Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành hàng cà phê trước viễn cảnh thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: Sẵn sàng thích ứng

Từ đầu tháng 4/2025 đến nay, các thông tin về thuế đối ứng của Hoa Kỳ đã khiến kinh tế thế giới cũng như Việt Nam “náo loạn”.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk13/04/2025

Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cà phê vẫn vững tin về sự phát triển bền vững của ngành hàng này trong tương lai, vì còn nhiều dư địa ở các thị trường trên thế giới.

Thông tin từ Hoa Kỳ đã ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy hải sản, máy móc, thiết bị, nông sản…

Trong khi đó, cà phê của Việt Nam là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với sản lượng đứng thứ hai trên thế giới (sau Brazil) và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Niên vụ 2023 - 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê, kim ngạch hơn 5,4 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 81.000 tấn (chiếm 6% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam).

Hiện nay, giá cà phê thế giới đã bắt đầu đà giảm vào ngày 3/4, khi các nhà đầu tư lo ngại việc áp thuế đối ứng với nhiều nước của Hoa Kỳ sẽ làm tổn hại đến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các quốc gia.

Tập kết hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh, mặc dù chịu áp lực từ thuế quan, nhưng Hoa Kỳ không phải là quốc gia sản xuất cà phê và về cơ bản, ngành cà phê Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường từ trước đó, trong khi nhu cầu về cà phê Robusta trên thế giới đang tăng cao, nên sẽ không quá lo ngại về thị trường nếu các DN biết cách thích ứng. Hiện nay, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ và chúng ta có thể chuyển hướng tập trung vào các thị trường khác, nhất là thị trường ở các nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang tiêu thụ mạnh cà phê Robusta Việt Nam. Hơn nữa, trong bối cảnh giá cà phê tăng cao, nhiều nhà rang xay trước tác động của chi phí nguyên liệu đã tăng tỷ lệ sử dụng Robusta để thay thế Arabica, các sản phẩm cà phê Robusta trở nên ngày càng phổ biến. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi mất một phần thị phần tại Hoa Kỳ, DN Việt Nam vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận tốt từ những thị trường khác.

Một tín hiệu lạc quan khác đối với ngành hàng cà phê Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua, được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi trong lối sống. Cà phê không chỉ là một thức uống phổ biến mà còn được xem là một phần của văn hóa toàn cầu. Mặt khác, tiêu thụ nội địa cũng được dự báo đang tăng ở mức bình quân khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2025 – 2030, riêng giai đoạn 2024 - 2025 tiêu thụ nội địa đạt khoảng 270.000 - 300.000 tấn/năm.

Mặc dù vậy, Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất cà phê duy nhất trên thị trường toàn cầu. Các nước như Brazil, Colombia, Indonesia cũng sản xuất lượng lớn cà phê và không ngừng cải thiện chất lượng. Điều này tạo áp lực cho Việt Nam trong việc duy trì vị trí cạnh tranh, đặc biệt là với Robusta, loại cà phê chủ lực của Việt Nam trong bối cảnh mức thuế quan được áp ở các nước này đang thấp hơn của Việt Nam rất nhiều.

Sau 1 ngày mức thuế đối ứng có hiệu lực, sáng 10/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có động thái hoãn áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ 90 ngày đối với hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng hy vọng, nhưng các DN ngành hàng cà phê cũng đã có những chiến lược nhất định để sẵn sàng ứng phó với những kịch bản xấu có thể xảy ra.

Từ đầu tháng 4/2025 đến nay, thông tin về chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ liên quan đến hầu như mọi ngành hàng, mọi quốc gia. Tuy nhiên, theo ghi nhận, các DN, tổ chức ngành hàng cà phê đang có niềm tin vào những giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đã triển khai và đang tiếp tục thực hiện.

Khách hàng tìm hiểu quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao tại Trang trại Aeroco Coffee.

Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện nay mọi thông tin về thuế đối ứng chính thức được tính đều chưa rõ ràng, các DN cũng như cả ngành hàng đều trông chờ những tín hiệu tốt đẹp từ các cuộc đàm phán của Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã có những ứng xử, động thái tích cực tuyệt vời như Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Thủ tướng Chính phủ họp bàn giải pháp ứng phó và phân công ngay Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sang Hoa Kỳ làm việc.

Theo vị đại diện Vicofa, điều này kỳ vọng mang lại triển vọng hợp tác tốt cho hai quốc gia. DN, ngành hàng tin tưởng vào những hành động nhanh nhạy và mang tính chiến lược của Chính phủ. Ở góc độ tổ chức ngành hàng, Vicofa đã đề xuất, kiến nghị với cơ quan cấp trên và chờ đợi tín hiệu sát thực ở cấp độ quốc gia trong thời gian tới.

Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán, một số DN rang xay cà phê tại Đắk Lắk cũng tỏ ra lo ngại rằng nếu mức thuế mới cao hơn được áp dụng sẽ khiến các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang tìm nguồn cung từ Brazil hoặc Colombia, hai quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan này. Nếu không có chiến lược phù hợp, ngành cà phê Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ mất thị trường. Tuy nhiên, trước tình hình mới, nhiều DN cho biết sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng như đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, nâng cao giá trị sản phẩm...

Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care chia sẻ, hiện tại DN tăng cường bán hàng ở thị trường nội địa với những sản phẩm chất lượng, kết hợp với du lịch canh nông để người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp với sản phẩm theo hình thức farm to cup - từ trang trại đến ly cà phê. Và để tồn tại trong tương lai, các DN cà phê phải đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa phân khúc thị trường để không rơi vào bị động.

Có thể nói, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ là rào cản thương mại đơn thuần, mà là "thuốc thử" cho khả năng thích ứng, minh bạch và bền vững của DN cà phê Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh thương mại thế giới đang trở nên ngày càng căng thẳng sẽ khiến giá thành của sản phẩm có thể tăng lên, làm mất lợi thế so sánh với các đối thủ chịu mức thuế thấp hơn. Về tác động gián tiếp, chính sách này có thể gây sức ép về tài chính, lao động, thị trường trong nước, khiến DN giảm doanh thu, lợi nhuận, mất thanh khoản, lao động mất việc làm. Do đó, các DN cà phê đã xác định hướng đi phù hợp để đề phòng với rủi ro thương mại trên thị trường thế giới.

Chiều 9/4 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Tại đây, phía Hoa Kỳ nhất trí hai bên khởi động đàm phán về một thoả thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hóa của nhau, tạo thuận lợi cho các DN Hoa Kỳ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.

Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202504/nganh-hang-ca-phe-truoc-vien-canh-thue-doi-ung-tu-hoa-ky-san-sang-thich-ung-74817b9/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm