Người Truyền Lửa: Bà Lê Thị Kiều và Ký Ức Cách mạng Trong Không gian Bảo tàng
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ không chỉ là một thiết chế văn hóa đóng vai trò bảo tồn và giới thiệu di sản của phụ nữ miền Nam Việt Nam, mà còn là không gian giáo dục giá trị truyền thống, lòng yêu nước và tinh thần cách mạng đối với các thế hệ đương đại. Những ngày tháng Tư lịch sử trong không khí cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã đón tiếp rất nhiều các cá nhân và tổ chức đến tham quan bảo tàng, trong đó có một vị khách đặc biệt là nữ cựu chiến binh Lê Thị Kiều, sinh năm 1940, quê quán ở Tiền Giang thuộc đơn vị thông tin liên lạc 20, người đã vào sinh ra tử trong kháng chiến hiểu được giá trị to lớn của hòa bình, độc lập.
Trong chuyến tham quan bảo tàng, bà đã chia sẻ trực tiếp về những kỷ niệm thời chiến, đặc biệt là vai trò của bà trong đơn vị thông tin liên lạc 20 – một lực lượng đặc biệt quan trọng trong công tác truyền lệnh và bảo vệ các tuyến thông tin chiến lược trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho người cháu sinh được ra và lớn lên tại Úc hiểu thêm về tinh thần “quyết tử để bảo vệ đường dây” được bà Kiều kể lại qua những câu chuyện cảm động về sự hy sinh thầm lặng của đồng đội, trong đó có những chiến sĩ đã ngã xuống ngay trong lúc thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, kết nối đường truyền bị địch phá hoại để đất nước mình có được hòa bình như ngày nay.
Trong chiến tranh, thông tin liên lạc đảm nhận một vai trò cực kỳ quan trọng. Hệ thống thông tin liên lạc phải đảm bảo kịp thời chuyển lệnh nổ súng kháng chiến đến các địa phương, chiến trường, góp phần đắc lực vào thắng lợi cuộc chiến đấu của quân và dân trong cả nước. Theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, các chiến sĩ cách mạng cho dù phải hy sinh cũng phải đảm bảo các đường dây liên lạc giữa Trung ương với các khu, các địa bàn quan trọng không được ngắt quãng. Với tinh thần cảm tử, các chiến sĩ thuộc đơn vị thông tin liên lạc 20 của bà trước khi nhận nhiệm vụ sữa chữa, nối lại những đường dây liên lạc vô tuyến bị hư hỏng do kẻ thù phá hoại, các anh em chiến sĩ chỉ kịp nhìn nhau lần cuối ngầm xác định sẽ chia xa khi bị kẻ thù phát giác. Có những đường dây liên lạc được nối bằng máu tươi của những chiến sĩ ngã xuống.
Trong không gian trưng bày chuyên đề “Phụ nữ miền Nam qua hai cuộc kháng chiến”, giọng bà Lê Thị Kiều nghẹn lại, nước mắt bà rơi khi kể lại với người cháu những ký ức về đồng đội – những nữ chiến sĩ vừa chiến đấu, vừa làm công tác dân vận, nuôi giấu cán bộ và bảo vệ nhân dân. Giọng bà nghẹn ngào khi nhắc đến quá khứ, nhưng cũng đầy tự hào khi khẳng định sự lựa chọn tham gia cách mạng là điều bà “chưa từng hối hận” khi nhìn lại những kỷ vật kháng chiến được trưng bày. Để có được hoà bình hôm nay là ngày ấy các thế hệ ông bà đã đánh đổi bằng máu và nước mắt, nhớ lại quá khứ bà mỉm cười tự hào và không hề hối hận, khi lựa chọn cho mình con đường tham gia kháng chiến. Qua những lời kể đó người cháu của bà vô cùng kinh ngạc trước những chiến tích kỳ diệu của phụ nữ Việt Nam và càng khâm phục hơn người bà đáng kính của minh. Dù ở nơi xa nhưng cô vẫn mãi tự hào về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam mà còn cảm nhận sâu sắc tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của phụ nữ Việt Nam.
Bà Lê Thị Kiều khơi dậy niềm tự hào, tri ân và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Qua chuyến tham quan tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, không chỉ mang ý nghĩa cá nhân, mà còn là một hành trình trao truyền ký ức lịch sử, ôn lại truyền thống cách mạng để tưởng nhớ lại những người đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trên các chiến trường, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc và cảm hứng sống. Những câu chuyện “truyền lửa” từ nhân chứng như bà Kiều giúp thế hệ trẻ hôm nay – những người được thừa hưởng hòa bình từ sự hy sinh của thế hệ đi trước. Góp phần khơi gợi ý thức trách nhiệm và lòng biết ơn trong giới trẻ từ đó có nhận thức sâu sắc hơn về tình yêu đất nước, vai trò, trách nhiệm của mình trong nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Điều này khẳng định vai trò của bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn là một trung tâm giáo dục lịch sử – đạo đức có tính cộng đồng cao.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và 40 năm thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (29/04/1985– 29/04/2025), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện chuyên đề “Hành trình 40 năm – câu chuyện từ những hiện vật” được trưng bày từ ngày 18/4/2025 – 18/7/2025 sẽ giới thiêụ đến khách tham quan những di sản ký ức gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng, cũng như vai trò của phụ nữ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Các hiện vật được tuyển chọn mang tính biểu tượng cao, từ đó tái hiện sinh động một giai đoạn lịch sử hào hùng thể hiện cho tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam để giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Với bề dày 40 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã khẳng định vị thế là một trung tâm văn hóa – giáo dục có vai trò lan tỏa các giá trị truyền thống và lòng yêu nước, đồng thời góp phần bồi dưỡng ý thức công dân và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước tăng cường ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình và độc lập.
Khách tham quan phòng trưng bày “Hành trình 40 năm – câu chuyện từ những hiện vật” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Huỳnh Thị Kim Loan
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế
Nguồn: https://baotangphunu.com/nguoi-truyen-lua-ba-le-thi-kieu-va-ky-uc-cach-mang-trong-khong-gian-bao-tang/
Bình luận (0)