Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác trao đổi các giải pháp phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững tại xã Thành Sơn, huyện Mai Châu.
Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) GNBV và đạt được kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân được nâng lên. Các dự án, chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, phù hợp từng nhóm đối tượng, lồng ghép thực hiện đồng bộ cùng CTMTQG xây dựng nông thôn mới và CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều chương trình hỗ trợ, phát triển sản xuất cải thiện sinh kế cho người nghèo đạt được kết quả tích cực, tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 15,49% xuống còn 6,59%, bình quân mỗi năm giảm được 2,55%. Tỷ lệ giảm hộ nghèo của tỉnh Hòa Bình đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa bền vững. Đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống vẫn còn nhiều khó khăn. Vẫn còn có hộ nghèo phát sinh, hộ tái nghèo. Thu nhập của hộ nghèo hiện chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống; không đủ tích lũy để đề phòng tai nạn, ốm đau, mất việc làm và luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo.
Ngày 3/4/2025, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Hòa Bình ban hành Kết luận số 1109-KL/TU về sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 580-KL/TU, ngày 30/9/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 11/8/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo thực hiện CTMTQG GNBV. Kết luận nêu rõ, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU và 5 năm thực hiện Kết luận số 580-KL/TU, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về chủ trương, vai trò trách nhiệm trong thực hiện CTMT QGGNBV của tỉnh được nâng lên; một số chỉ tiêu đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Để tiếp tục thực hiện công tác GNBV theo tiêu chuẩn đa chiều bình quân từ 2-2,5%/năm, tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu GNBV như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng xã hội và của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo trong triển khai thực hiện CTMTQGGNBV. Ưu tiên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để đảm bảo đủ tỷ lệ vốn đối ứng theo quy định của chương trình. Xây dựng bổ sung thêm chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào các dân tộc sinh sống tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách giảm nghèo và CTMTQGGNBV; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, mới thoát nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, đánh giá, kiện toàn Ban Chỉ đạo các CTMTQG; tăng cường phân cấp gắn liền với quyền hạn, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng cơ quan; chú trọng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Phân công gắn trách nhiệm của người đứng đầu phụ trách lĩnh vực trong thực hiện chính sách giảm nghèo và công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm tại địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện...
Trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo thì vai trò của ý thức tự vươn lên là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều hộ nghèo dù được hỗ trợ về vốn, đất đai, đào tạo nghề hay nhà ở, nhưng nếu thiếu quyết tâm thay đổi cuộc sống thì sự hỗ trợ đó chỉ có tác dụng tạm thời. Ý chí tự lực, tự cường là yếu tố giúp người dân chủ động nắm bắt cơ hội, học hỏi kỹ năng, thay đổi tư duy và hành động thiết thực để vượt qua khó khăn. Ngược lại, nếu chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp thì người dân dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, dẫn đến việc tái nghèo hoặc không thể thoát nghèo một cách bền vững.
Như vậy, để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tấm gương thoát nghèo thành công, giúp người dân hiểu rằng thoát nghèo là hoàn toàn khả thi nếu có quyết tâm và hành động đúng đắn. Việc hỗ trợ người nghèo cần có điều kiện rõ ràng, yêu cầu hộ dân phải cam kết tham gia lao động, học nghề hoặc sản xuất - kinh doanh. Điều này tạo động lực và trách nhiệm cho người dân trong quá trình vươn lên. Tập trung khuyến khích khởi nghiệp, phát triển sinh kế; hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay ưu đãi kèm theo hướng dẫn cụ thể về cách làm ăn, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình là con đường thiết thực để người dân chủ động tạo ra thu nhập, thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Tạo điều kiện để người nghèo được học nghề, nâng cao tay nghề, từ đó có cơ hội tiếp cận việc làm tốt hơn, đặc biệt là thanh niên và lao động trẻ ở nông thôn, miền núi. Chính quyền địa phương cần làm tốt công tác giám sát, đánh giá hiệu quả chương trình giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ tinh thần, khích lệ hộ nghèo không ngừng vươn lên.
Khi người nghèo nhận thức được thoát nghèo là trách nhiệm và là quyền lợi của chính mình, họ sẽ chủ động hành động, dần thoát khỏi sự lệ thuộc và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, nâng cao ý thức vươn lên chính là chìa khóa then chốt trong hành trình GNBV.
Lê Chung
Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/12/200104/Nang-cao-y-thuc-vuon-len-thoat-ngheo.htm
Bình luận (0)