Hàng nghìn hộ dân trong khu vực vẫn thiếu nước sinh hoạt giữa mùa khô, trong khi DN đầu tư đứng bên bờ vực phá sản. Đằng sau nghịch lý này là câu chuyện về một bản hợp đồng mua bán nước, nay trở thành tâm điểm của tranh cãi và hệ lụy.
Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định số 491/QĐ-UBND, chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột) đầu tư Dự án cấp nước liên xã Cư Kuin, kết hợp bổ trợ nguồn nước sinh hoạt cho TP. Buôn Ma Thuột. Dự án được xây dựng tại xã Ea Bhốk và Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) với công suất 20.000 m³/ngày đêm. Tổng vốn đầu tư gần 320 tỷ đồng, trong đó có 220 tỷ đồng công ty này vay ngân hàng.
Ngày 24/4/2018, Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột ký Hợp đồng số 12/HĐ-DAKWACO với Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk (nay là Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk - DAKWACO). Theo đó, DAKWACO cam kết mua tối thiểu 15.000 m³ nước/ngày đêm với giá tạm tính 7.800 đồng/m³, thời hạn kéo dài đến năm 2043. Hợp đồng cũng ghi rõ, mọi sự thay đổi mô hình DN sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực cam kết.
Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột đang phải vận hành nhà máy cầm chừng. |
Thế nhưng, khi nhà máy hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2019, sau vài tháng mua nước mang tính thử nghiệm, DAKWACO bất ngờ giảm sản lượng mua xuống chỉ còn 3,2% công suất theo hợp đồng và đến năm 2025 thì dừng hoàn toàn.
Ông Lê Quốc Nam, Giám đốc điều hành Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư gần 320 tỷ đồng, trong đó 80% là để xây tuyến ống dẫn nước về TP. Buôn Ma Thuột. Giờ nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, bán lẻ tại địa bàn huyện Cư Kuin được khoảng 3.200 m³/ngày (chỉ đạt 16% công suất thiết kế). Trong khi đó, mỗi tháng đơn vị phải gồng gánh 2,5 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng và chi phí vận hành. Từ năm 2019 đến nay, DN lỗ lũy kế trên 284 tỷ đồng, mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và đang đứng trước bờ vực phá sản”.
Cũng theo ông Nam, nhiều lần công ty đề xuất bán nước trở lại cho DAKWACO với giá chỉ 5.379 đồng/m³ (chưa bằng 1/3 giá thị trường), nhưng không được chấp thuận. Thậm chí, DN đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương phân vùng cấp nước, để DN bán lẻ nước cho một số khu vực tại TP. Buôn Ma Thuột với giá chỉ nhỉnh hơn 10.000 đồng/m3 cũng bị từ chối.
Về phía DAKWACO, ông Nguyễn Công Định, Phó Tổng Giám đốc cho biết, việc không tiếp tục Hợp đồng số 12/HĐ-DAKWACO là hệ quả của quá trình cổ phần hóa. Cụ thể, khi xác định giá trị tài sản để thực hiện chuyển đổi sang công ty cổ phần, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đã không đưa hợp đồng này vào công tác kiểm kê. Vì vậy, DAKWACO không có ràng buộc với hợp đồng đã ký trước đó.
Mặt khác, năm 2017, UBND tỉnh đã cam kết với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk vay 24 triệu USD để xây dựng 4 dự án cấp nước. Trong đó có Dự án khai thác nước mặt sông Sêrêpốk (đặt tại xã Ea Na, huyện Krông Ana) với công suất thiết kế 35.000 m3/ngày đêm để cung cấp cho TP. Buôn Ma Thuột. Dù mới chỉ khai thác 50% công suất, nhưng đã đủ đáp ứng nhu cầu, không cần mua thêm từ bên ngoài. Nếu tiếp tục mua bên ngoài sẽ khiến chi phí đội lên, ảnh hưởng đến mục tiêu cân đối tài chính của công ty.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Lê Xuân Anh Phú, Công ty Luật TNHH MTV Thành công và Cộng sự (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, nếu hợp đồng được ký đúng thẩm quyền, có thời hạn cụ thể, không có điều khoản nào bị vô hiệu sau cổ phần hóa, thì về nguyên tắc pháp lý, DAKWACO dù đã chuyển đổi mô hình DN vẫn phải kế thừa và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trừ khi có điều chỉnh, thanh lý hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có sự đồng ý, phán quyết của cơ quan có thẩm quyền là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao Ban Chỉ đạo cổ phần hóa lại không xử lý dứt điểm các hợp đồng còn hiệu lực trước khi chuyển đổi mô hình DN? Sự thiếu sót này không chỉ khiến DN đầu tư rơi vào khủng hoảng, mà còn kéo theo hệ lụy lâu dài cho niềm tin của các nhà đầu tư khác. Đằng sau sự việc này không chỉ là một DN đang bên bờ vực phá sản, một dự án với mức đầu tư gần 320 tỷ đồng có nguy cơ “đắp chiếu”, mà còn là bài học lớn về cách thức quản lý, giám sát và chuyển tiếp các dự án hợp tác công - tư.
Để cứu vãn tình hình, các cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, rà soát lại toàn bộ hồ sơ, hợp đồng, trách nhiệm pháp lý giữa các bên. Một quyết định kịp thời, đúng đắn không chỉ cứu lấy một DN sắp “đóng cửa”, mà còn giúp khôi phục uy tín của chính quyền địa phương, khẳng định cam kết trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chân chính.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202504/nha-may-nuoc-gan-320-ty-dong-khat-dau-ra-b251bf5/
Bình luận (0)