Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghệ An: Vẻ đẹp hoang sơ, yên bình của hồ Xuân Dương thu hút du khách

Ngoài chức năng cung cấp nước phục vụ nông nghiệp, hồ Xuân Dương còn là địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng với quanh hồ là các dãy núi đồi trùng điệp, rừng thông, khí hậu quanh năm dịu mát...

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước26/04/2025

Hoàng hôn trên lòng hồ Xuân Dương. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Hoàng hôn trên lòng hồ Xuân Dương. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Hồ Xuân Dương là 1 trong 3 hồ lớn nhất huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, có tổng diện tích gần 340ha, dung tích khoảng gần 20 triệu m3 nước, được bao bọc bởi các dãy rú Dẻ, rú Lá, rú Chạch, rú Ba Chạng.

Ngoài chức năng cung cấp nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các xã Diễn Phú, Diễn Lộc, Diễn Lợi và Diễn Thọ thuộc vùng phía Nam huyện Diễn Châu, hồ Xuân Dương còn là địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng bởi khung cảnh quanh hồ là các dãy núi đồi trùng điệp, bạt ngàn rừng thông, tràm xanh tươi, khí hậu quanh năm dịu mát, trong lành, không gian hoang sơ nhưng bình yên, thơ mộng.

Ông Thái Bá Thể, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Diễn Phú cho biết toàn huyện Diễn Châu có hơn 10 hồ đập tập trung tại các xã Diễn Lâm, Diễn Đoài, Diễn Phú; trong đó hồ Xuân Dương (xã Diễn Phú) và 2 hồ Đình Du, Bàu Da (xã Diễn Lâm) là các hồ có trữ lượng lớn nhất huyện.

Với khung cảnh tự nhiên đẹp, kết hợp với những rừng thông có độ tuổi hàng chục năm ở quanh hồ, từ lâu người dân địa phương ví hồ Xuân Dương như một “tiểu Đà Lạt” của Diễn Châu.

Vào mùa Hè, hồ Xuân Dương thu hút đông đảo người dân trong huyện và các xã vùng phụ cận. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động du lịch, dã ngoại như cắm trại, câu cá, khám phá lòng hồ, ốc đảo bằng xuồng máy, thăm các trang trại nông nghiệp của người dân ở các đảo nhỏ trên hồ.

Từ trung tâm xã Diễn Phú, men theo con đường rải nhựa uốn lượn dưới chân núi, đồi và những rặng thông xanh khoảng hơn 2km, du khách sẽ đến được đập chắn và hệ thống đóng mở nước của hồ Xuân Dương. Hệ thống đập và cửa đóng, mở nước nằm giữa 2 ngọn núi thuộc dãy núi rú Chạch và rú Ba Chạng, được người Pháp xây dựng bằng đá xanh từ năm 1939, hoàn thành năm 1942.

ttxvn-ho-xuan-duong2.jpg
Đập chắn và hệ thống đóng - mở nước của hồ Xuân Dương được xây dựng nằm giữa 2 ngọn núi thuộc dãy rú Chạch và rú Ba Chạng. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Di chuyển trên thân đập, du khách dễ dàng cảm nhận được mặt hồ Xuân Dương rất phẳng lặng, không gian thiên nhiên yên bình, khí hậu mát dịu bởi những làn gió mang theo hơi nước. Phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ thấy cảnh núi đồi trùng điệp, nhấp nhô như một dải lụa mềm mại, hài hòa trong khung cảnh rừng, mây, nước mênh mang. Hồ Xuân Dương tiếp giáp với địa phận xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc), thường xuyên được tiếp nhận lượng nước lớn từ các khe, suối qua hai dòng gọi là Truông Đông và Truông Tây nên quanh năm nước lòng hồ trong xanh.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khu vực đập ngăn của hồ Xuân Dương là trọng điểm bắn phá, thả bom ác liệt của máy bay Mỹ nhưng nhờ được che chở bởi các dãy núi nên công trình vẫn an toàn. Hiện nay, trên rú Chạch, rú Ba Chạng còn nhiều dấu tích hố bom nhưng đã được phủ bởi cây rừng và những thảm thực vật xanh tốt.

Để cảm nhận, ngắm trọn được khung cảnh bao la, yên bình, nên thơ của hồ Xuân Dương, du khách cần di chuyển lên đỉnh cao nhất của dãy rú Chạch. Tại khu vực đặt chòi canh lửa rừng, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy những “khóm cây mồ côi,” hòn đảo nhỏ, “ốc đảo xanh” rú Đất nằm giữa mênh mông nước của hồ Xuân Dương.

Theo người dân địa phương, trên “ốc đảo xanh” rú Đất có nhiều loài chim trời như vịt trời, cú mèo, cò, diệc, chào mào...; các loại động vật như ba ba, trút, chồn, trăn, rắn... trú ngụ, sinh sống. Lúc sáng sớm hay hoàng hôn, các loài chim hoang dã, di cư như cò, vạc bay đi, bay về rú Đất từng đàn lớn với hàng trăm cá thể. Đặc biệt, nhờ vị trí biệt lập giữa mặt hồ, không chịu tác động của con người nên cảnh quan sinh thái ở hòn rú Đất rất nguyên sơ, cây cối, dây leo đan xen chằng chịt, hệ thực vật phong phú.

Ấn tượng, mang lại trải nghiệm thú vị là việc khám phá lòng hồ Xuân Dương bằng xuồng máy. Hành trình này, du khách được các chủ rừng đưa đi tham quan các dãy núi, khám phá hang động, khe nước, các vùng vịnh nhỏ ăn sâu vào núi, thăm các trang trại trồng rừng, mô hình cây ăn quả dưới các dãy núi, đồi nằm bên kia lòng hồ. Nếu có nhu cầu và liên hệ trước, du khách sẽ được thưởng thức các loại đặc sản được nuôi, trồng tại khu vực lòng hồ như cá trắm, cá mè, gà, dê núi được chăn thả tự nhiên.

ttxvn-ho-xuan-duong1.jpg
Hồ Xuân Dương được tiếp nhận lượng nước lớn từ các khe, suối qua 2 dòng gọi là Truông Đông và Truông Tây nên quanh năm mực nước lòng hồ luôn trong xanh. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Mọi người cũng được chứng kiến sự kỳ vĩ và nên thơ của cầu vượt Xuân Dương 2 nối hầm Thần Vũ trên tuyến cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt bắc qua một phần lòng hồ; những nếp nhà nhỏ của người dân địa phương ẩn hiện, khép mình trong khung cảnh bình yên, nên thơ và hài hòa bên lòng hồ.

Từ giữa tháng Tư hằng năm, khi khí hậu, tiết trời miền Trung bước vào mùa nắng nóng, nhiều đoàn du khách trong và ngoài huyện Diễn Châu tìm về hồ Xuân Dương để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, thư giãn sau những căng thẳng, bộn bề của cuộc sống.

Trên con đường uốn lượn dưới chân đồi, núi được phủ mát bởi bạt ngàn rừng thông chạy quanh lòng hồ rất dễ bắt gặp từng tốp người ngồi liên hoan trong không khí vui vẻ, hòa đồng. Nhiều người tản bộ trên những con đường mòn dẫn sâu vào bạt ngàn rừng bạch đàn, keo hoa vàng, rừng thông để tiếp cận và chụp ảnh bên những đồi hoa sim, hoa rành rành phủ kín những triền đồi, lưng núi. Nhiều người ngồi câu cá bên bờ hồ….

Chị Nguyễn Thị Hoa, du khách đến từ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cho biết lần đầu tiên đi cùng bạn bè về đây, chị rất thích thú và ấn tượng khi được trải nghiệm lòng hồ bằng xuồng máy, cảm nhận được khí hậu ở đây mát lành, khung cảnh hài hòa, nên thơ. Đặc biệt, chị được ngắm hoàng hôn buông phủ không gian lòng hồ, mặt nước lấp lánh như át vàng lúc mặt trời rực đỏ khi gác núi, sắp lặn. Giá trị mang lại từ “chuyến du lịch 0 đồng” thật ý nghĩa.

Ông Thái Bá Thể, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Diễn Phú, cho biết để đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm lòng hồ Xuân Dương, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ xuồng máy trang bị đầy đủ áo phao, thiết bị cứu sinh trên phương tiện; nghiêm cấm chở quá số lượng người theo quy định trên mỗi chuyến tham quan lòng hồ; thường xuyên kiểm tra sự vận hành an toàn máy móc của các xuồng.

Đồng thời, chính quyền địa phương chỉ đạo các đoàn thể trong xã cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu; phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu dựng các biển báo có nội dung, hình ảnh trực quan tại các cửa rừng để du khách nâng cao ý thức bảo vệ rừng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống cháy rừng; giữ vệ sinh, bảo vệ và tránh xâm hại đến cảnh quan tự nhiên khu vực hồ Xuân Dương.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/20/172050/nghe-an-ve-dep-hoang-so-yen-binh-cua-ho-xuan-duong-thu-hut-du-khach


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm