Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngân hàng đẩy mạnh giải ngân, áp lực dồn lên lãi...

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn nhằm tạo dư địa cho làn sóng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm. Diễn biến này khiến mặt bằng lãi suất huy động có dấu...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng24/07/2025

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn nhằm tạo dư địa cho làn sóng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm. Diễn biến này khiến mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu nhích lên.

Tín dụng tăng tốc, lãi suất tiết kiệm bắt đầu nhích lên

Chính phủ đã nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên 8,3-8,5%, tạo tiền đề cho tham vọng tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo giới chuyên gia, tín dụng cần tăng khoảng 17-18%. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng gần 10% là mức cao nhất kể từ năm 2022, mở ra khả năng đạt ngưỡng 16-17% trong cả năm.

Thực tế, báo cáo tài chính bán niên của nhiều nhà băng cho thấy tín dụng đang bật tăng mạnh. LPBank tăng trưởng tín dụng 11,2%, KienLongBank 13,2%, VietinBank 10%, Vietcombank trên 11%, TPBank 11,7%, NamABank 14,7%, còn NCB tăng tới 22%. Song song đó, huy động vốn cũng tăng tốc, trong đó NCB tăng gần 20%, KienLongBank 15,2%, NamABank hơn 22%...

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, huy động vốn trong nửa đầu năm tăng gấp 5-6 lần so với cùng kỳ, không chỉ để phục vụ tăng trưởng tín dụng hiện tại mà còn chuẩn bị nguồn lực cho nửa cuối năm là thời điểm được dự báo nhu cầu vay vốn sẽ gia tăng.

Ngân hàng đẩy mạnh giải ngân áp lực dồn lên lãi suất huy động

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo: nếu tín dụng tăng tới 18%, hệ thống ngân hàng sẽ bơm thêm khoảng 3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Dòng vốn này sẽ không gây rủi ro nếu chảy vào các lĩnh vực ưu tiên. Ngược lại, nếu đổ vào các kênh đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, nguy cơ hình thành bong bóng tài sản là rất lớn.

Thực tế, các dấu hiệu cho thấy lãi suất huy động đã bắt đầu chịu áp lực. Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ đầu tháng 7/2025, nhiều ngân hàng như VPBank, Techcombank, SeABank, VCBNeo, LPBank… đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn.

Tiền gửi online đang được hưởng ưu đãi cao hơn tới 1% so với gửi tại quầy. Một số ngân hàng hiện niêm yết lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng ở mức trên 6%/năm, với các khoản tiền gửi lớn có thể lên tới 9%/năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm từng vọt lên gần 7%/năm vào cuối tháng 6 do nhu cầu thanh khoản tăng cao, hiện vẫn duy trì quanh mốc 5%. Trong tuần qua, NHNN đã bơm ròng hơn 58.400 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống.

Giới phân tích dự báo, nửa cuối năm 2025 sẽ chứng kiến dòng tiền chuyển hướng từ trạng thái phòng thủ sang đầu tư. Dư nợ cho vay các công ty chứng khoán cuối quý II/2025 đã lên tới 300.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục cho thấy rõ xu hướng này.

Mặc dù lãi suất chưa thể tăng mạnh nhờ sự điều tiết của Chính phủ và NHNN, nhưng áp lực tăng vẫn hiện hữu, nhất là khi tín dụng tiếp tục tăng tốc và cạnh tranh huy động ngày càng gay gắt.

Ngân hàng vui mừng nhưng không thể chủ quan

Dư nợ tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm đang mang lại lợi nhuận khả quan cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, phía sau bức tranh tươi sáng đó là không ít nỗi lo về rủi ro hệ thống, thanh khoản và tính bền vững của tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và giới điều hành ngân hàng đều đang tỏ ra thận trọng khi dòng vốn tín dụng tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong thúc đẩy kinh tế.

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB, để tín dụng tăng trưởng đúng định hướng, Chính phủ cần chủ động thúc đẩy đầu tư công, tạo sức lan tỏa sang khu vực tư nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc trên thị trường bất động sản và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Về phía NHNN, ông Thái đề nghị cơ quan điều hành cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tăng cung tín dụng và duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngân hàng đẩy mạnh giải ngân áp lực dồn lên lãi suất huy động
Tín dụng tăng tốc: Ngân hàng vui mừng nhưng không thể chủ quan.

Cùng quan điểm, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển cân bằng giữa thị trường tài chính và thị trường vốn. Theo ông Tú, một hệ sinh thái vốn lành mạnh sẽ giúp tăng khả năng cung ứng vốn trung và dài hạn, từ đó các ngân hàng thương mại có thể tập trung vào mảng vốn ngắn hạn và dịch vụ ngân hàng, giảm gánh nặng cho hệ thống tín dụng. Ông cũng cho rằng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản trị rủi ro và giám sát an toàn đối với các tổ chức tín dụng trong bối cảnh tín dụng mở rộng nhanh.

Theo số liệu của NHNN, đến cuối năm 2024, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã chạm mốc 134% thuộc nhóm cao nhất toàn cầu. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào dòng vốn từ ngân hàng. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 được đặt ra ở mức 16%, NHNN vẫn để ngỏ khả năng nới rộng thêm nếu lạm phát được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo rằng sự lệ thuộc kéo dài vào tín dụng có thể dẫn đến rủi ro hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản chịu áp lực lớn vào cuối năm.

“6 tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm về nhu cầu vốn. Vì vậy, các ngân hàng cần đặc biệt lưu ý đến việc quản trị thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả trong mọi tình huống”, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định NHNN sẽ chủ động hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống khi cần thiết, đảm bảo hoạt động tín dụng không bị gián đoạn.

Trong khi đó, giới chuyên gia tài chính cho rằng khả năng giảm thêm lãi suất trong nửa cuối năm 2025 là khá thấp. Dù lạm phát hiện tại vẫn trong vùng kiểm soát, nhưng các áp lực từ tỷ giá, mặt bằng lãi suất quốc tế và biến động giá hàng hóa toàn cầu đang tạo sức ép lên chính sách tiền tệ. Chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tình hình địa chính trị, giá dầu và thuế quan sẽ là những yếu tố khó đoán có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng ổn định lạm phát trong nước.

Nhìn xa hơn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam không thể dựa mãi vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy GDP. Trong dài hạn, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất và ứng dụng công nghệ, thay vì chỉ dựa vào vốn vay. Đặc biệt, để giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, việc phát triển thị trường vốn cả cổ phiếu và trái phiếu cần được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển tài chính quốc gia.

Nguồn: https://baolamdong.vn/ngan-hang-day-manh-giai-ngan-ap-luc-don-len-lai-suat-huy-dong-383512.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm