Người dân phấn khởi
Đến nay, HĐND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hải Dương đã tổ chức kỳ họp HĐND, nhất trí cao thông qua chủ trương sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Trước đó, HĐND các xã, phường, thị trấn đã họp và thông qua chủ trương này với sự đồng thuận cao. Tỷ lệ cử tri đồng tình với chủ trương sáp nhập 2 tỉnh, thành phố ở Hải Dương đạt trên 99%.
Sau hợp nhất, dự kiến tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng sẽ thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích tự nhiên gần 3.200 km2 và quy mô dân số hơn 4,6 triệu người.
Sống ở huyện Bình Giang, một địa phương cách TP Hải Phòng khá xa nhưng chị Hà Thị Hồng Ngọc (thôn Hà Tiên, xã Thái Dương) cũng không quá lo ngại khi sáp nhập tỉnh. "Tôi và gia đình cơ bản đều đồng thuận với chủ trương sáp nhập dù có thể sẽ phải đi xa đến trung tâm hành chính mới nhưng đường sá hiện nay rất tiện, có nhiều tuyến đường nối Hải Dương - Hải Phòng", chị Ngọc chia sẻ.
Chị Ngọc cũng phấn khởi vì với tiềm năng, quy mô kinh tế của 2 tỉnh, thành phố hiện nay, nếu sáp nhập sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô kinh tế thuộc tốp đầu toàn quốc và phát triển mạnh mẽ.
Được Bí thư chi bộ đến tận nhà phát phiếu lấy ý kiến cử tri về Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Vân sinh năm 1958 ở thôn Nghĩa, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) phấn khởi cho biết: "Với người dân, việc thay đổi địa giới hành chính cấp tỉnh chắc sẽ không xáo trộn, ảnh hưởng gì nhiều. Chỉ mong sau hợp nhất tỉnh, chính quyền địa phương mới sẽ chọn lựa, duy trì những chính sách tốt và có thêm nhiều chính sách mới, thiết thực với nhân dân".
Bà Vân còn phấn khởi vì trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, lãnh đạo 2 tỉnh đã lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân. Trong đó, tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng đã thay đổi phương án đặt tên xã, phường mới gắn với giá trị lịch sử, văn hoá như nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Tại TP Hải Phòng, chị Nguyễn Thị Thu Hường, một người đang sinh sống và làm việc tại đây cũng chia sẻ sự phấn khởi về chủ trương sáp nhập tỉnh.
Chị đang làm chuyên viên tư vấn bất động sản tại Công ty CP thương mại và phát triển bất động sản Trung Tín (trụ sở ở khu đô thị Vinhomes Marina, Vinh Niệm, Lê Chân, TP Hải Phòng).
"Không chỉ phấn khởi trước chủ trương sáp nhập tỉnh mà chúng tôi đã ngay lập tức thực hiện, tham gia các chiến dịch mở rộng, tiếp cận thị trường tại Hải Dương đối với các dự án bất động sản tại TP Hải Phòng. Việc sáp nhập tỉnh dự kiến sẽ là cú hích, động lực lớn với thị trường bất động sản tới đây", chị Hường cho biết.
Đó cũng là sự đồng thuận, kỳ vọng của nhiều người dân 2 tỉnh, thành phố trước sáp nhập.
Cán bộ, doanh nghiệp chủ động thích ứng
Trong khi người dân đồng thuận, tin tưởng thì các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp cũng đang chủ động thích ứng, nhất là với những gia đình có cả vợ chồng đều làm công chức, viên chức ở tỉnh hay với các nữ cán bộ, công chức.
Bà Bùi Thị Minh Huệ, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương khẳng định hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng là một chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, khi sáp nhập, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức người Hải Dương hiện nay sẽ phải sang TP Hải Phòng làm việc. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra một số khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với cán bộ nữ có chồng đi làm xa, con còn nhỏ như bà Huệ.
"Gần đây, chị em đã sôi nổi bàn về kế hoạch trong tương lai. Để có thể chu toàn việc cơ quan, việc nhà, chúng tôi mong rằng khi đơn vị hành chính cấp tỉnh mới đi vào hoạt động sẽ có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho cán bộ, công chức, viên chức về nhà ở, đi lại, đãi ngộ… để mọi người yên tâm làm việc. Đặc biệt, những bộ phận nào có thể tiếp tục làm việc tại tỉnh Hải Dương hiện nay thì sẽ được quan tâm bố trí ở lại", bà Huệ đề nghị.
Thời điểm này, một số doanh nghiệp ở Hải Dương cũng đang chuẩn bị để thích ứng với tình hình mới.
Chị Hoàng Thị Thuỷ ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) đang kinh doanh dịch vụ định hướng, tư vấn xuất khẩu lao động, du học Hàn Quốc ở Hải Dương. Đồng thời, chị còn kinh doanh mỹ phẩm, chăm sóc da.
Tới đây, nếu sáp nhập tỉnh, dự kiến lượng khách da liễu sẽ giảm khoảng 50% do khách hàng của chị chủ yếu là công chức, viên chức, người làm việc ở các cơ quan nhà nước trong tỉnh và người thân của họ. "Khi cơ cấu khách nhà nước giảm, tôi sẽ chuyển hướng khai thác khách hàng mảng da liễu sang khối người dân, doanh nghiệp trong phạm vi gần. Mảng xuất khẩu lao động, du học dự kiến sẽ không ảnh hưởng nhiều. Hiện tôi đã làm quen và tăng cường hướng dẫn học viên làm thủ tục khai báo tạm trú tạm vắng, đề nghị cấp hộ chiếu trực tuyến để khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp bộ máy sẽ không phải đi lại, ảnh hưởng nhiều", chị Thuỷ chia sẻ.
Đó chỉ là một trong số những giải pháp mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp ở Hải Dương chuẩn bị triển khai để thích ứng nếu sáp nhập tỉnh.
Với sự đồng thuận, thống nhất, người dân tin rằng việc sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng sẽ thành công, tạo động lực phát triển cho địa phương, từ đó nâng cao đời sống nhân dân.
PHONG TUYẾTNguồn: https://baohaiduong.vn/nguoi-dan-noi-gi-khi-hai-duong-hop-nhat-voi-hai-phong-410320.html
Bình luận (0)