Ngành dệt nhuộm hướng tới phát triển bền vững
UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương thành lập phân khu công nghiệp (KCN) dệt - may và công nghiệp hỗ trợ trong các KCN: Phước Đông, TMTC, Thành Thành Công, phân khu dệt nhuộm chỉ để nhuộm các sản phẩm được sản xuất tại phân khu dệt của KCN.
Hiện tỉnh đề ra nhiều giải pháp thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển ngành dệt may và da giầy; chú trọng và từng bước phát triển, thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản phẩm công nghiệp, hỗ trợ, các nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường.
Góp phần tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong GRDP
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 KCN đã được cấp phép thành lập và hoạt động với tổng diện tích đất thực hiện 3.491 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê là 2.616 ha, đã cho thuê 1.763 ha, đạt tỷ lệ lắp đầy 67,37%.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 5/6 KCN có dự án dệt, nhuộm đang hoạt động. Có 60 dự án dệt nhuộm được thu hút đầu tư vào 5 KCN trên địa bàn tỉnh, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3.421 triệu USD, tổng diện tích đất sử dụng 717,58 ha/1.763 ha, giải quyết việc làm cho hơn 39.000 lao động, chiếm 29,54% lao động trong nước đang làm việc tại các KCN.
Trong tổng số 60 dự án dệt nhuộm nêu trên, có 40 dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, 20 dự án chưa hoạt động.
Các dự án dệt, nhuộm đã thu hút và giải quyết số lượng lớn lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lấp đây diện tích các KCN, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong GRDP, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm ổn định cho lực lượng lao động địa phương.
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 3.2025 ước đạt 576 triệu USD, tăng 13,45% so với tháng trước và tăng 77,95% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.650 triệu USD, tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2024.
Công ty Cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành (THTTEX) cho biết, hiện công ty không chỉ là doanh nghiệp 100% Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ mà còn là hình mẫu của ngành dệt nhuộm bền vững tại Việt Nam. Với chiến lược đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, tối ưu hoá sản xuất và đầu tư vào phát triển sản phẩm xanh, công ty tiếp tục khẳng định vị thế là một thương hiệu dệt may Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Công ty Cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành góp mặt trong FAST500 – bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2025 do Vietnam Report phối hợp với VietnamNet thực hiện. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và hiệu quả của doanh nghiệp trong ngành dệt may.
FAST500 đánh giá các doanh nghiệp dựa trên chỉ số CAGR (tốc độ tăng trưởng kép) về doanh thu, năng lực vận hành, tình hình tài chính và uy tín trên thị trường. Việc THTTEX có mặt trong danh sách năm 2025 (2 lần trước vào năm 2021 và 2022) lần này khẳng định, công ty không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng cao mà còn duy trì được sự ổn định trong vận hành và chiến lược phát triển dài hạn.
Ưu tiên tiêu chí bảo vệ môi trường gắn liền với môi trường xanh, sạch
Với tính chất của ngành dệt nhuộm phong phú và da dạng về chủng loại sản phẩm, có trên 22 loại sản phẩm vải như vải cotton, kaki, len, spandex, polyester, nhung, lanh, tổng hợp... Tương ứng với mỗi loại sản phẩm, nguyên liệu đầu vào thì định mức sử dụng về nước sạch, hoá chất, năng lượng, quy trình, công nghệ để sản xuất sản phẩm là khác nhau.
Các dự án dệt nhuộm xả nước thải với lưu lượng lớn (lưu lượng nước thải phát sinh chiếm khoảng 88% lượng nước sạch sử dụng), chủ yếu phát sinh tại công đoạn nấu, tẩy, nhuộm, giặt. Thành phần nước thải phụ thuộc vào đặc tính của vật liệu nhuộm, bản chất của thuốc nhuộm, các chất phụ trợ và các hoá chất khác được sử dụng, các chất ô nhiễm chính có trong nước thải, do đó đòi hỏi công tác kiểm soát chất lượng nước thải đã qua xử lý của các dự án trước khi xả ra môi trường phải rất nghiêm ngặt.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án dệt, nhuộm nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu ngày càng cao hướng tới sự an toàn, thoải mái, tiện ích, đẹp... đặc biệt là hướng tới sự bền vững của môi trường.
Nhu cầu của khách hàng ngày càng cao buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, trong đó, yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, việc sản xuất sản phẩm đòi hỏi phải gắn liền với môi trường xanh, sạch và bền vững, nếu không thay đổi phương thức sản xuất sẽ bị đào thải.
Những doanh nghiệp không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên... có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng. Ngoài sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp còn có sự kiểm tra, giám sát của khách hàng, chính vì vậy, các doanh nghiệp luôn có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát sinh chất thải. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ môi trường hiện nay, các loại chất thải phát sinh từ dự án dệt nhuộm trong quá trình sản xuất đều có thể thu gom, xử lý đạt các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công ty Cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành cho biết, để đạt mức tăng trưởng doanh thu ổn định, công ty nhờ vào gia tăng đơn hàng từ các đối tác chiến lược. Đồng thời, với sự hợp tác chặt chẽ cùng các dối tác, khách hàng từ Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản như: Decathlon, Columbia, Uniqlo, Toyo Orimono, Aurora Investment Global… doanh thu từ các thị trường quốc tế liên tục tăng trưởng.
Hiện công ty không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn đầu tư vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Ngoài ra, công ty không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, những khu vực có tiêu chuẩn khắt khe nhưng mang lại biên lợi nhuận cao.
Việc tập trung vào xuất khẩu giúp THTTEX duy trì mức tăng trưởng cao. Hiện tại, công ty tiếp cận các thị trường cao cấp và đã có sự hiện diện vững chắc tại Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP.
Về chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, công ty phát triển các dòng vải chuyên biệt cho từng thị trường, chẳng hạn như vải chống tia UV cho Nhật Bản, vải tái chế cho thị trường Châu Âu; tối ưu logistics và chuỗi cung ứng: cải thiện hệ thống kho bãi, vận chuyển, giảm chi phí logistics để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Để duy trì mức tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo, công ty Cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành nghiên cứu và đưa vào ứng dụng AI, Big Data trong kiểm soát chất lượng và dự báo nhu cầu thị trường; đầu tư vào các dây chuyền sản xuất tự động, giảm sự phụ thuộc vào lao động phổ thông.
Bên cạnh đó, đơn vị tái sử dụng nước trong quy trình nhuộm, mục tiêu giảm 30%-40% lượng nước tiêu thụ; đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới; tìm kiếm cơ hội tham gia các hội chợ quốc tế về dệt may, cơ hội hợp tác với các tập đoàn lớn.
Công ty Cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành cho biết thêm, để ngành dệt nhuộm phát triển bền vững, công ty ưu tiên duy trì sử dụng nhiên liệu sinh khối (Biomass) thay cho nhiên liệu hoá thạch, mục tiêu đến năm 2026, loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than đá trong Nhà máy; nghiên cứu triển khai điện mặt trời, giảm chi phí điện và giảm phát thải CO₂; định hướng ứng dụng hoá chất nhuộm thân thiện, giảm ô nhiễm nước thải; tái sử dụng vải vụn, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất.
Ưu tiên dự án chấp hành tốt các quy định của pháp luật về môi trường
Các dự án dệt, nhuộm công nghệ chưa thật sự tiên tiến, phải sử dụng nhiều lao động, ảnh hưởng đến khan hiếm lao động các lĩnh vực khác; sử dụng nhiều nước hoá chất, chất phụ gia và thuốc nhuộm, tiêu hao năng lượng điện nhiều hơn so với các dự án khác, lượng nước thải lớn, tỷ trọng xuất khẩu không tương ứng với giá trị đóng góp vào ngân sách so với các lĩnh vực khác.
Qua tham khảo chủ trương một số tỉnh khu vực Đông Nam Bộ về hiện trạng và định hướng tiếp nhận các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong đó có ngành dệt nhuộm, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất, đối với các KCN mới thành lập (KCN Hiệp Thạnh) và những KCN đã được quy hoạch mới theo Quy hoạch tỉnh, không xem xét thu hút ngành nghề dệt, nhuộm và các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Đối với các phân khu dệt nhuộm trong các KCN đã được phê duỵệt và đáp ứng đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tiếp tục xem xét thu hút đầu tư các dự án dệt nhuộm có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín, bền vững, ít thâm dụng lao động, tiêu hao năng lượng điện, sử dụng nước ít hoặc không dùng nước, nước thải hạn chế; các dự án tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng có giá trị cao cho đến khi lấp đầy phân khu.
Đối với các dự án đã đi vào hoạt động có đề xuất thực hiện mở rộng quy mô, tăng công suất, chỉ ưu tiên cho các dự án chấp hành tốt các quy định của pháp luật về môi trường, đầu tư, xây dựng; có giải pháp cải tiến về công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, sử dụng nước ít hoặc không dùng nước, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu đầu vào trong nước; lượng chất thải phát sinh khi mở rộng sản xuất phải phù hợp với công suất xử lý của các công trình xử lý chất thải của đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN.
Nhi Trần
Nguồn: https://baotayninh.vn/nganh-det-nhuom-huong-toi-phat-trien-ben-vung-a188893.html
Bình luận (0)