Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghị quyết 68-NQ/TW truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, doanh nhân

Với nhiều giải pháp mang tính đột phá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, Nghị quyết 68-NQ/TW đã truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Báo Công thươngBáo Công thương07/05/2025

Đầu tháng 5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nhân dịp này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xoay quanh những nội dung được nêu ra tại nghị quyết.

Nghị quyết 68-NQ/TW: Cơ hội phát triển mới cho kinh tế tư nhân

- Là người đại diện cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông đánh giá như thế nào về việc Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân?

Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành có thể nói là một sự đột phá, mở ra những cơ hội phát triển vô cùng lớn cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thời gian tới.

Nghị quyết 68-NQ/TW truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, doanh nhân
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI. Ảnh: Huy Thế

Đây cũng là nghị quyết được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi và kỳ vọng lâu nay, nên khi được ban hành nó sẽ như một “cú huých”, một thông điệp truyền cảm hứng cho giới doanh nhân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội. Mở ra những không gian mới để toàn xã hội cùng đồng lòng, huy động các nguồn lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đổi mới tư duy, Nghị quyết 68-NQ/TW cũng đặc biệt chú trọng đến hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm tạo thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tích cực đưa dòng vốn, nguồn lực của mình vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự tăng tốc phát triển kinh tế hai con số của Việt Nam trong những năm tới.

- Ông có nói Nghị quyết 68-NQ/TW đã tạo ra “cú huých” và truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, doanh nhân, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nhận định này ?

Ông Phạm Tấn Công: Có thể nói, khu vực doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân luôn nuôi dưỡng khát vọng phát triển. Tuy nhiên, vì thiếu những chính sách mang tính đột phá nên thời gian qua nguồn lực của người dân, doanh nghiệp vẫn được gửi tại ngân hàng hay dùng để đầu tư vào vàng, bất động sản.

Nghị quyết 68-NQ/TW đã gỡ nút thắt này, khơi thông điểm nghẽn để nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp thực sự bắt đầu đi vào nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn. Bởi thực sự sau 40 năm đổi mới, nguồn lực kinh tế trong dân bây giờ đã có sự thay đổi rất nhiều, nhưng chưa được khai thác hiệu quả, Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ khơi thông dòng chảy đó và truyền cảm hứng cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, Nghị quyết 68-NQ/TW đã công nhận và đặt vị thế, vai trò của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Bên cạnh đó là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đây là sự thừa nhận và truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, doanh nhân, cộng với đó là các cơ chế để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển cũng đã được đưa ra với những cải cách rất mạnh mẽ từ môi trường kinh doanh, cơ chế để tạo nguồn vốn, huy động nguồn lực rồi phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

Một điều kiện rất quan trọng khi chúng ta muốn phát triển kinh tế dựa vào khoa học công nghệ đó là nguồn nhân lực. Trước đó, vào tháng 5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Nghị quyết 41-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu về môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, không hình sự hóa hoạt động kinh tế bình thường.

Nội dung này cũng đã được đề cập tại Nghị quyết 68-NQ/TW, điều này giúp doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ hào hứng và còn cảm thấy an tâm và an toàn khi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đây cũng là một điểm hết sức quan trọng.

Cùng với đó, những giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 68-NQ/TW rất tổng thể và toàn diện. Tôi tin rằng, Nghị quyết 68 sẽ là một “cú huých” rất lớn, truyền cảm hứng và khơi thông nguồn lực kinh tế nhân dân, xã hội để đưa vào nền kinh tế, giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới.

Nghị quyết 68-NQ/TW truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, doanh nhân
Cởi trói tư duy, mở khóa tăng trưởng: Kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên vươn mình. Ảnh minh họa

Nỗ lực trong khâu thực thi, đưa Nghị quyết 68-NQ/TW vào cuộc sống

- Với Nghị quyết 68-NQ/TW, có thể nói ‘đường đã mở và cơ hội để doanh nghiệp tư nhân bứt phá đang rất rộng mở. Vậy dưới góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới VCCI sẽ có những giải pháp, hành động gì để cụ thể hóa các nội dung được nêu tại nghị quyết, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết 68-NQ/TW có thể nói như một lệnh "mở đường" cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng để hiệu quả đối với doanh nghiệp, doanh nhân như thế nào còn phụ thuộc vào khâu tổ chức thực hiện, thể chế hóa nghị quyết vào cuộc sống. Đó là khâu rất khó và phụ thuộc vào sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cũng như nhận thức của từng cán bộ trong quá trình thực thi nghị quyết.

Trong bối cảnh đó, vai trò của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp như VCCI là vô cùng quan trọng. VCCI sẽ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Chính những hoạt động như nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đưa ra những góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương sẽ được VCCI tiếp tục thực hiện, nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Sắp tới VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng, tích cực phản ánh những ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi Nghị quyết 68-NQ/TW, quyết tâm đưa Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào cuộc sống thông qua việc lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, kiến nghị Đảng, Chính phủ kịp thời điều chỉnh và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW thành công.

- Với Nghị quyết 68-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đặt kinh tế tư nhân vào vị trí “trung tâm” trong phát triển kinh tế đất nước, vậy theo ông, các doanh nghiệp tư nhân cần làm gì để xứng đáng với vị trí đó?

Ông Phạm Tấn Công: Đảng và Chính phủ đã đặt kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, đấy là kỳ vọng của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Vậy trách nhiệm của kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân bây giờ là làm sao khẳng định được kinh tế tư nhân chính là động lực lớn nhất của nền kinh tế.

Bản thân tôi tin rằng, với sự lanh lẹ, nhạy bén và tinh thần trách nhiệm đối với công việc kinh doanh, trách nhiệm với dòng vốn đã bỏ ra thì kinh tế tư nhân sẽ đảm đương được vai trò đó và nền kinh tế của Việt Nam sẽ trở nên hiệu quả hơn. Các tiến bộ về khoa học - công nghệ sẽ được áp dụng một cách nhanh chóng hơn và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng được nâng lên.

Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Nguyễn Hòa (thực hiện)

Nguồn: https://congthuong.vn/nghi-quyet-68-nqtw-truyen-cam-hung-cho-doanh-nghiep-doanh-nhan-386444.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm