Được xây dựng từ đầu thập niên 1960, nhà thờ Cam Ly (còn gọi là nhà thờ Sơn Cước) ra đời từ ý tưởng của linh mục người Pháp Marius Boutary. Ông mong muốn tạo nên một không gian thánh đường giao thoa giữa tín ngưỡng Công giáo và văn hóa bản địa.
Các ô kính màu và lỗ thông gió được cách điệu từ hoa văn dân tộc - Ký họa của kiến trúc sư (KTS) Linh Hoàng
Ấn tượng đầu tiên là hệ 2 mái khổng lồ cao 17 m, được lợp bằng 80.000 viên ngói lá (ngói liệt) nặng tới 90 tấn. Hình dáng mái nhà thờ giống như lưỡi rìu - dụng cụ lao động quen thuộc của đồng bào Tây nguyên. Một chi tiết khác cũng là biểu tượng của sự hòa quyện giữa văn hóa bản địa và tinh thần Công giáo, đó là 3 chiếc sừng trâu (*) được đặt dưới cây thánh giá.
Công trình thiết kế chủ yếu phục vụ cho đồng bào thiểu số - Ký họa của Lê Quang Khánh
Công trình mang đậm tinh thần của chủ nghĩa thô mộc - Ký họa của NTK Lê Quang Khánh
Công trình mô phỏng nhà rông Tây nguyên - Ký họa của Nguyễn Vũ Minh Tùng, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Khác hẳn lối kiến trúc châu Âu thường thấy trong kiến trúc nhà thờ, thánh đường Cam Ly lại mô phỏng nhà rông Tây nguyên. Công trình mang đậm tinh thần của chủ nghĩa thô mộc (Brutalism, ra đời từ cuối thập niên 1950, sử dụng các vật liệu tự nhiên như bê tông trần, gạch, đá… để thể hiện tính thẩm mỹ). Mặt bằng hình chữ nhật với tường dày 40 cm. Nội thất kết hợp hài hòa giữa đá, ngói, gỗ và kính màu. Các ô kính màu và lỗ thông gió ở đầu hồi trên cao được cách điệu từ hoa văn dân tộc.
Nhà thờ Cam Ly - Ký họa của KTS Trần Xuân Hồng
Điểm đặc biệt trong kết cấu là hệ giàn kèo gỗ ghép vượt nhịp 12 m mà không cần cột giữa, tạo nên một không gian thoáng rộng. Hệ kết cấu mái là một dạng vòm ba khớp độc đáo với dây cáp căng neo hai đầu vì kèo.
Dưới ánh trăng - Ký họa của KTS Hoàng Dũng
Nhà thờ được xây cách đây hơn nửa thế kỷ - Ký họa của KTS Bùi Quân
Nhìn từ trên cao - Ký họa của họa sĩ Trần Bình Minh
Kiến trúc sư Bùi Hoàng Bảo (Công ty thiết kế MIA) nhận xét: "Công trình này vượt xa nhiều nhà thờ hiện đại nhờ sự tinh tế trong tổ chức không gian, tỷ lệ kiến trúc và chi tiết cấu trúc".
Mái cao 17m - Ký họa của KTS Phùng Thế Huy
Mái như hình lưỡi rìu - Ký họa của KTS Bùi Hoàng Bảo
Hệ giàn kèo gỗ ghép vượt nhịp 12m mà không cần cột giữa tạo không gian thoáng, rộng - Ký họa của KTS Bùi Hoàng Bảo
(*) Đối với đồng bào thiểu số Tây nguyên, trâu là con vật quý, là biểu tượng tâm linh, được dùng để hiến tế cho Yàng (thần linh). Đầu trâu và sừng trâu thường được treo trang trọng trong nhà, là chi tiết phổ biến trong trang trí và điêu khắc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-tho-co-mai-giong-luoi-riu-doc-dao-185250712214206972.htm
Bình luận (0)