Dân gian có câu “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy” nhằm để chỉ những lễ hội lớn ở các làng phía Tây kinh thành Thăng Long. Trong đó, rước Giá là một nghi lễ nổi tiếng của lễ hội làng Giá, được tổ chức vào ngày 10 tháng Ba âm lịch hàng năm.
Làng Giá thuở trước có tên là Cổ Sở, nay là đất thuộc hai xã Đắc Sở và Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Trong làng có quán Giá - di tích được xếp hạng quốc gia từ năm 1991. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và tài liệu của địa phương, Quán Giá thờ Lý Phục Man - người có công giúp vua Lý Nam Đế lập nên nhà nước Vạn Xuân độc lập.
Rước Giá là một nghi lễ nổi tiếng, có sự tham gia của hàng trăm người
Những năm gần đây, cứ 5 năm một lần sẽ tổ chức hội lớn (tổ chức vào những năm chẵn). Hội Giá năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 10 đến 12 tháng Ba âm lịch với các trò chơi dân gian truyền thống như hội cờ người, thi đấu vật... và tâm điểm của hội chính là lễ rước Giá độc đáo.
Theo phong tục, sau khi khai mạc lễ hội thì dân làng tổ chức lễ dâng hương để trình Thánh. Lễ này do cụ thủ từ cùng các vị chức sắc trong làng hành lễ. Bắt đầu là tiết mục múa cờ và múa sư tử với sự tham gia của các trai đinh trong làng.
Nghi thức múa cờ trước lễ rước
Chiều cùng ngày diễn ra lễ Nghiềm Quân, đây là nghi lễ rất quan trọng và đặc sắc trong lễ hội làng Giá. Trong nghi lễ này, tất cả đội hình hàng trăm người được sắp xếp, múa cờ theo hình xoáy trôn ốc, người tướng cầm lá cờ đại phá vòng vây rất tài tình.
Trong khi ở sân ngoài đang tiến hành Nghiềm Quân thì ở sân trong đang chuẩn bị nghi thức rước kiệu. Sau khi Nghiềm Quân xong mọi người chuyển vào khớp với đám rước.
Đoàn rước khởi hành với đội múa cờ, múa sư tử đi đầu
Số người tham gia đội rước có đến 500 - 600 người, gồm đội ngũ “lão hạ”, “lão trung” mặc trang phục áo the, đầu đội mũ nón lá, tay cầm hoa roi cùng các trai tráng.
Dẫn đầu đám rước là đội múa cờ, múa sư tử, tiếp theo là áp đám có nhiệm vụ bảo vệ, trấn an cho đội rước được quy củ và trang nghiêm, sau đó là cờ thần, chiêng, trống, hoa roi, cờ trượng, bát âm rồi đến, hàng kiệu, tàn, tán… theo sau là đèn lồng, kiệu văn cùng các phụ lão và nhân dân trong làng.
Các nghi lễ được tiến hành trang nghiêm, thành kính
Đám rước đi từ Quán Giá theo đê sông Đáy tới Văn chỉ rồi về Quán tế thần. Chỉ huy đám rước là một cụ ông có uy tín trong làng, cầm chiêng chỉ đạo đội tổng cờ, gọi là thủ hiệu.
Mỗi khi cụ ông đánh chiêng, đội tổng cờ khoảng gần 50 em thiếu niên với trang phục áo dài thâm, khăn thâm, quần trắng, đi chân đất, áo dài cài thắt lưng đỏ đồng thanh hô: "Lai ré hè ré". Khi rước đến Văn chỉ, chỉ có ông thủ hiệu, các tổng cờ, các quan hầu của thần và cỗ kiệu được phép vào sân tế, số còn lại phải đứng bên ngoài.
Đội bát âm trong đoàn rước
Sau khi hoàn thành xong các nghi thức, đoàn rước lại trở về Quán Giá bằng con đường cũ với đội hình ban đầu. Nghi lễ rước Giá kết thúc trong sự vui mừng, hân hoan và phấn chấn của toàn thể nhân dân.
Kết thúc phần nghi lễ linh thiêng là mở ra phần hội tưng bừng với các trò chơi thể hiện trí tuệ uyên thâm và tinh thần thượng võ của dân tộc như đấu cờ người, đấu vật cổ truyền…
Dưới đây là một số hình ảnh nghi thức rước Giá trong lễ tổng duyệt chiều ngày 5/4:
Năm 2025, nhằm năm chẵn, làng Giá mở hội với nghi thức đại đám
Đội cờ người diễu hành qua cây cột đồng trụ cổ kính
Đội cờ người chuẩn bị vào sân thi đấu
Chàng trai thủ vai "Tướng ông"
Thiếu nữ trong đội cờ người
Thế Vũ
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-dan-yen-so-hao-hung-voi-nghi-le-ruoc-gia-post341616.html
Bình luận (0)