Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nam sinh 13 tuổi đỡ đẻ cho mẹ gây sốt mạng xã hội

(Dân trí) - Câu chuyện về một nam sinh 13 tuổi đỡ đẻ cho mẹ, với sự hướng dẫn qua điện thoại của nhân viên y tế, gây sốt mạng xã hội Trung Quốc.

Báo Dân tríBáo Dân trí03/04/2025

Sự bình tĩnh và những thao tác chính xác theo hướng dẫn của cậu bé tuổi teen đã giúp mẹ cậu "vượt cạn" thành công, em cậu chào đời khỏe mạnh. Câu chuyện về cậu bé sống ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã được một trung tâm cấp cứu chia sẻ với giới truyền thông xứ tỷ dân.

Sự bình tĩnh và năng lực... đỡ đẻ của cậu bé khiến các nhân viên y tế cũng bất ngờ. Người mẹ bất ngờ vỡ ối tại nhà khi đang mang thai ở tuần thứ 37. Cơn đau dữ dội ập đến khiến người mẹ không thể bước đi. Cậu thiếu niên đã nhanh chóng gọi cấp cứu.

Nhân viên y tế Chen Chaoshun làm việc tại một trung tâm cấp cứu ở tỉnh Phúc Kiến đã tiếp nhận cuộc gọi. Thông qua những dấu hiệu được cậu bé miêu tả, Chen biết rằng người phụ nữ cần được hỗ trợ khẩn cấp trong lúc chờ xe cấp cứu tới nơi.

Chen đã hướng dẫn cậu bé cách ở bên cạnh mẹ, trấn an mẹ và hỗ trợ người mẹ trong quá trình sinh nở. Làm theo chỉ dẫn của Chen, cậu bé đã giúp mẹ có tư thế phù hợp để thuận lợi cho việc sinh nở. Cậu bé theo dõi sát sao các biểu hiện về tình trạng sức khỏe và tâm lý của mẹ.

Kết quả, một em bé khỏe mạnh chào đời bằng phương pháp sinh thường. Đây là người con thứ ba của người phụ nữ này. Khi xe cấp cứu đến nơi, 3 mẹ con sản phụ được đưa vào bệnh viện. Cả người mẹ và đứa trẻ vừa chào đời đều có tình trạng sức khỏe tốt.

Nam sinh 13 tuổi đỡ đẻ cho mẹ gây sốt mạng xã hội - 1

Công chúng Trung Quốc dành sự ngợi khen, ngưỡng mộ cho cậu thiếu niên 13 tuổi (Ảnh minh họa: Leoai).

Câu chuyện nhanh chóng gây sốt với công chúng xứ tỷ dân, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho cậu thiếu niên 13 tuổi.

Một người bình luận: "Cậu bé đã giữ bình tĩnh quá tốt, lại phối hợp hiệu quả với nhân viên y tế. Cậu đã cứu mẹ và em mình! Sau này cậu ấy có thể tự hào kể lại với em rằng chính mình đã đưa em đến với thế giới này".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cậu bé có thể sẽ gặp phải một số ảnh hưởng tâm lý sau trải nghiệm này: "Người mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý để giúp con vượt qua những vấn đề có thể xảy ra sau trải nghiệm không phù hợp với lứa tuổi như thế này".

Bên cạnh những lời khen ngợi, một số người lại đặt câu hỏi về hoàn cảnh của người mẹ: "Đây không phải câu chuyện đáng ngợi khen. Tại sao lại để một phụ nữ mang thai sắp tới ngày sinh ở nhà một mình với một đứa trẻ như vậy? Gia đình này đã rất may mắn, nhưng tôi muốn hỏi người chồng và những người thân khác của họ đã ở đâu?".

Sinh con khẩn cấp là khi thời gian kể từ lúc bắt đầu cảm nhận được cơn đau cho đến lúc sinh chỉ kéo dài chưa đầy 3 tiếng. Những phụ nữ đã từng sinh con có nguy cơ cao gặp phải tình huống này. Việc sinh con tại nhà nhìn chung có những yếu tố nguy hiểm, rủi ro. Người thân cần theo dõi sát sao tình trạng của sản phụ và đưa họ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Dù có những ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện gây sốt, nhưng nhìn chung, công chúng Trung Quốc vẫn dành sự ngợi khen, ngưỡng mộ cho cậu thiếu niên 13 tuổi. Nhiều phụ huynh cũng nhận ra tầm quan trọng của việc sớm dạy con kỹ năng phản ứng trong những tình huống khẩn cấp, để trẻ có thể giúp bản thân, người thân và những người xung quanh.

Nam sinh 13 tuổi đỡ đẻ cho mẹ gây sốt mạng xã hội - 2

Giúp con có kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp sẽ phần nào mang lại sự yên tâm cho phụ huynh (Ảnh minh họa: iStock).

11 điều cần lưu ý khi dạy trẻ về kỹ năng ứng phó khẩn cấp

Con bạn có biết cách xử lý khi xảy ra tình huống khẩn cấp hay không? Đây là một câu hỏi quan trọng mà các bậc phụ huynh cần cân nhắc. Khi trẻ được trang bị kỹ năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp một cách bình tĩnh và hiệu quả, bản thân con sẽ an toàn hơn, bởi con có khả năng xử lý tốt hơn.

Để giúp con sẵn sàng trong hầu hết những tình huống khẩn cấp, phụ huynh cần đưa ra những bước hành động thực tế, bao quát những tình huống khẩn cấp khác nhau. Phụ huynh cần cùng con nhận diện các nguy cơ phổ biến, xây dựng kế hoạch ứng phó, thực hành sơ cứu cơ bản, thường xuyên gia tăng hiểu biết về những kỹ năng ứng phó cần có.

Giúp con có kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp sẽ phần nào mang lại sự yên tâm cho phụ huynh, bởi cha mẹ biết rằng con đã có những kiến thức, kỹ năng nhất định.

- Dạy trẻ cách gọi cấp cứu: Hãy bắt đầu từ những kiến thức đơn giản nhất, đó là hướng dẫn con về những tình huống cần gọi cấp cứu, cũng như cách gọi ngắn gọn, hiệu quả để có thể cung cấp đầy đủ thông tin, bao gồm thông tin về danh tính và vị trí. Trẻ cũng nên học thuộc số điện thoại của cha mẹ, người thân trong gia đình, biết cách liên hệ với cha mẹ và người thân khi cần thiết.

- Giúp trẻ làm quen với cảnh báo khẩn cấp: Giải thích ý nghĩa của các loại còi báo động trong cộng đồng nơi trẻ sinh sống, hướng dẫn trẻ cách phản ứng khi nghe thấy những tiếng còi này.

- Tìm hiểu về các kế hoạch ứng phó tại trường học của trẻ: Phụ huynh nên tìm hiểu về những kế hoạch ứng phó khẩn cấp tại trường học hoặc các địa điểm mà trẻ thường xuyên lui tới.

Cha mẹ hãy tự làm quen, hiểu rõ các kế hoạch này, sau đó, cùng con ôn lại và thực hành tại nhà, để đảm bảo trẻ hiểu và ghi nhớ các bước cần thực hiện. Điều này cũng giúp cha mẹ đưa ra những kiến thức và kỹ năng nhất quán với các bên liên quan để việc dạy trẻ trở nên hiệu quả hơn.

- Nhận diện các tình huống khẩn cấp phổ biến tại địa phương: Cha mẹ hãy chủ động tìm hiểu để biết những rủi ro có khả năng gặp phải tại khu vực sinh sống, chẳng hạn như động đất, lũ lụt, hỏa hoạn... Nhận thức được các yếu tố nguy cơ sẽ giúp phụ huynh xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

- Cập nhật kiến thức: Phụ huynh hãy chủ động tìm hiểu kiến thức về việc ứng phó trong những tình huống khẩn cấp để truyền đạt lại cho con những thông tin chính xác. Nếu con bạn đã được sử dụng điện thoại, hãy thiết lập tính năng chia sẻ vị trí để các thành viên có thể nhanh chóng tìm thấy nhau trong trường hợp khẩn cấp.

Nam sinh 13 tuổi đỡ đẻ cho mẹ gây sốt mạng xã hội - 3

Nếu con đã đủ lớn, phụ huynh hãy chỉ cho con biết vị trí của hộp đồ sơ cứu trong gia đình, cũng như những món đồ có trong hộp (Ảnh minh họa: iStock).

- Xác định hai lối thoát cho mỗi phòng ở: Cùng trẻ xác định 2 lối thoát hiểm trong mỗi phòng của ngôi nhà. Định kỳ cùng trẻ thực hành việc sử dụng các lối thoát hiểm để đảm bảo trẻ biết cách thoát hiểm an toàn trong những tình huống khác nhau.

- Thiết lập hai điểm tập trung an toàn: Các thành viên trong gia đình nên thống nhất về 2 địa điểm tập trung khi xảy ra tình huống khẩn cấp để các thành viên có thể nhanh chóng đoàn tụ. Một điểm tập trung nên ở gần nhà, chẳng hạn như dưới một gốc cây to hoặc một khu sân bãi rộng rãi gần nhà. Một điểm tập trung xa hơn, phòng trường hợp khu vực gần nhà không còn an toàn.

- Thống nhất "mật khẩu an toàn": Đặt một từ khóa bí mật trong nội bộ gia đình. Điều này đặc biệt hữu ích trong trường hợp bạn nhờ một người quen của gia đình đến đón trẻ trong tình huống khẩn cấp. Trẻ cần hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của mật khẩu này và chỉ hợp tác với đối phương trong tình huống thực sự khẩn cấp, nếu đối phương đọc đúng mật khẩu.

- Chuẩn bị hộp đựng đồ sơ cứu: Phụ huynh nên chuẩn bị sẵn trong nhà một hộp đựng đồ sơ cứu và các loại thuốc cần thiết.

Trong giai đoạn đặc biệt được cảnh báo trước về những nguy cơ khẩn cấp, chẳng hạn như thiên tai, gia đình nên chuẩn bị sẵn các vật dụng thiết yếu, bao gồm nước uống đủ dùng trong ba ngày, thực phẩm không dễ hư hỏng, đèn pin, pin dự phòng, bộ sạc điện thoại, chăn cho mỗi thành viên trong gia đình tiện mang theo trong tình huống khẩn cấp.

Các món đồ sơ cứu, các loại thuốc cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo còn sử dụng được.

- Dạy trẻ các kỹ năng sơ cứu cơ bản: Nếu con đã đủ lớn, phụ huynh hãy chỉ cho con biết vị trí của hộp đồ sơ cứu trong gia đình, cũng như những món đồ có trong hộp. Cha mẹ có thể dạy con một số kỹ năng đơn giản như rửa vết thương, băng bó cơ bản, nhận biết dấu hiệu bị sốc nhiệt, mất nước...

- Rèn luyện sự bình tĩnh: Giữ bình tĩnh trong tình huống khẩn cấp sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn. Vì vậy, cha mẹ nên thể hiện thái độ điềm tĩnh, kiên nhẫn khi cùng con thảo luận, thực hành ứng phó trong tình huống khẩn cấp. Phụ huynh cũng cần trấn an trẻ rằng những sự chuẩn bị này là việc cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.

Các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không có dấu hiệu báo trước, cách bảo vệ gia đình và người thân tốt nhất chính là chuẩn bị sẵn sàng. Trang bị cho con kỹ năng ứng phó bình tĩnh và hiệu quả khi đối mặt với tình huống khẩn cấp là điều mà phụ huynh nên thực hiện từ sớm.

Theo SCMP/Fmins

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nam-sinh-13-tuoi-do-de-cho-me-gay-sot-mang-xa-hoi-20250331151009542.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm