Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Đắk Lắk đã trao đổi với ông , Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk.
Ông Võ Kế Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk. |
♦ Luật Đường bộ năm 2024 có gì khác biệt so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thưa ông?
Luật Đường bộ năm 2024 được xây dựng trên tinh thần đổi mới toàn diện, cải cách rõ nét so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Nếu như trước đây, một luật bao quát toàn bộ hoạt động giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng, vận tải đến trật tự an toàn giao thông thì hiện nay các nội dung về quy tắc giao thông, người điều khiển và phương tiện tham gia giao thông đã được chuyển sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Điều này giúp mỗi luật tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực thi.
Một điểm mới đáng chú ý là Luật Đường bộ năm 2024 đã bổ sung và quy định rõ về quản lý toàn diện hệ thống đường bộ, bao gồm những loại hình trước đây ít được đề cập như: đường thôn xóm, kiệt, hẻm... Điều này phù hợp với thực tiễn đô thị hóa và nhu cầu kết nối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là UBND tỉnh trong quản lý, đầu tư, khai thác, bảo trì các tuyến đường, kể cả quốc lộ khi được phân cấp. Việc phân quyền này đi đôi với trách nhiệm, thẩm quyền rõ ràng, kèm theo quy định cụ thể về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực tế. Thêm một điểm mới lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật, Luật dành riêng một chương để quy định về đường cao tốc, loại hình hạ tầng đặc biệt quan trọng. Các nội dung về chính sách đầu tư, thiết kế, thi công, khai thác bảo trì đều được quy định rõ ràng, tạo nền tảng pháp lý đầy đủ cho phát triển hệ thống cao tốc quốc gia theo hướng hiện đại, an toàn và bền vững.
Tất cả những điểm mới này cho thấy Luật Đường bộ năm 2024 không chỉ cập nhật về mặt pháp lý mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
♦ Lâu nay quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt tại các đô thị thường không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vậy Luật Đường bộ năm 2024 quy định như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Thực trạng thiếu hụt quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt tại các đô thị lớn đã tồn tại trong nhiều năm qua. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông. Trước thực tế đó, Luật Đường bộ năm 2024 đưa ra quy định rất cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Trước hết, Luật xác định rõ nguyên tắc bố trí quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các quy hoạch khác liên quan. Đây là cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch. Luật quy định tỷ lệ đất dành cho giao thông trên tổng diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 11% - 26%. Tỷ lệ này được xác định dựa trên tiêu chuẩn phát triển kết cấu hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan từng khu vực đô thị.
Đối với những đô thị có yếu tố đặc thù theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật yêu cầu tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt tối thiểu 50% so với tỷ lệ quy định chung. Đây là một bước đi mạnh mẽ nhằm cải thiện hạ tầng giao thông tại các khu vực có điều kiện tự nhiên, xã hội đặc biệt.
Với những quy định mới và cụ thể, Luật Đường bộ năm 2024 đang tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các địa phương chủ động bố trí, bảo vệ và phát triển quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững trong tương lai.
Tỉnh Đắk Lắk tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. |
♦ Thưa ông, sau khi Luật Đường bộ năm 2024 ban hành, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức thực hiện các quy định của luật như thế nào để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống?
Trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ năm 2024, Sở Xây dựng tiền thân là Sở Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến góp ý từ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Sau khi tổng hợp đầy đủ ý kiến đóng góp, Sở Xây dựng đã tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản góp ý gửi đến các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.
Sau khi Luật Đường bộ năm 2024 ra đời, Sở Xây dựng chủ động giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn tham mưu, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản của Luật Đường bộ năm 2024 và các văn bản hướng dẫn kèm theo.
Việc tuyên truyền được triển khai đa dạng, linh hoạt như: tập huấn trực tiếp, trực tuyến; phát hành tài liệu; đẩy mạnh truyền thông trên báo chí và mạng xã hội… nhằm bảo đảm người dân, doanh nghiệp nắm vững, hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc các quy định mới.
Để Luật Đường bộ năm 2024 thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước rất cần sự đồng hành, chủ động tiếp cận từ phía người dân và doanh nghiệp. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được Sở Xây dựng đặt lên hàng đầu trong quá trình triển khai.
♦ Xin cảm ơn ông!
Như Quỳnh (thực hiện)
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202507/nen-tang-phap-ly-phat-trien-giao-thong-hien-dai-ben-vung-57e15b7/
Bình luận (0)