Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguyên Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ câu chuyện ủng hộ Việt Nam thống nhất đất nước

Trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, nhân dân Việt Nam luôn có bạn bè quốc tế sát cánh, trong đó có người dân Thụy Điển.

Báo Công thươngBáo Công thương27/04/2025

Nhờ sự sắp xếp của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, phóng viên Báo Công Thương có dịp trò chuyện với bà Elisabeth Dahlin - một quan chức người Thụy Điển. Bà là nguyên Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam từ năm 1997 - 2001, cũng là một trong số rất nhiều thanh niên Thụy Điển tham gia các phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước.

Bà cũng là người chứng kiến thủ đô Stockholm bùng nổ niềm vui trong ngày 30/4/1975 khi Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Cuộc trò chuyện với bà càng có ý nghĩa hơn trong những ngày này khi cả nước Việt Nam đang sôi nổi chờ đón các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc chiến của Việt Nam là cuộc chiến của lẽ phải

Được biết, từ năm 1972 khi Mỹ ném bom Hà Nội bà cùng những người bạn đã có hành động mạnh mẽ nhằm phản đối cuộc chiến và ủng hộ nhân dân Việt Nam, xin bà chia sẻ rõ hơn về điều này?

Elisabeth Dahlin: Năm 1972 là cao điểm nhưng thực ra phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam chống chiến tranh của người dân Thụy Điển đã bắt đầu từ những năm 1967 - 1968. Các tổ chức công đoàn, tôn giáo, nhất là thanh niên đã đoàn kết bày tỏ sự ủng hộ với nhân dân Việt Nam và phong trào này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong xã hội Thụy Điển.

Nguyên Thủ tướng Thụy Điển - Olof Palme khi đó còn là Bộ trưởng Giáo dục - một trong những người đấu tranh mạnh mẽ cho phong trào phản chiến của Việt Nam - đã cùng với Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô và kiêm nhiệm Thụy Điển xuống đường tuần hành thể hiện tinh thần đoàn kết với người Việt Nam.

Chứng nhân Thụy Điển kể chuyện ủng hộ Việt Nam phản chiến
Bà Elisabeth Dahlin - Nguyên Phó Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam từ năm 1997 - 2001. Ảnh: Hoàng Hoà

Đặc biệt, giới trẻ tinh thần rất quyết liệt và ủng hộ mạnh mẽ đến độ lúc đó có một thứ rất “trend” là cầm cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tuần hành trên đường phố, hô vang khẩu hiệu, đồng thời quyên góp để ủng hộ người dân Việt Nam. Mọi người rất hào hứng.

Phong trào đó nổi dần và trở nên mạnh mẽ trong xã hội Thụy Điển đến năm 1972 như cao trào. Tinh thần ủng hộ nhân dân Việt Nam lúc đó được thể hiện ở mức độ cao nhất.

Tôi nghĩ rằng, báo chí có vai trò hết sức quan trọng, vì lúc đó báo chí Thụy Điển tường thuận và đăng tải những câu chuyện về chiến tranh tại Việt Nam và nó khác hoàn toàn thế chiến thứ 2 - lúc đó báo chí chưa phát triển giống như thập niên 70. Cộng hưởng tất cả điều này đã tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội Thụy Điển mong muốn bày tỏ tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ đối với nhân dân Việt Nam.

Khi đó, phương tiện truyền thông không hiện đại như bây giờ, vậy cách nào giúp bà biết đến sự khốc liệt từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam? Động lực nào, suy nghĩ nào giúp bà có những hành động mạnh mẽ ủng hộ nhân dân Việt Nam trong bối cảnh khó khăn như thế?

Elisabeth Dahlin: Báo chí lúc đó đã phát triển và hiện đại hơn so với thế chiến thứ 2 nhưng cũng vẫn rất sơ đẳng. Chúng tôi may mắn có một số nguồn thông tin là phóng viên chiến trường. Họ là những nhà báo Thụy Điển rất dũng cảm, hoạt động ngay cả ở những thời điểm khốc liệt nhất, đạn bom nguy hiểm để tường thuật từ chiến trường.

Hơn nữa, lúc đó Thụy Điển là một trong những nước phương Tây đầu tiên đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969. Đại sứ quán Thụy Điển đã có tại Hà Nội và truyền tải rất nhanh chóng và kịp thời thông tin về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Qua đó đã giúp người dân Thụy Điển hình dung và cập nhật cần thiết về thời sự tại Việt Nam, kể cả lúc khốc liệt nhất là khi Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972.

Cùng với đó, một số hình ảnh từ những nhà báo phương tây tác nghiệp tại Việt Nam như bức ảnh "Cô bé Napalm" của nhà báo nhiếp ảnh Nick Út chụp tại hiện trường; hay hình ảnh Đại úy Bảy Lém bị bắn ngay trên đường phố Sài Gòn mà không qua bất cứ một hình thức xét xử nào đã gây chấn động về mặt thời sự đối với xã hội Thụy Điển.

Cũng từ đó, người dân Thuỵ Điển có được hình dung cụ thể và sát nhất về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh tại Việt Nam và nhận thấy cần phải ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tinh thần “thép” của Việt Nam vẫn sôi sục ngay trong thời bình

- Được biết, bà đã làm Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam từ năm 1997 đến 2001, bà cảm nhận ra sao về đất nước, con người Việt Nam, nhất là những nỗ lực nhằm phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, nhân ái?

Elisabeth Dahlin: Tôi nghĩ rằng thời kỳ đó là thời kỳ rất sôi động, rất nhiều điều xảy ra một lúc và rất nhanh chóng. WTO bắt đầu thành lập, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN, Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và người dân Việt Nam bắt đầu nói tiếng Anh. Chúng ta chứng kiến sự phát triển bùng nổ của kinh tế và con người Việt Nam.

Chứng nhân Thụy Điển kể chuyện ủng hộ Việt Nam phản chiến
Bà Elisabeth Dahlin khi còn trẻ tham gia các phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam chống lại chiến tranh. Ảnh nhân vật cung cấp

Về xã hội, sự hiếu học của người dân Việt Nam không chỉ nhìn thấy ở Văn Miếu mà thể hiện ở mọi nơi. Người dân làm việc rất chăm chỉ, cố gắng tích lũy kiến thức.

Việt Nam lúc đó cũng có sự bùng nổ về ngành công nghiệp. Điều này có thể hình dung qua việc Việt Nam là một trong những nước hội nhập nhanh nhất về tốc độ viễn thông, về mobile phone. Một số lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, Việt Nam cũng phát triển nhanh chóng. Cho đến nay có thể thấy Việt Nam đã thành công toàn diện.

Ngày hôm nay với tốc độ phát triển nhanh và hạ tầng hoàn thiện, chúng ta nhìn thấy Việt Nam đã đạt sự tích cực trong phát triển xã hội, sự cải thiện không chỉ ở các đô thị mà cả ở vùng nông thôn, nơi người dân có điện, nước sạch và tiếp cận dễ dàng những dịch vụ cơ bản.

Tôi nhớ lần đầu tiên tới Việt Nam, đường phố Hà Nội còn rất tối bởi thiếu điện. Lần thứ hai tôi đến đã bắt đầu có sự thay đổi và có khá nhiều xe máy trên đường phố và hôm nay quay trở lại, phần lớn đã được thay thế bằng xe ô tô.

Từ sự “thay da đổi thịt” của Việt Nam hôm nay, bà kỳ vọng gì với đất nước, con người Việt Nam trong tương lai? Bà nghĩ sao nếu thế hệ người Việt Nam hôm nay thừa hưởng và vận dụng ý chí chiến đấu kiên cường trong quá khứ để phát triển kinh tế, xã hội?

Elisabeth Dahlin: Mong đợi của tôi trong tương lai là Việt Nam tiếp tục vững bước với những bước phát triển tích cực, mạnh mẽ của mình. Sự phát triển này sẽ đem lại sự thụ hưởng một cách bình đẳng, hài hòa cho tất cả mọi người.

Việt Nam đang ở một ngưỡng rất quan trọng, có thể có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, ngoại giao, xã hội…

Như với bất cứ quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình nào thì cũng phải vượt ngưỡng, hay vượt bẫy thu nhập trung bình để phát triển. Nhưng quan trọng, khi vượt ngưỡng này để phát triển kinh tế thì phải đảm bảo hài hòa, có nghĩa là tất cả các nhóm trong xã hội đều được thụ hưởng, bao gồm ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Người dân Việt Nam đã có tinh thần đoàn kết, chiến đấu tuyệt vời trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Tinh thần đó nếu được vận dụng và quyết tâm để phát triển kinh tế, phát triển đất nước thì không có gì cản bước được.

Hơn nữa, Việt Nam có tiềm năng lớn lao là giới trẻ với nhiều tri thức và sẵn sàng học hỏi. Đó là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, từ đó làm cơ sở phát triển trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bà Elisabeth Dahlin sinh ngày 28 tháng 3 năm 1957 tại Nedertorneå-Haparanda, là một quan chức người Thụy Điển. Bà Dahlin làm việc trong lĩnh vực viện trợ của Thụy Điển tại Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh từ năm 1981 đến 1982. Bà phục vụ tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Việt Nam từ 1997 đến 2001.

Tháng 12/1972, khi Mỹ ném bom vào Hà Nội, Thụy Điển đã thu thập chữ ký yêu cầu hòa bình ở Việt Nam. Bà – khi ấy còn là học sinh - cùng chị gái đi bộ trong tuyết gõ cửa từng nhà xin chữ ký và 2,7 triệu người đã ký tên trong tổng dân số khoảng 8 triệu người của Thụy Điển.

Hải Linh - Hoàng Hoà

Nguồn: https://congthuong.vn/nguyen-pho-dai-su-thuy-dien-tai-viet-nam-chia-se-cau-chuyen-ung-ho-viet-nam-thong-nhat-dat-nuoc-385126.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm