Tình yêu với ví, giặm từ thuở thiếu thời
Bà Nguyễn Thị Thuận (SN 1967), sinh ra và lớn lên ở Làng Phan, xứ Thông Lạng nay là xã Thông Tân, huyện Hưng Nguyên. Bà Thuận cho biết, bà lớn lên từ Làng Phan và già đi cũng ở Làng Phan này. Cái đặc biệt của Làng Phan là câu hát Dân ca ví, giặm như là phương tiện chuyên chở buồn vui, sẻ chia ngọt bùi của cư dân làng. Người dân hát trong khi lao động, hát khi buồn, khi vui. Người lớn hát, trẻ nhỏ nghe và ngấm dần rồi cũng hát theo và yêu theo lúc nào không hay. Cứ thế, thế hệ nọ tiếp thế hệ kia, dân ca là hơi thở cuộc sống, là phương cách để người dân được chia ngọt sẻ bùi.

Bà Thuận kể, trong suốt quá trình nắm giữ và thực hành di sản bà đã được mẹ truyền dạy cho cái hay, cái đẹp của dân ca. Các kiến thức về các điệu ví, điệu giặm cũng được mẹ chỉ cho, nên lúc hát bà Thuận đã nắm vững tinh thần của câu ví.
“Trong ví ta phải hiểu được ví là thể hát tự do, ngâm vịnh theo thể thơ lục bát, song thất lục bát và lục bát biến thể, cấu trúc đơn giản, nhưng biểu đạt được nhiều sắc thái tình cảm, chuyển tải được nhiều nội dung văn học. Hát ví chỉ có một làn điệu, song theo không gian diễn xướng và nghề nghiệp khác nhau mà có nhiều tên gọi như: ví đò đưa, ví phường đan, ví phường củi, ví phường vải, ví phường nón,… Trong đó, phổ biến hơn cả là ví phường vải, ví trèo non, ví đò đưa, ví phường cấy…".
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận - Làng Phan, xã Thông Tân, huyện Hưng Nguyên
Bà Thuận cũng cho rằng, cũng do môi trường và thời gian diễn xướng, tình cảm và tâm trạng người hát, các điều kiện khác nhau nên nghe ra như có nhiều làn điệu khác nhau. Vì thế, người hát trong giao duyên và trong lao động thường đan cài cảm xúc của mình trong các ngắt nghỉ, trong nhịp điệu của câu ví trong từng hoàn cảnh, từng không gian…

Hơn 40 năm được tắm mình trong Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận đã sưu tầm được hơn 20 bài vè, bài giặm, bài ví cổ từ các cụ già trong làng, trong xã. Một số bài tiêu biểu đã làm tài liệu để cho CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân (nay là xã Thông Tân) sinh hoạt, biểu diễn như: “Mẹ khuyên con giữ đạo làm du”; “Làm trai cho đáng nên trai”; “Vè 12 huyện Nghệ An”; “Nói chuyện với cha”; “Buôn gạo chợ Vịnh”...
Cần mẫn trao truyền
Từ năm 2012 đến nay, bà Thuận đã cùng các nghệ nhân trong CLB truyền dạy Dân ca ví, giặm cho chị em phụ nữ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng để ai ai cũng cất lên được câu dân ca quê mình. Trong dịp Hè, mỗi tuần vào tối thứ Bảy bà lại cùng Ban Chủ nhiệm CLB đến Nhà Văn hóa các xóm để truyền dạy cho thiếu nhi, hoặc tổ chức lớp học ngay tại nhà bà. Đến nay, học trò do bà Thuận truyền dạy khoảng hơn 170 người. Trong đó, có một số thành viên trở thành diễn viên nòng cốt của CLB, tham gia nhiều kỳ Liên hoan dân ca và đạt giải cao như: Nguyễn Thị Cẩm Trà, Nguyễn Văn Hào, Phan Xuân Đại, Phan Kim Lượng, Nguyễn Quỳnh Trâm, Hồ Thị Yến Nhi…

Từ ngày thành lập đến nay, CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân (nay là xã Thông Tân), đã tham gia 3 kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm cấp tỉnh và cấp liên tỉnh, trong đó, đã giành 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba toàn đoàn. Bản thân bà Nguyễn Thị Thuận đã tham gia biểu diễn đầy đủ các kỳ liên hoan cũng như biểu diễn phục vụ công chúng ở các huyện, thành như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, TP. Vinh, TP. Hà Tĩnh... Một số tác phẩm bà tham gia biểu diễn đạt giải cao như: Diễn xướng "Tiếng vọng đồng quê" (đoạt giải A); "Duyên phường bánh" (đoạt giải A); Diễn xướng "Trai khôn tìm vợ chợ đông" (đoạt giải A); "Tổ khúc Hưng Tân khúc hát nghĩa tình" (đoạt giải A); "Tổ khúc Dâng lễ Đức thánh Hoàng Mười" (đoạt giải B)...

Ngoài ra, từ năm 2022, bà đã thường xuyên cùng với các nghệ nhân trong CLB tham gia đầy đủ các chương trình tái hiện không gian diễn xướng Dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh để phục vụ du khách. Bà cũng là thành viên tham gia biểu diễn đón hàng trăm đoàn khách trong nước, trong tỉnh về tham quan mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thông Tân.
Từ năm 2024, CLB Dân ca ví, giặm Làng Phan, xã Thông Tân được thành lập mới, bà Thuận được bầu chọn là Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh Làng Phan. Ban đầu, CLB mới chỉ có 25 thành viên, nhưng sau chỉ 1 năm đã có tới 100 thành viên. Các thành viên có cả cụ bà 80 - 90 tuổi, có cả những em nhỏ mới 5 - 6 tuổi. Những buổi sinh hoạt CLB, tiếng đàn, tiếng hát lại vang lên khắp thôn như một nét sinh hoạt riêng có và hấp dẫn trên vùng quê này.
Điều thú vị là việc trao truyền Dân ca ví, giặm được bà Thuận tiếp nối từ mẹ và nay bà lại truyền dạy cho cậu con trai của mình. Anh con trai bây giờ hát còn hay hơn mẹ Thuận và là một trong những thành viên nòng cốt của CLB Dân ca ví, giặm Làng Phan. Bà Thuận cho hay: "Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình ở Làng Phan có tới 3 - 4 thế hệ tham gia CLB, chúng tôi đến với dân ca như là lẽ tự nhiên, như là nét duyên văn hóa làng. Thế nên, dù bận rộn, dù khó khăn về kinh tế, chúng tôi cũng vượt qua hết để có thể được sinh hoạt dân ca, được đứng trên sân khấu làng, xã hay những sân khấu lớn hơn, cái chính là để được thỏa đam mê".
Có những nghệ nhân nặng lòng với dân ca như chị Nguyễn Thị Thuận thì câu ví, giặm sẽ luôn được chắp cánh bay xa, không chỉ ở những không gian diễn xướng ở huyện nhà, tỉnh nhà mà còn ở những vùng đất yêu câu Dân ca xứ Nghệ.
Ông Nguyễn Trọng Tâm – Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh xã Thông Tân
Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-nhan-nguyen-thi-thuan-voi-giac-mo-dua-dan-ca-vi-giam-bay-xa-10297048.html
Bình luận (0)