Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn - Trạm Tấu - Nghĩa Lộ về vấn đề này.
P.V: Với địa bàn quản lý khá rộng cũng là những địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng xâm lấn rừng, cháy rừng vào mùa nắng nóng, ông có thể chia sẻ về công tác BVR, PCCCR trên địa bàn hiện nay?
Ông Vũ Đình Trường: Để bảo vệ tốt diện tích rừng, hàng năm, Hạt tham mưu cho UBND các huyện, thị xã ban hành các văn bản, chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp BVR, PCCCR mùa khô; kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững; điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch PCCCR cấp xã và của các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; củng cố lực lượng và duy trì hoạt động của các tổ, đội xung kích chữa cháy rừng ở các thôn, bản, tổ dân phố; thực hiện ký cam kết BVR, PCCCR tới các hộ gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng.
Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn - Trạm Tấu - thị xã Nghĩa Lộ.
Hạt tổ chức thực hiện diễn tập ứng phó cháy rừng tại các địa phương có nguy cơ cao; sửa chữa các tường tin tuyên truyền, biển cấp dự báo cháy rừng, biển báo khu rừng cấm lửa; tiếp nhận, cấp phát các trang thiết bị phục vụ công tác BVR, PCCCR. Đồng thời, Hạt chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng cháy và sẵn sàng ứng cứu theo phương châm "4 tại chỗ”; nghiêm túc quán triệt thực hiện các chỉ thị của các huyện, thị về tăng cường các biện pháp BVR, PCCCR mùa khô năm 2024 - 2025; thống kê những mảnh có nguy cơ cháy lan vào rừng và ký cam kết thực hiện nghiêm quy trình đốt nương đạt 930 mảnh/634 hộ gia đình trên địa bàn 11 xã của huyện Trạm Tấu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc BVR, PCCCR theo phương án, kế hoạch đã xây dựng.
P.V: Xin ông cho biết những giải pháp mà ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương đã triển khai để nâng cao nhận thức của cộng đồng về PCCCR?
Ông Vũ Đình Trường: Cùng với việc chỉ đạo các tổ BVR ở các thôn, bản thực hiện nghiêm túc giờ trực, ca trực theo từng cấp dự báo cháy, đơn vị cũng tăng cường lực lượng kiểm tra, tuần tra các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao để cảnh báo người dân; phân công lực lượng trực PCCCR liên tục 24/24 giờ trong ngày để nắm vững diễn biến, tình hình rừng ở từng địa phương; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng PCCCR cho các chủ rừng và lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở địa bàn các xã trọng điểm; kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp phát nương, làm rẫy vào diện tích rừng tự nhiên.
Cùng với đó, chúng tôi tập trung vào ba nhóm giải pháp chính: truyền thông, huấn luyện, diễn tập và xây dựng lực lượng nòng cốt tại cơ sở. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng loa truyền thanh xã, mạng xã hội Zalo, Facebook để thông tin thường xuyên về cấp dự báo cháy rừng, khuyến cáo hành vi an toàn khi vào rừng.
Đồng thời, hàng năm, Hạt đều phối hợp với Ban Chỉ huy PCCCR các huyện, thị xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chữa cháy, kỹ năng ứng phó khi có cháy rừng cho lực lượng xung kích các xã. Mỗi xã, mỗi thôn có tổ, đội PCCCR dân tự quản, thường từ 5 đến 15 người. Họ là những người dân hiểu rừng, sống với rừng, có tinh thần trách nhiệm cao, có thể xử lý các tình huống bước đầu rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, xâm lấn rừng trái phép. Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn đã phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, 5 vụ vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản; 1 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật; 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép gây thiệt hại trên 608m2 rừng. Đơn vị đã tịch thu trên 8m3 gỗ các loại, xử phạt hành chính nộp ngân sách nhà nước trên 85 triệu đồng.
Qua đó, nhận thức về công tác quản lý BVR, PCCCR trong cộng đồng dân cư đã có sự chuyển biến rõ nét. Nhiều thôn đã thành lập quy ước, hương ước về BVR, gắn trách nhiệm cộng đồng với tài nguyên rừng.
P.V: Để nâng cao nhận thức về công tác BVR, PCCCR trong cộng đồng dân cư, đơn vị đã có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Vũ Đình Trường: Ngoài việc đẩy mạnh phong trào trồng rừng theo kế hoạch hàng năm, đơn vị tập trung tuyên truyền theo hướng đa dạng hóa hình thức, từ trực tiếp đến qua mạng xã hội, truyền thanh cơ sở và cả tài liệu bằng tiếng dân tộc; tăng cường giáo dục PCCCR ngay trong trường học, lồng ghép với chương trình học và hoạt động Đoàn, Đội. Hạt tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực tổ, đội PCCCR cơ sở, trang bị thêm máy móc chuyên dụng, nâng cấp hệ thống đường băng cản lửa ở các khu vực rừng có nguy cơ cao; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền - kiểm lâm - công an - quân sự trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đồng thời biểu dương các mô hình tốt, gương điển hình BVR.
Đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung các phương án PCCCR cấp xã, thôn sát với thực tế; tổ chức tập huấn kỹ năng chữa cháy rừng cho các tổ, đội dân cư. Bên cạnh đó, Hạt đang đề xuất với các địa phương đầu tư thêm các thiết bị bay không người lái để giám sát rừng từ trên cao, phát hiện sớm điểm cháy; tiếp tục xây dựng các mô hình "Bản an toàn về PCCCR”, giao khoán rõ ràng cho cộng đồng quản lý rừng, gắn quyền lợi của người dân với trách nhiệm bảo vệ. Chúng tôi mong muốn có thêm hỗ trợ từ các dự án, tổ chức về BVR, giúp các địa phương phát triển lâm nghiệp bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Tân (thực hiện)
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/350861/Nang-cao-nhan-thuc-ve-bao-ve-rung-phong-chay-chua-chay-rung.aspx
Bình luận (0)