Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nền tảng tăng trưởng từ thế mạnh địa phương

(GLO)- Sở hữu lợi thế đất đai, vùng nguyên liệu nông sản dồi dào, Gia Lai đang từng bước chuyển mình đưa công nghiệp chế biến trở thành một trong những ngành chủ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai02/07/2025

Vùng nguyên liệu dồi dào

Gia Lai sở hữu diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 850.000 ha, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao. Năm 2024, sản lượng cà phê đạt khoảng 312.050 tấn nhân, trong đó xuất khẩu khoảng 240.000 tấn, sản lượng còn lại chủ yếu là phục vụ 86 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê với tổng công suất 11.800 tấn/năm, tỷ lệ chế biến cà phê bột đạt 23,4%. Sản lượng cao su khoảng 78.590 tấn mủ, phục vụ cho 15 cơ sở sản xuất, chế biến mủ cao su với tổng công suất 88.000 tấn/năm. Sản lượng mì khoảng 1,6 triệu tấn mì tươi, tỷ lệ chế biến tinh bột sắn từ nguồn sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đạt 55,42%. Sản lượng mía hơn triệu tấn mía cây phục vụ 2 nhà máy chế biến đường tinh chế, tỷ lệ chế biến đường tinh chế từ nguyên liệu mía đạt 100%. Sản lượng điều khoảng 34.800 tấn, tỷ lệ chế biến đạt 100%, ngoài hạt điều nguyên liệu trong tỉnh, các đơn vị sản xuất trong nước còn nhập nguyên liệu từ châu Phi về chế biến…

gia-lai-co-khoang-106400-ha-ca-phe-anh-vt.jpg
Năm 2024, sản lượng cà phê của Gia Lai đạt khoảng 312.050 tấn nhân, trong đó xuất khẩu khoảng 240.000 tấn. Ảnh: Vũ Thảo

Trong 2 năm 2024-2025, nhiều nhà máy chế biến mới được đầu tư và nâng cấp, điển hình như: Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai nâng công suất nhà máy đường từ 6.000 tấn mía cây/năm lên 8.000 tấn mía cây/năm; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi-Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai (công suất 15.000 tấn/năm), Nhà máy chế biến đá (công suất 25.000 m3), Gạch không nung Tiến Tường (công suất 3 triệu viên/năm). Cùng với đó, các nhà máy nước ép trái cây cũng đi vào vận hành ổn định, phát huy công suất, góp phần làm phong phú cơ cấu sản phẩm công nghiệp chế biến của tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho biết: Niên vụ ép 2024-2025, nhà máy thu mua gần 2,1 triệu tấn mía, sản lượng đường sản xuất đạt 244.483 tấn các loại (RE, RS, đường vàng). Theo kế hoạch vụ ép 2025-2026, nhà máy dự kiến thu mua khoảng 2,4 triệu tấn mía; dự kiến nộp ngân sách khoảng 250 tỷ đồng. Với định hướng phát triển, công ty tiếp tục đầu tư vốn, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cơ giới hóa trong canh tác mía, chăm sóc bón phân cho cây mía nên năng suất mía tăng cao; khuyến khích chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía; vào vụ sản xuất thu mua mía theo giá đường trên thị trường... “Cùng với phát huy công suất ép mía, Công ty dự kiến xây dựng Nhà máy Ethanol tận dụng mật rỉ Nhà máy Đường để sản xuất cồn; nâng công suất Nhà máy Điện sinh khối từ 95 MW lên 135 MW. Với cụm công nghiệp mía-đường-điện, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết hết lượng mía cho bà con nông dân kịp thời vụ, giảm tổn thất mía sau thu hoạch, mía tái sinh gốc tốt, giúp duy trì ổn định hiệu quả bền vững cho người trồng mía; đóng góp cho ngân sách trên 500 tỷ đồng”-ông Phước thông tin.

hoat-dong-thu-mua-mia-tai-nha-may-duong-an-khe-anh-nd.jpg
Hoạt động thu mua mía tại Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Nguyễn Diệp

Dưới góc độ quản lý ngành, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: Với tiềm năng lợi thế về vùng nguyên liệu, tỉnh đã hình thành các nhà máy chế biến các sản phẩm từ nông sản, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa các địa phương với nhau và tạo động lực phát triển bền vững.

Đây cũng là lợi thế để giảm thiểu cho phí vận chuyển nguyên liệu, tăng lợi nhuận cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Các cụm công nghiệp dần được hình thành bước đầu đã tạo mặt bằng cho các nhà máy hoạt động; hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Từ đó, khai thác có hiệu quả lợi thế trong vùng, tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, đa dạng về mẫu mã, chất lượng và ngày càng được chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản xuất khẩu.

gia-lai-co-nhieu-thuong-hieu-ca-phe-noi-tieng-anh-vt.jpg
Gia Lai có nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng. Ảnh: Vũ Thảo

Chặng đường dài với nhiều thách thức

Ông Phan Văn Khắc-Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai- cho rằng: Trước tình hình giá cả nguyên liệu quá thấp, giá sản phẩm bán ra ngày càng giảm sâu, sản phẩm sản xuất ra tồn kho nhiều và tiêu thụ chậm dẫn đến người trồng mì không có lợi nhuận nên đã chuyển đổi sang cây trồng khác, khiến diện tích ngày càng bó hẹp, nguyên liệu cho vụ tới không đáp ứng. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 90% lượng mì bán ra) gây nhiều khó khăn khiến cho thị trường mì Việt Nam không phát triển được. Chi phí logistics chiếm tỷ trọng cao trong giá thành xuất khẩu, dẫn tới khó cạnh tranh với sản phẩm bột mì của Thái Lan.

Theo ông Khắc, để ổn định vùng nguyên liệu và phát triển thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp cần sự phối hợp trong xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững theo hướng tập trung, từng bước cơ giới hóa (máy trồng và thu hoạch mì tươi); tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao cho nông dân giống có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp trong việc trồng rải vụ để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động tối đa công suất.

Đồng thời, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ chế biến hiện đại để giảm chi phí sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng như sản phẩm sau tinh bột mì. Nghiên cứu tận dụng hết các phế phẩm của sản xuất tinh bột mì như bùn, vỏ lụa làm phân vi sinh, tận thu bột trong bã… Điều này sẽ giúp sản phẩm có cơ hội mở rộng và tiếp cận thị trường châu Âu, châu Mỹ, thị trường Halal…

cong-ty-co-phan-thuc-pham-dinh-duong-nutifood-cao-nguyen-dau-tu-day-chuyen-che-bien-sua-hien-dai-anh-vt.jpg
Dây chuyền chế biến sữa hiện đại tại Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Cao Nguyên. Ảnh: Vũ Thảo

Dù sở hữu nhiều lợi thế, song ngành công nghiệp chế biến Gia Lai vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như khả năng ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp thấp, khiến giá thành nguyên liệu cao làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến nông-lâm sản phát triển thiếu bền vững, liên kết chuỗi giá trị chưa nhiều, chế biến sâu còn hạn chế. Ví dụ, dù cao su đạt sản lượng lớn nhưng sản phẩm chỉ dừng ở crepe và latex, chưa tạo được sản phẩm tiêu dùng giá trị cao. Doanh nghiệp chế biến phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, vốn hạn chế, công nghệ ở mức trung bình, trong khi đó khả năng tiếp cận tín dụng còn nhiều rào cản. Nguồn lao động có kỹ năng chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu lao động, đào tạo chưa đồng bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho các nhà máy chế biến hiện đại. Vấn đề hạ tầng, giao thông kết nối liên vùng, hệ thống khu-cụm công nghiệp triển khai chậm, thiếu mặt bằng và vốn giải phóng mặt bằng là rào cản lớn. Công tác kêu gọi đầu tư, nhất là vào các ngành chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu còn thấp so với tiềm năng.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp 10,9%, góp phần đạt được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) là 8,06%, Sở Công thương đã nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch sản xuất của từng sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Năm 2025, phấn đấu sản lượng đường tinh chế ước đạt 350.000 tấn (tăng 6,22% so với năm 2024); sản phẩm nước ép trái cây ước đạt 40.000 tấn (tăng gấp 2,21 lần so với năm 2024); sản lượng tinh bột mì ước đạt 245.000 tấn (tăng 23,29% so với năm 2024); sản phẩm MDF ước đạt 45.000 m3 (tăng 31,1% so với năm 2024); phân vi sinh ước đạt 40.000 tấn (tăng 4,1% so với năm 2024); chế biến sữa ước đạt 42,3 triệu lít (tăng 3,3% so với năm 2024)…

dau-tu-vao-che-bien-se-gop-phan-nang-cao-gia-tri-cho-hang-nong-san-anh-vt.jpg
Đầu tư vào chế biến sẽ góp phần nâng cao giá trị cho hàng nông sản. Ảnh: Vũ Thảo

Theo Giám đốc Sở Công thương, công nghiệp mũi nhọn của tỉnh là chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp có nguồn nguyên liệu tại chỗ, do đó ngành tiếp tục định hướng phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh hiện nay tỷ lệ chế biến sâu còn thấp như tiêu, cà phê, cao su, lâm sản và các sản phẩm trái cây…

Để đạt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, Gia Lai cần giải quyết đồng bộ các yếu tố về hoàn thiện hạ tầng khu-cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án chế biến sâu các sản phẩm chủ lực; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; liên kết chặt giữa nông dân-doanh nghiệp-chính quyền nhằm ổn định vùng nguyên liệu; tập trung đào tạo lao động kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực chế biến; có chính sách khuyến khích đầu tư đặc thù, cơ chế ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp chế biến; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, từng bước hình thành thương hiệu riêng cho các sản phẩm chế biến của Gia Lai.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/nen-tang-tang-truong-tu-the-manh-dia-phuong-post329953.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm