Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhật Bản ngày càng thu hút 'cư dân giáo dục' Trung Quốc

Không chỉ tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực thi cử, nhiều phụ huynh Trung Quốc lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến học tập cho con cái mình còn nhắm đến cơ hội định cư tại đất nước mặt trời mọc.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế06/04/2025

‘Di cư’ giáo dục sang Trung Quốc
Số lượng sinh viên Trung Quốc tại các trường học Nhật Bản đang không ngừng tăng lên. (Nguồn: Nikkei Asia)

“Điểm nóng” giáo dục

Trên nền tảng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc RedNote (Xiaohongshu), hiện tượng “di cư giáo dục” tới Nhật Bản là một trong những đề tài được thảo luận sôi nổi. Những bài đăng về thị trường bất động sản, bản đồ chi tiết khu vực các trường học chất lượng, thông tin về các trường dự bị tiếng Nhật, trung tâm luyện thi vào trường chuyên ở Tokyo... có lượt tương tác rất cao.

Quận Bunkyo ở thủ đô Tokyo đang trở thành một lựa chọn hàng đầu của nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc mong muốn con cái học tập tại các cơ sở giáo dục uy tín của xứ sở hoa anh đào. Đây là nơi có trường đại học danh giá bậc nhất Nhật Bản - Đại học Tokyo. Tính đến cuối tháng 11/2024, số sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Đại học Tokyo là 3.545, chiếm khoảng 70% tổng số sinh viên quốc tế.

Quận Bunkyo cũng tập trung nhiều trường công lập được đánh giá cao về chất lượng giảng dạy. Nổi bật trong đó có “3S+1K” - nhóm bốn trường tiểu học Seishi, Sendagi, Showa và Kubomachi. Số lượng gia đình nước ngoài, trong đó có Trung Quốc chuyển đến Bunkyo với mục tiêu đưa con em mình vào một trong bốn trường này đã tăng lên trong những năm gần đây.

Theo Nikkei Asia, năm 2024, quận này có 467 học sinh tiểu học nước ngoài, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2019, trong đó phần lớn là trẻ em Trung Quốc. Cùng kỳ, số cư dân Trung Quốc trên địa bàn quận cũng tăng 1,5 lần lên 8.169 người.

Không chỉ ở Bunkyo, số lượng công dân Trung Quốc chuyển đến các quận thuộc Tokyo ngày càng tăng. Tại trường Sapix Toyosu ở quận Koto, cứ mười học sinh thì có một em là người Trung Quốc.

Nikkei Asia dự báo, đến năm 2026, số lượng cư dân Trung Quốc tại Nhật Bản dự kiến sẽ vượt quá 1 triệu người. Hiệu ứng của xu hướng chuyển dịch này không chỉ giới hạn ở các trung tâm đô thị như Tokyo mà còn lan rộng sang nhiều địa phương khác trên khắp Nhật Bản, trở thành thị trường tiềm năng cho các cơ sở giáo dục.

Chất lượng hàng đầu

Nền giáo dục Nhật Bản vẫn luôn được xem là một trong những hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của World Population Review, một tổ chức độc lập về điều tra dân số và nhân khẩu học có trụ sở tại Mỹ, năm 2024, Nhật Bản xếp hạng 6 thế giới và đứng đầu châu Á về chất lượng giáo dục, khiến nước này trở thành điểm đến học tập hấp dẫn với người nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Nikkei Asia nhận định, bên cạnh việc tìm kiếm nền giáo dục chất lượng ở nước ngoài, nhiều người còn lựa chọn Nhật Bản để tránh đối mặt với áp lực thi cử khốc liệt ở quê nhà. Một cựu sinh viên Đại học Tokyo đến từ Trung Quốc cho hay, thay vì phải chật vật mới đỗ được các đại học thuộc tốp đầu như Đại học Thanh Hoa hay Bắc Đại, họ có thể chọn hành trình bớt “chông gai” hơn tại Đại học Tokyo.

Môi trường sống chất lượng cao cũng là một lý do khác khiến nhiều người Trung Quốc muốn cho con cái theo đuổi nghiệp học hành tại Nhật Bản. Xứ Phù Tang hiện xếp thứ 16/167 quốc gia trong Chỉ số thịnh vượng Legatum 2023 do Viện nghiên cứu Legatum (Anh) công bố, xếp thứ 17 trong Báo cáo Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2024 do Viện Kinh tế & Hòa bình của Australia thực hiện.

Dù thuộc tốp các quốc gia có môi trường sống chất lượng cao nhưng chi phí học tập và sinh hoạt ở Nhật Bản lại “mềm” hơn nhiều quốc gia khác. Tờ US News dẫn chứng, thay vì mức học phí dao động 21.700-68.200 USD/năm ở Mỹ thì sinh viên Đại học Tokyo chỉ cần chi trả ở mức 3.740 USD/năm.

‘Di cư’ giáo dục sang Trung Quốc
Các bạn nhỏ trên đường đến Trường trung học cơ sở Sakae-Higashi, tỉnh Saitama. (Nguồn: Asahi Shibun)

Cơ hội định cư

Không chỉ tiếp cận hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới và môi trường sống chất lượng cao, các gia đình Trung Quốc cũng lựa chọn học tập như một con đường để có cơ hội định cư tại Nhật Bản.

Cô Fu Jiayin, hơn 40 tuổi là một giáo viên tại Trung Quốc đến Nhật Bản từ tháng 4/2024. Cô không chỉ muốn cho con học tại đây mà còn tự mình ghi danh vào một trường học ngôn ngữ Nhật, với hy vọng học xong sẽ tìm được việc làm. Đây là một trong những điều kiện xin thị thực lao động, cơ hội đưa cả gia đình đến sinh sống tại xứ hoa anh đào.

Những trường hợp như cô Fu Jiayin đang ngày càng phổ biến khi nhiều gia đình Trung Quốc tìm cách để có thể định cư lâu dài ở quốc gia láng giềng này.

Theo Nikkei Asia, việc nới lỏng các yêu cầu để xin quyền thường trú mang đến nhiều cơ hội để các gia đình có thể chuyển đến sinh sống tại đất nước này, nhất là những gia đình có thành viên theo học ở Nhật Bản. Tính đến tháng 6/2024, khoảng 330.000 công dân Trung Quốc đã nhận được quyền thường trú, tăng 40% so với năm 2017.

Một viên chức hành chính chuyên về các vấn đề liên quan đến thị thực tại tỉnh Kanagawa cho biết, tiêu chí đánh giá đối với các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao “không quá khắt khe đối với những người tốt nghiệp từ một trường đại học Nhật Bản”.

Không chỉ vậy, xứ sở hoa anh đào cũng là nơi dễ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.

Giám đốc nghiên cứu và hợp tác quốc tế tại Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã hội Nhật Bản Yu Korekawa cho biết, chính sách khuyến khích các sinh viên sắp tốt nghiệp của Nhật Bản cũng tạo cơ hội thuận lợi để sinh viên quốc tế tìm kiếm việc làm và thăng tiến trong sự nghiệp.

Tất cả những lý do trên đang làm nổi bật sức hút của Nhật Bản như một điểm đến giáo dục, đặc biệt khi so sánh với bối cảnh cạnh tranh ở các nước phát triển hiện nay.

Nguồn: https://baoquocte.vn/nhat-ban-ngay-cang-thu-hut-cu-dan-giao-duc-trung-quoc-309843.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'
Biển người đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Người dân xúc động đón đoàn tàu chở lực lượng tham gia lễ diễu binh từ miền Bắc vào Nam
Tầm cao trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm