Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhạc sĩ Lân Cường lúc sinh thời: Thường chạy xe máy đi làm, ốm vẫn sáng tác

(Dân trí) - Thông tin nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường qua đời khiến nhiều người tiếc thương. Các nhạc sĩ kể kỷ niệm về ông khi từng có thời gian làm việc chung.

Báo Dân tríBáo Dân trí06/05/2025

GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, em trai của ông - PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - qua đời sáng 6/5, tại Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Cường qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư dạ dày. Thông tin này khiến bạn bè, đồng nghiệp tiếc thương.

Nhạc sĩ Lân Cường lúc sinh thời: Thường chạy xe máy đi làm, ốm vẫn sáng tác - 1

PGS.TS Nguyễn Lân Cường tại nơi khai quật hơn 300 mộ táng tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên muộn, Đồng Đậu sớm - khoảng 4.000 năm trước) và Đông Sơn (khoảng 2.000 năm trước) ở di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội vào tháng 11/2024 (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho biết, ông chơi thân với GS.TS Nguyễn Lân Tuất - anh trai ông Cường.

Theo đó, gia đình lớn của nhạc sĩ Lân Cường tham gia nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật nhưng nhiều thành viên rất thích âm nhạc.

"Dù không được đào tạo về âm nhạc nhưng anh Lân Cường là người tích cực tham gia trong các hoạt động, đóng góp nhiều cho sự phát triển của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với những ca khúc, hợp xướng...

Về khảo cổ học, anh Lân Cường là giáo sư, được đào tạo chuyên sâu nhưng về âm nhạc anh ấy tự học nhưng có nhiều tác phẩm hay, như vậy là rất giỏi rồi", nhạc sĩ Đức Trịnh nhận định.

Theo ông Đức Trịnh, ngoài đời, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường là người năng nổ, tích cực, được mọi người yêu quý. Hơn 80 tuổi nhưng ông vẫn chạy xe máy đi làm việc khắp nơi.

"Cách đây vài ngày, tôi có đến thăm, anh đã yếu. Nghe tin anh qua đời, tôi rất buồn và thương tiếc", nhạc sĩ Đức Trịnh nói.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội - đánh giá, Nguyễn Lân Cường là người nhiệt tình, nhiều năm phụ trách dàn hợp xướng của Hội Âm nhạc Hà Nội với nhiều thành công.

"Tuổi cao nhưng anh ấy vẫn làm việc hăng say, tạo cảm hứng tích cực cho người trẻ", ông Ninh kể lại.

Nhạc sĩ Giáng Son thì chia sẻ rằng, nhạc sĩ Lân Cường là một người tràn đầy năng lượng, có nhiều giải thưởng về âm nhạc. Bạn bè, đồng nghiệp đều khâm phục sức làm việc của ông.

"Khi bị ốm, chú Lân Cường vẫn tham gia viết ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Chú đã gửi bài hát của mình đi và đang mong chờ kết quả xem ca khúc có được giải không.

Chú cũng tặng tôi một cuốn sách về giải phẫu cơ thể con người, đó là một cuốn sách dày, có nhiều thông tin quý. Sách được viết công phu, kỹ lưỡng, chứng tỏ chuyên môn của chú rất sâu rộng", nhạc sĩ Giáng Son nói.

Nhạc sĩ Giáng Son cũng kể lại kỷ niệm về cố nhạc sĩ Lân Cường: "Chú chưa bao giờ nghĩ mình trên 80 tuổi. Lần trước, khi gặp tôi, chú nói bản thân mới 48 tuổi chứ không phải 84 tuổi đâu. Nghe tin nhạc sĩ Lân Cường qua đời, tôi rất xót xa".

Nhạc sĩ Lân Cường được gia đình ủng hộ làm nghệ thuật. Bên cạnh công việc khảo cổ học, ông từng làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, ông còn là thành viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhạc sĩ Lân Cường kết hôn và có con khá muộn. Năm 41 tuổi, ông mới cưới vợ. Bà xã là hậu phương vững chắc, một tay vun vén chăm lo nhà cửa và nuôi dưỡng con cái bởi ông cứ đi biền biệt theo những chuyến khảo cổ khắp nơi.

Nhạc sĩ Lân Cường lúc sinh thời: Thường chạy xe máy đi làm, ốm vẫn sáng tác - 2

Sinh thời, PGS.TS Nguyễn Lân Cường là một người nhiều năng lượng, vui tính, dễ gần (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Ông có hai người con là Nguyễn Hoa Cương và Nguyễn Lân Chương, đều đã trưởng thành và có công việc riêng.

"Điều thú vị là trong đại gia đình Nguyễn Lân, các con, cháu, chắt… nếu là nam đều có chữ Lân sau họ. Khi tập trung đông đủ, đại gia đình tôi có đến khoảng 80 người, tạo thành một cộng đồng rất đặc biệt", ông từng chia sẻ lúc sinh thời.

PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, là con thứ tư của cố NGND, GS. Nguyễn Lân. Các anh chị em của ông đều là những chuyên gia của nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu biểu như: Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tuất...

Ông là chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học, chủ nhiệm các đề tài quốc gia về nghiên cứu, phục chế, tu bổ bốn nhục thân của Việt Nam ở các chùa: Đậu, Tiêu Sơn và Phật Tích... Ông là Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/nhac-si-lan-cuong-luc-sinh-thoi-thuong-chay-xe-may-di-lam-om-van-sang-tac-20250506131235687.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Chiêm bái 87 bảo vật Phật giáo: Bí ẩn thiêng liêng lần đầu hé mở
Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm