Nghề làm bánh chưng trên đất Bình Định
Dù không phải đặc sản đất Võ như bánh ít lá gai, bánh hồng nhưng nghề làm bánh chưng đã có ở Bình Ðịnh từ hàng trăm năm trước. Qua bao thăng trầm, công việc gói bánh chưng ngày nay trở thành nghề mưu sinh của nhiều gia đình và được các thế hệ kế thừa, gìn giữ.
Bánh chưng là loại bánh xuất hiện nhiều trong đời sống, thường xuyên góp mặt trên các mâm cúng, đặc biệt là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Giỗ Tổ Hùng Vương. Trong tâm thức người Việt, đây không chỉ là món ăn mà còn là nét đẹp truyền thống, thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên, đất trời. Bình Định tuy không có các làng bánh chưng nhưng cũng có nhiều cơ sở làm bánh tiếng tăm, thường gắn với hình ảnh các bà, các mẹ.
Đổi đời nhờ bánh chưng
Ở Bình Định mà nhắc đến bánh chưng, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu Bà Xê, tức bà Phan Thị Xê, 67 tuổi. Cách đây 35 năm, gia đình bà Xê khởi nghiệp với nhiều loại bánh trong đó có bánh chưng, bánh tét tại xóm nhỏ cạnh hồ Bàu Sen, nay thuộc phường Trần Phú (TP Quy Nhơn). Sau hàng chục năm gầy dựng, phát triển thành thương hiệu lớn, bà Xê truyền nghề, giao lại công việc cho các con. Trong đó, mảng bánh chưng hiện được vợ chồng anh Tô Phước Sanh đảm trách với lò bánh đặt tại số 25 đường Thoại Ngọc Hầu (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn).
Là thương hiệu lâu năm, bánh chưng Bà Xê được nhiều người ưa chuộng bởi hình thức đẹp, chất bánh thơm ngon. Theo anh Sanh chia sẻ, bên cạnh bánh chưng bình dân cung cấp các chợ truyền thống, nhiều năm qua cơ sở còn gói bánh theo đặt hàng, nhất là những dịp lễ, Tết. Từ một lò bánh nhỏ, ngày nay bánh chưng Bà Xê trở nên quen thuộc trong các lễ, hội; góp mặt tại các siêu thị, cửa hàng tại TP Quy Nhơn và vươn xa đến các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh.
Chị Đặng Thị Hồng Phúc, chủ cơ sở bánh chưng Hồng Phúc, có cơ ngơi vững vàng nhờ nghề làm bánh chưng. |
Những năm gần đây, bánh chưng Hồng Phúc của chị Đặng Thị Hồng Phúc (số 113 đường Hùng Vương, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) ngày càng được nhiều người biết đến, nhất là ở phân khúc bình dân. Sinh ra trong gia đình làm bánh chưng ở TX An Khê (tỉnh Gia Lai), năm 15 tuổi chị Phúc thạo nghề. Năm 18 tuổi, chị lấy chồng về Quy Nhơn rồi lập nghiệp với nghề làm bánh chưng.
Những ngày đầu, chị Phúc nấu bánh đem bán ở chợ. 5 năm sau chị trở thành nhà cung cấp bánh chưng cho bạn hàng ở khắp các chợ tại TP Quy Nhơn và khu vực lân cận. Hiện nay dù mùa thấp điểm, lò bánh hằng ngày vẫn đưa ra thị trường khoảng 300 chiếc bánh chưng nhiều cỡ. Ngoài bánh nhân mặn, vào các dịp rằm, mùng một âm lịch hằng tháng chị còn nấu bánh chưng chay. Trong mùa cao điểm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày cơ sở Hồng Phúc đưa ra thị trường khoảng 5.000 chiếc bánh.
Cơ sở của chị Phúc hiện tạo việc làm cho 2 - 15 lao động tùy thời điểm, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Gắn bó với cái nghề “không nặng nhưng nhọc”, suốt 20 năm công việc làm bánh chưng nấu bán của vợ chồng chị Phúc không chỉ nuôi sống cả gia đình thoải mái mà còn xây dựng nhà cửa tiện nghi, khang trang.
Truyền nghề, nối nghiệp
Tuy không nổi tiếng bằng các cơ sở tại TP Quy Nhơn nhưng ở khắp nơi trong tỉnh, hàng trăm lò bánh chưng vẫn đỏ lửa đêm ngày. Người làm nghề không tập trung mà thường phân bố mỗi vùng một lò, thường gần các chợ phố, chợ làng. Như cạnh chợ Diêu Trì (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) có lò bánh chưng Bà Bảy, tức bà Trần Thị Thao, 82 tuổi, nức tiếng một vùng. Bà học nghề từ cha, làm bánh chưng từ năm 1960, mấy năm sau chồng mất, bà nhờ nồi bánh chưng mà một mình nuôi 3 đứa con nên người.
Ở tuổi 82, bà Trần Thị Thao (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, bên trái) vẫn gắn bó với nghề gói bánh chưng và sạp bánh chưng ở chợ Diêu Trì. |
Nay dù đã lên chức cố, nhưng mỗi ngày bà Bảy vẫn nấu gần 100 chiếc bánh, vừa bỏ sỉ vừa bán lẻ ở chợ Diêu Trì. Giữa buổi sáng, bán xong những chiếc bánh cuối cùng, bà dạo quanh chợ, lựa những bó lá chuối xanh tươi ưng ý, ghé hàng thịt lấy những miếng thịt ba chỉ tươi ngon đặt trước, về nhà lại lúi húi vớt nếp, xắt thịt, hấp đậu, lau lá chuối… “Bánh phải gói xong trước lúc mặt trời lặn để kịp nấu. Đêm thì phải thức dậy 3 lần để tiếp than, thêm nước sao cho 4 giờ sáng có bánh ra lò. Nghề này cực đấy nhưng vui đấy. Vui nhất là tôi có đứa con gái út chịu theo nghiệp mẹ”, bà Bảy tâm sự.
Nhắc đến chuyện truyền nghề, chị Đặng Thị Hồng Phúc chia sẻ, tôi có một đứa con gái và không muốn con theo nghiệp ba mẹ, vì quá nhọc nhằn. Nói thì nói vậy nhưng khi thấy con gái ngồi chăm chú nghe mẹ dạy cách buộc bánh chưng, bánh tét, ánh mắt chị ánh lên niềm vui.
|
Sống ở cạnh chợ Đầm Đầm (khu vực An Lộc, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) bà Trần Thị Thu luôn giữ lò bánh chưng đỏ lửa suốt 20 năm qua. |
Ở tuổi 25, anh Hà Trần Sĩ (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) đã có 4 năm gắn bó với nghề bánh chưng. Anh Sĩ là con trai út của bà Trần Thị Thu, 57 tuổi, chủ lò bánh chưng Bà Bốn nằm bên hông chợ Đầm Đầm (khu vực An Lộc, phường Nhơn Hòa), một trong những lò bánh chưng quy mô lớn và ngon nổi tiếng ở TX An Nhơn.
Năm 2021, anh Sĩ tốt nghiệp Trường CĐ Công Thương TP Hồ Chí Minh rồi về phụ mẹ làm bánh chờ qua dịch Covid-19. Vốn khéo tay lại cần cù, anh Sĩ càng làm càng thích rồi say nghề lúc nào chẳng hay. Hằng ngày ngoài đi giao bánh tại các chợ, anh Sĩ phụ mẹ làm mọi công đoạn từ chế biến nước tro tàu để ngâm gạo nếp, đãi đậu cho đến chế biến nhân, gói bánh…
“Để làm ra mẻ bánh vừa thơm, dẻo, chuẩn vị, đặc biệt lớp bánh bên ngoài bắt mắt với màu ngọc bích nhuộm từ lá chuối, mọi việc mình đều phải chỉn chu. Công việc không khổ nhưng phải cần cù chịu khó, một chút khéo léo và đam mê học hỏi. Nghề này giúp em biết quý trọng đồng tiền, càng gắn bó em càng thương mẹ, thương gia đình, nguồn cội”, anh Sĩ chia sẻ.
NGUYỄN CHƠN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=353880
Bình luận (0)