Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người gác rừng và tiều phu bé nhỏ

Trạm gác nằm trơ trọi giữa một bờ đá xám được ken dày bởi đám dây leo chằng chịt, bên ngoài được gia cố vài tấm ván ép và những nhánh cây khô. Thoạt nhìn, trạm như một chiếc chuồng chim bị bỏ hoang lâu ngày, chỉ cần một luồng gió giật lại rung lắc bần bật.

Báo Bà Rịa - Vũng TàuBáo Bà Rịa - Vũng Tàu16/05/2025

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Trong trạm, người gác rừng nằm co ôm chiếc đài cũ kỹ phát ra những âm thanh khọt khẹt như người mắc chứng hen phế quản, chốc chốc ông vỗ bồm bộp, âm thanh nghe rõ hơn nhưng chỉ một lát lại rè rè như cũ. Quay vào vách kéo tấm chăn trùm kín người, ông với tay vặn nhỏ volume, thoáng chốc đã chìm vào giấc ngủ. Ngoài kia gió vẫn miệt mài thốc về từng cơn lạnh đến gai người.

Ngoài cửa vang lên tiếng cộc cộc đanh gọn. Người gác rừng choàng tỉnh nhưng vẫn nằm im nghe ngóng, ông chẳng lạ gì những tiếng động trong đêm, đó có lúc là một nhành cây khô rơi xuống va vào cửa, lúc lại là một chú khỉ đứng trú mưa táy máy nghịch ngợm. Văng vẳng trong tiếng gió là tiếng mưa từ trên cao đổ về, lộp bộp rơi trên những tàng cây lẫn vào tiếng tác tộ của bầy thú ăn đêm. Ngọn nến cháy gần đến cái bấc. Ngoài cửa tiếng cộc cộc lại vang lên, lần này có phần gấp gáp như cái cách người ta thúc giục. Ông rón rén xuống giường hé cửa nhìn ra. Trên ngọn cây trẩu, gió quằn quại rít từng cơn như sói hú. Giữa không gian mờ tối, bóng một người nhỏ thó đứng co ro, vai vác một bao tải không rõ là gì.

“Ai đó. Đêm hôm gõ cửa có việc gì?”, ông lên tiếng.

Chiếc bóng vẫn bất động. Người gác rừng thận trọng đi giật lùi vào trong lấy chiếc đèn pin bật lên lia một đường ra cửa. Lúc này, ông mới nhận ra chiếc bóng là một cậu bé chừng mười lăm tuổi, thân hình gầy gò trong bộ quần áo như bở ra vì nước mưa. Trong bóng đêm, ánh mắt cậu lóe sáng trên gương mặt đen đúa hốc hác. “Bác… cho con vô trú nhờ đêm nay… sáng mai con đi liền…”, giọng cậu bé không giấu được vẻ run rẩy vì lạnh.

Người gác rừng khoát tay ra hiệu cho cậu bé vào trong rồi lẳng lặng đi thắp ngọn đèn bão. Trong khi cậu còn loay hoay chưa biết để bao tải ở đâu, trên cao sét đã đột ngột rạch một đường ngang trời khiến trạm gác chao đảo như bị nhấc bổng lên, một góc rừng lóe sáng như ban ngày. Cậu bé vội vàng nghiêng vai thả phịch bao tải xuống đất ôm vai co ro, gương mặt lộ vẻ thất thần trước trời đất đang nổi cơn thịnh nộ. Người gác rừng sau một hồi lục lọi, lấy ra bộ quần áo rộng thùng thình đưa cho cậu. “Con mặc tạm, đợi bác nhóm lửa lên cho ấm”.

Cậu bé cầm bộ quần áo chui vào góc tối đứng thay. Sau một hồi quần thảo, gió, sấm sét cũng lặng dần. Dưới ánh lửa, gương mặt cậu bé dịu dần nhưng vẫn lộ vẻ bơ phờ. Người gác rừng lần tay tìm gói thuốc rút một điếu gắn lên môi, đưa thanh củi lập lòe lên mồi đóm. Cậu bé yên lặng quan sát ông, thỉnh thoảng nhìn ra màn đêm đặc quánh. Ngoài bờ đá vọng vào tiếng đôi tắc kè rừng rền rỉ, mưa ngớt hạt nhưng đất trời vẫn nặng nề như chiếc chăn bông sũng nước, những giọt mưa còn đọng trên nhánh cây lặng lẽ rơi từng giọt… từng giọt không một tiếng động.

“Con ở đâu đêm hôm tới đây?”, người gác rừng cho thêm thanh củi vào lò, quay sang cậu khẽ hỏi.

“Con… đi kiếm củi. Hôm trước con theo mấy chú ngủ tạm trong trạm bơm trên kia, nay họ về còn mình con ở lại…” giọng run run, cậu kéo bao tải lại gần lấy ra vài khúc củi định chất thêm vào lò nhưng người gác rừng ra hiệu đừng chất thêm củi nữa. Ông yên lặng rít thuốc khẽ buông một tiếng thở như chạm vào đêm rồi với tay vặn chiếc đài, âm thanh khọt khẹt khiến không gian như ấm lại vì có thêm tiếng người. Trên bức vách, ảnh lửa run rẩy tạc bóng cậu bé thành một vệt đen dài bất động. Ngoài kia mưa đã tạnh, gió cũng thôi lùa qua mái. Bên đống lửa bập bùng, gương mặt cậu bé có phần hồng hào hơn, cậu ngồi nhích vào hơ hai bàn tay áp má. Người gác rừng lúc này mới sực nhớ ngẩng lên hỏi. “Con ăn gì chưa? Để bác coi nồi có còn cơm…”. Không đợi cậu trả lời, ông đứng lên xới chén cơm đưa cho cậu. “Còn miếng cơm cháy con ăn tạm” ông cười, nụ cười ấm áp khiến cậu bé dạn dĩ hẳn.

“Con thích cơm cháy. Hồi trước ở nhà má biết con thích cơm cháy nên lần nào nấu má cũng vần trên bếp than thiệt lâu, sau này nhà con nấu bếp ga, cơm cháy không ngon như trước nữa” cậu bé vừa ăn vừa kể, vẻ hồn nhiên thoắt hiện trong ánh mắt ngời ngợi trong veo. “Rồi má con giờ ở đâu, nhà con…?”. “Má con ở với dượng, với hai đứa em. Nhà con ở dưới kia, sau chợ Thọ Thành”. “Con bỏ nhà lên đây có phải không?”.

Cậu bé cúi mặt, miếng cơm lúng búng ngậm trong miệng, một dòng nước mắt ứa ra trên gương mặt đen đúa. Người gác rừng yên lặng quan sát cậu bé rồi cất giọng trầm trầm như độc thoại.

“Bác ra đời đã không còn có mẹ. Bác chỉ nhớ nơi bác lớn lên là một miền trung du bát ngát, nơi đó con đường đất quanh năm bùn lầy vì những dấu chân thú, những cơn mưa phùn ẩm ướt và buốt lạnh. Bác sống cùng bà nội. Chiều nào bên ngạch cửa bác cũng đứng đợi bóng bà tất tả trở về từ cuối cánh đồng. Nhiều năm như thế, ký ức bác vẫn trọn vẹn một miền sơn cước hoang vu. Mỗi đêm bà ôm bác vào lòng khe khẽ vỗ về bằng những câu hát ru, đợi bác say ngủ bà mới đặt vào giường, trong căn buồng có ô cửa chấn song nhìn ra bìa rừng. Ở đó bác ngửi thấy mùi đồng cỏ, mùi gia súc. Bác nằm nghe tiếng gió hú qua cánh rừng, những tiếng gió đơn độc thổi qua…”

“Ngày đó bác chỉ có một mình bà thôi sao?” cậu bé khẽ hỏi.

Người gác rừng không trả lời, lẳng lặng nối điếu thuốc khác. Cậu bé chăm chú nhìn đôi mắt ưu tư hằn trên gương mặt đượm buồn, vài sợi tóc bạc lơ thơ rớt xuống vầng trán chằng chịt những vết cắt thời gian. Cậu thu hai bàn tay sau lần áo, bâng quơ nhìn những mẩu thuốc lá hút dở vương vãi trên đất. Người đàn ông sau một hồi ém hơi thuốc vào lồng ngực, chầm chậm nhả khói, lại cất giọng rì rầm. “Nơi bác sinh ra còn hoang sơ lắm, đất đai khô cằn nhưng bốn mùa luôn rực lên những màu hoa dại. Bác chẳng có ai ngoài bà nội, suốt ngày bác quẩn quanh bên bà, thui thủi một mình bên ngạch cửa cả ngày với đủ trò chơi mà không biết chán. Cứ như vậy, bác lớn lên cho đến ngày bà ra đi…”.

“Năm đó bác bao nhiêu tuổi?”. “Cỡ trạc tuổi con bây giờ”. “Rồi bác đã làm gì để sống?” cậu bé tò mò. “Làm tất cả những gì có thể để có cái ăn và tiếp tục đi học. May mắn sao, người trong làng cũng thương và cưu mang những lúc bác đói. Những ngày tháng đó bác thèm có một người mẹ biết bao…”. Người gác rừng kể đến đó thì dừng, loay hoay bỏ trà vào ấm đun lên, mùi trà thơm lừng khiến cậu bé chun mũi hít hà. Ngoài kia đám cây rừng đột ngột vặn mình chao đảo trong tiếng gió rít, tiếng cành khô trèo trẹo gió vặn đến gãy gập. Bên bếp lửa, cậu bé đã ngoẹo đầu ngủ say…

Sáng sớm. Lũ chim rừng còn vùi trong cơn ngái ngủ, người gác rừng đã trở dậy lui cui bên bếp lửa vần nồi cơm vừa chín tới. Cậu bé thức giấc từ bao giờ, loay hoay thay bộ đồ hong bên bếp đã khô cong rồi cẩn thận xếp bộ đồ vừa thay ra ngay ngắn, trao cho người gác rừng, ánh mắt thoáng chút ưu tư. “Cảm ơn bác đã cho con nhờ một đêm! Giờ con phải về thôi. Hai tuần nay chắc má nhớ con dữ lắm. Không có con, một mình má đi bán, còn lo cho hai đứa em, má cực”.

“Con nghĩ phải đó! Dù bất cứ điều gì xảy ra, cũng nên chọn ở bên má mình” người gác rừng thì thào. “Nhưng… con là anh cả trong nhà, con cần phải vậy!” cậu bé ngước ánh mắt ngập ngừng nhìn ông. “Con cần phụ giúp má?” người gác rừng dịu dàng hỏi. “Dạ”, cậu bé khẽ khàng.

Ngoài kia sương phủ trắng cánh rừng, đó đây tiếng vài con chim đập cánh bay lên đỉnh núi mù sương. Gương mặt cậu bé sau bếp lửa bập bùng như đặc quánh lại, già đi trước tuổi. “Má con cực lắm, từ ngày ba con qua đời, má một mình nuôi con” tiếng cậu bé rì rầm “Rồi má đi bước nữa, hai đứa em con ra đời thì chẳng may dượng gặp tai nạn phải nằm một chỗ. Còn một mình má tần tảo, ba giờ sáng má đã ra bến đợi ghe cá vô bờ, rồi má ra chợ ngồi bán đến chạng vạng. Một mình má giờ đây phải nuôi ba anh em con, thuốc thang cho dượng... Con quyết định nghỉ học theo mấy chú lên rừng kiếm củi…” kể đến đó cậu bé rơm rớm. “Má không nói gì sao?”. “Má khóc, biểu con phải đi học trở lại, một mình má cực là đủ rồi”. Người gác rừng kéo cậu bé lại gần xoa lên đầu tóc lởm chởm chua lè. “Nghe bác, giờ về với má với em, rồi phải quay trở lại trường. Con cần phải học. Về đi con, đừng để má lo! Bác ở đây, thỉnh thoảng lên chơi với bác”. Cậu bé khẽ gật, cúi xuống vác bao tải lên vai, trước khi quay đi còn bịn rịn ngoái lại nhìn người gác rừng, ánh mắt chan chứa biết ơn.

Cậu bé xuống đồi, chiếc bóng nhỏ bé lúp xúp xuôi trên triền dốc, sau lưng chiếc bao tải lỉnh kỉnh củi khô như đè xuống tấm lưng gầy, sức nặng khiến bước đi của cậu lệch sang một bên như con tàu đang lúc cất hàng xuống bến. Người gác rừng nhìn theo bóng cậu, rưng rưng thoáng một nụ cười. Xuống đến chân dốc, cậu bé ngoái lại đưa bàn tay lên vẫy vẫy, xa rồi nhưng người gác rừng vẫn nhận ra đôi mắt cậu sáng ngời lên như ánh mặt trời vừa ló dạng sau vũng mây mù.

VŨ NGỌC GIAO

Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/nguoi-gac-rung-va-tieu-phu-be-nho-1042697/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm