Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhà văn Phạm Công Luận tái xuất với hai tác phẩm thiếu nhi giàu cảm xúc

Sau thời gian dài chuyên tâm với dòng sách nghiên cứu về Sài Gòn, nhà văn Phạm Công Luận bất ngờ trở lại văn học thiếu nhi với hai tập truyện dài Xóm thiên đường và Trang trại cuối rừng, do NXB Kim Đồng phát hành. Đặc biệt, Trang trại cuối rừng vừa lọt vào Top 10 Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm 2025.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng19/05/2025

Từng ghi dấu ấn từ sớm với truyện dài Chú bé Thất Sơn – giải C cuộc vận động “Vì tương lai đất nước” năm 1993 – nhưng sau đó ông lại chọn hướng đi khác khi tập trung vào dòng sách nghiên cứu, khai thác những câu chuyện về Sài Gòn - TPHCM từ xưa đến nay.

Bởi vậy, việc tái xuất với văn học thiếu nhi với hai tác phẩm Trang trại cuối rừngXóm thiên đường là một bất ngờ không nhỏ cho bạn đọc trong mùa hè năm nay.

z6616195544556_62a37b8a0cd1332a7ce687ecf376eeab.jpg
Hai tác phẩm được đặt trong hai không gian tưởng chừng như đối lập nhưng lại cùng mở ra cánh cửa mời gọi người đọc bước vào thế giới tuổi thơ trong trẻo, tràn đầy yêu thương

Xóm thiên đường là câu chuyện về một xóm nhỏ len giữa phố thị sầm uất. Bên cạnh đại lộ thênh thang, đường phố tấp nập người, xe, quán xá, một hình ảnh khác của Thành phố hiện lên sống động qua những con hẻm. Khu xóm nhỏ có cái tên “xóm Chùa” mà không có ngôi chùa nào chất chứa bao niềm vui nỗi buồn cùng lẽ vô thường của đời sống, vừa mang đặc trưng của phố thị huyên náo, lại đan xen những khoảng trầm lắng.

Ở đây có ngôi nhà lâu đời của gia đình cố cựu, lại có những người từ tỉnh xa tới kiếm kế sinh nhai, cùng với các em nhỏ vui tươi háo hức trước cuộc sống rộng mở… Tất cả cùng chung sống, sẻ chia, tạo nên bao câu chuyện dễ thương và tình nghĩa đến lạ kỳ.

Xóm thiên đường không phải là câu chuyện thần tiên trong cổ tích, mà là một thiên đường rất thật nằm giữa lòng thành phố. Chất thần tiên bắt đầu từ giàn bông giấy hồng và cây bò cạp vàng, rồi đến những nhân vật bình dị hiện lên sống động qua đôi mắt một cậu bé. Từng chi tiết đời thường đặc trưng len lỏi qua mỗi trang sách, đó là tiếng rao sớm, mái hiên nhỏ, cách cư xử hào sảng và cả sự xô bồ vừa đủ để làm bật lên cái duyên ngầm.

Không chỉ hiện diện ở di tích, mà còn ở giọng nói, ánh mắt, là tấm lòng tử tế, chân phương - và cả những chuyện lắt léo, tiếng cười rất đời. Tất cả những điều này góp phần tạo nên một “thiên đường” trong đời thực mà ai cũng yêu thương và nhớ về.

Trong khi đó, Trang trại cuối rừng lại là một không gian hoàn toàn khác lạ. Ở một trang trại rộng lớn, nơi có hai cậu nhóc thành thị từng bước trực tiếp trải nghiệm cuộc sống và thiên nhiên: Từ quan sát cây cỏ muông thú đến chuyến thám hiểm vào tận rừng nguyên sinh, từ những người bạn vô tư đáng mến ở trang trại đến những người lớn mang theo ký ức thăng trầm. Hai anh em đã có kỳ nghỉ dài tại vùng bán sơn địa, nơi có nhà sàn, vườn cây, có những người bạn mới, và những bài học không có trong sách vở.

Không chỉ là câu chuyện sống động về trẻ thơ và thiên nhiên, Trang trại cuối rừng còn là bản nhạc du dương về dòng chảy thời gian. Qua từng trang sách, bạn sẽ nhận ra, trên mảnh đất trải qua bao cuộc đổi thay, luôn còn đó sức sống mãnh liệt của thiên nhiên cùng sự bao dung của trái tim con người.

Khác biệt về không gian, nhưng cả hai tác phẩm lại gặp nhau ở những trải nghiệm thú vị của tuổi thơ không thể nào quên. Xóm thiên đườngTrang trại cuối rừng được nhà văn chăm chút để tạo nên những bức tranh thiên nhiên có hoa, có nắng, có bóng râm dịu dàng và rất nhiều khung cảnh để người đọc mỉm cười xúc động. Từng câu chuyện nối vào thành một bộ phim sống động, trìu mến, đánh thức những ký ức tươi đẹp trong trái tim mọi độ tuổi.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nha-van-pham-cong-luan-tai-xuat-voi-hai-tac-pham-thieu-nhi-giau-cam-xuc-post795909.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm