Chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, nhất là bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ, khả năng tư duy, là một trong những nhân tố quyết định đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, BVTQ trong thời kỳ mới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Người đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”.
Lãnh đạo Học viện Quốc phòng cùng các học viên lớp đào tạo chỉ huy-tham mưu chiến dịch, chiến lược khóa 52 tại lễ bế giảng. Ảnh: ĐỨC HIẾU |
Những năm qua, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 347-NQ/QUTW (2015-2020) về “Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) đã khẳng định: QUTƯ, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quán triệt, nắm vững và thực hiện tốt chức năng nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về QS, QP; chủ động làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là các vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc, biên giới, biển, đảo, góp phần ngăn ngừa nguy cơ xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, sâu sắc. Chất lượng đánh giá, dự báo, tham mưu chiến lược quốc phòng có nội dung chưa toàn diện, chưa theo kịp sự phát triển của tình hình. Năng lực tham mưu của cơ quan chiến lược chưa được phát huy đầy đủ, thiếu thống nhất, còn bị động trong xử lý một số tình huống quốc phòng. Trình độ, năng lực của một số cán bộ có mặt còn hạn chế. Cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tuy có chuyển biến, nhưng hiệu quả chưa cao. Cơ chế phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin còn bất cập, có chỗ chưa thống nhất, còn khép kín trong từng cơ quan...
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp, mau lẹ, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn gay gắt; cục diện thế giới đang chuyển sang đa cực, đa trung tâm; khủng hoảng an ninh, xung đột địa chính trị, xung đột quân sự, xung đột dân tộc, tôn giáo, biên giới, biển, đảo, không gian mạng, cùng với việc xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh đang đe dọa đến an ninh và phát triển của các nước, đặt thế giới trước nhiều thách thức nghiêm trọng. Từ thành công và thất bại của các quốc gia trong sự nghiệp QS, QP, BVTQ, nhất là công tác nắm, dự báo, tham mưu chiến lược trong các cuộc xung đột giữa các nước và từ thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặt ra nhiều vấn đề mới cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Để nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược về QS, QP cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong Quân đội thời kỳ mới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người làm công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược trong Quân đội. Nắm vững các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Đảng, của QUTƯ về công tác cán bộ; yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước và Quân đội, sự nghiệp QS, QP, BVTQ; những vấn đề mới, cấp thiết đặt ra để xác định nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phù hợp, hiệu quả.
Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế lãnh đạo công tác cán bộ của cấp ủy ở cơ quan chiến lược, nhất là về tuyển chọn, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược theo hướng lấy bản lĩnh, trình độ trí tuệ, sản phẩm nghiên cứu, tham mưu làm thước đo để xem xét, đánh giá cán bộ và cơ quan. Điều động cán bộ có chất lượng tốt, đặc biệt là cán bộ có tư chất làm công tác nghiên cứu, tham mưu ở tầm chiến lược cho các cơ quan này. Trong nghị quyết lãnh đạo định kỳ của cấp ủy, cần có nội dung đánh giá trình độ, năng lực nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược của đội ngũ cán bộ và giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nhất là biểu hiện chủ nghĩa kinh nghiệm, khó khăn, lúng túng trong đề xuất vấn đề mới. Mở rộng dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ nhân sự, nhất là điều động, bổ nhiệm cán bộ về các cơ quan chiến lược...
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ trì, người làm công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược về QS, QP. Làm cho mọi người nắm vững quan điểm của Đảng "Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững". Bên cạnh đó, làm cho cán bộ thấy rõ vị trí, ý nghĩa, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược; đặc điểm, yêu cầu, cơ hội, thách thức của sự nghiệp quốc phòng, an ninh và BVTQ từ sớm, từ xa... giúp đội ngũ cán bộ nhận thức đúng thuận lợi, khó khăn trong công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược về QS, QP, từ đó hình thành động cơ đúng, trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Phát huy tính tự giác học tập, rèn luyện của đội ngũ cán bộ để nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược cần xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn và có ý chí quyết tâm cao, biến nội dung công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược thành nhu cầu tự thân để thúc đẩy việc tự học tập, tự phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân. Cấp ủy, chỉ huy cần định hướng, có cơ chế, chính sách động viên cán bộ, đồng thời định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc tự học, tự rèn, nâng cao năng lực chuyên môn của từng người.
Ba là, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan cấp chiến lược cần thực hiện nghiêm các mặt công tác cán bộ, nhất là công tác quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ phải trên cơ sở thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; theo nguyên tắc tập thể, dân chủ, công khai, kết luận theo đa số, chống chủ quan, cảm tính, phiến diện; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ.
Thực hiện tốt việc đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ. Việc bố trí, sử dụng cán bộ phải đúng người, đúng việc, đúng sở trường nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ, hết sức trọng dụng nhân tài. Quán triệt quan điểm “vì việc mà bố trí người” chứ không “vì người mà sắp xếp việc”. Thực hiện nghiêm Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị “Khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”. Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, lành mạnh, chuyên nghiệp, văn minh, phát huy tốt nhất khả năng cống hiến và phát triển của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong Quân đội.
Bốn là, cơ quan cán bộ ở cấp chiến lược là cơ quan tham mưu nghiệp vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, trọng tâm là cán bộ cấp chiến lược. Vì vậy, cần tăng cường xây dựng cơ quan cán bộ cấp chiến lược vững mạnh, đội ngũ làm công tác cán bộ “trung thành, tận tụy, công tâm, gương mẫu, chủ động, sáng tạo”, toàn tâm toàn ý thực hiện tốt nhiệm vụ.
Xây dựng cơ quan cán bộ cấp chiến lược bảo đảm số lượng, biên chế tinh, gọn, thống nhất, chuyên sâu. Nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp trên ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn về công tác cán bộ sát với yêu cầu, nhiệm vụ công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại và sự nghiệp BVTQ từ sớm, từ xa. Chú trọng thực hiện tốt Đề án “Thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong Quân đội là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm then chốt của các cấp ủy đảng, trước hết là cấp chiến lược. Vì vậy, cần chú trọng tiến hành thường xuyên, liên tục, nhất quán nhằm đáp ứng tốt với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, BVTQ trong thời kỳ mới.
Thiếu tướng, TS NGUYỄN ANH TUẤN, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-cao-nang-luc-nghien-cuu-du-bao-tham-muu-chien-luoc-ve-quan-su-quoc-phong-828693
Bình luận (0)