Diện tích sản xuất rau an toàn xã Xuân Lập (Thọ Xuân).
Xã Hà Long (Hà Trung) được biết đến là quê hương của gạo nếp tiến vua ngon nức tiếng. Trước đây, do các biện pháp phòng trừ sâu bệnh của người dân không tốt cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết khiến giống lúa nếp cái hoa vàng dần mai một. Với mong muốn khôi phục lại giống quý, năm 2009, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long bắt đầu cấy thử nghiệm với diện tích 2,5ha. Đến nay giống lúa nếp cái hoa vàng đã phù hợp với đồng đất xã Hà Long, cho ra hạt gạo tròn, trắng, thơm ngon và được HTX mở rộng diện tích trồng lên tới 200ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng gạo và đặc biệt là để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, HTX thực hiện khảo sát và cải tạo chất lượng nguồn đất, nguồn nước, khoanh vùng sản xuất tập trung để thuận lợi áp dụng cơ giới hóa; nhất là chú trọng nâng cao trình độ sản xuất cho người dân thông qua các lớp tập huấn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Hữu Cương, hộ dân sản xuất lúa nếp cái hoa vàng cho biết: “Tuy quy trình sản xuất nghiêm ngặt, khắt khe qua từng công đoạn nhưng được các cán bộ của HTX “cầm tay chỉ việc” đến nay chúng tôi đã nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, ưu tiên các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường. Không những vậy, ngoài kiến thức được học tại các lớp tập huấn, tôi đã chủ động tìm hiểu thêm nhiều cách phòng trừ sâu bệnh hại an toàn, hiệu quả”.
Tại vùng sản xuất rau an toàn xã Thọ Hải (Thọ Xuân), trước đây, trình độ sản xuất của người dân địa phương còn lạc hậu, chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, áp dụng phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng vùng rau màu không cao. Trước thực tế đó, xã đã giao nhiệm vụ cho các HTX hỗ trợ, nâng cao kỹ thuật sản xuất rau màu cho người dân; nhất là hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “bốn đúng” gồm: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Đồng thời, hướng dẫn người dân lựa chọn các loại thuốc có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, ít gây hại... Cùng với đó, các HTX cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn sử dụng vật tư nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất... Bà Đỗ Thị Hậu, người dân sản xuất rau màu cho biết: “Được sự hỗ trợ của xã và các HTX, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình trồng rau khá khắt khe như chỉ được dùng phân xanh, phân chuồng đã ủ hoai mục, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Bên cạnh đó, tôi cũng thử nghiệm áp dụng khoa học - kỹ thuật để xen canh các loại rau trái vụ, vừa tận dụng triệt để diện tích đất đai vừa có rau thu hoạch quanh năm, nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4.500ha rau màu được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, 481ha cây ăn quả đã được chứng nhận VietGAP, hàng trăm mô hình nuôi trồng thủy sản, 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ, khoảng 60% các hộ chăn nuôi đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn... Tại hầu hết các địa phương đã chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nước nhỏ giọt... Thực tế đó đã chứng minh, người dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch, quy trình, quy phạm kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xem đó là hướng đi tất yếu, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và cả người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, tăng sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để người dân tiếp tục nâng cao trình độ sản xuất, các đơn vị, địa phương phải trở thành người bạn tin cậy, đồng hành của người dân; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức, quy trình kỹ thuật cho cán bộ địa phương để tư vấn, hướng dẫn người dân sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... vào canh tác.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nang-cao-trinh-do-san-xuat-nong-nghiep-cho-nguoi-dan-250162.htm
Bình luận (0)