đến khám vì đau cổ vai gáy đều có chung đặc điểm như ngồi nhiều, làm việc liên tục trên máy tính, sử dụng điện thoại quá lâu trong tư thế cúi đầu, ít vận động, không có thói quen tập thể dục cho vùng cổ - vai - lưng trên", bác sĩ Oanh cho biết.
Để hạn chế tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo người trẻ cần làm việc với màn hình ngang tầm mắt, không cúi gập cổ lâu và nghỉ giải lao mỗi 30-45 phút để cơ được giãn. Bên cạnh đó, thường xuyên tập các bài kéo giãn - làm mạnh nhóm cơ cổ - vai - lưng; chọn gối ngủ phù hợp, không quá cao hoặc cứng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nam-nhan-vien-co-co-thang-nhu-cay-gay-vi-2-thoi-quen-sinh-hoat-quen-thuoc-20250520095054647.htm
Bình luận (0)