Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững

Thời gian qua, các hoạt động chăn nuôi, nhất là nuôi gia súc, gia cầm không chỉ đối mặt với nguy cơ rủi ro do sự biến động bất lợi của giá cả đầu ra sản phẩm mà người chăn nuôi còn có nguy cơ bị thiệt hại do vật nuôi chết và các loại dịch bệnh. Ðể giúp người dân phát triển chăn nuôi an toàn và bền vững, ngành chức năng TP Cần Thơ đã quan tâm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các giải pháp nhằm phòng tránh các loại dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là tiêm các loại vaccine để phòng bệnh.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ08/05/2025

Lực lượng thú y ở quận Ô Môn tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó nuôi tại một hộ dân.

Chủ động phòng bệnh cho vật nuôi

Nhiều hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Cần Thơ cho biết, để giảm các nguy cơ rủi ro trong chăn nuôi do sự xuất hiện và gây hại của các loại dịch bệnh, bà con đã quan tâm thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành thú y và các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Chú ý thiết kế, xây dựng chuồng trại phù hợp và thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế người ra vào chuồng trại. Quản lý chặt quá trình nuôi để tránh nguy cơ vật nuôi bị nhiễm các loại bệnh, thực hiện tiêm các loại vaccine để phòng bệnh cho vật nuôi.

Ông Lưu Minh Bảo ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, hiện có đàn heo thịt hơn 50 con và 7 con heo bố mẹ đang cho sinh sản, ông cho biết: "Tôi đã gắn bó với nghề nuôi heo trong nhiều năm qua. Trước đây có năm đàn heo tôi bị thiệt hại rất nặng do bị dịch bệnh nên tôi rất quan tâm công tác phòng bệnh, đặc biệt là tiêm vaccine và thực hiện theo các khuyến cáo của ngành chức năng về tiêu độc, khử trùng thường xuyên cho chuồng trại nuôi heo. Ðảm bảo vệ sinh, hạn chế cho người lạ vào khu vực chuồng trại. Nhờ vậy, những năm gần đây đàn heo của tôi phát triển khá ổn định và không mắc các loại bệnh như lở mồm long móng, heo tai xanh, bệnh tiêu chảy do E. coli, bệnh tụ huyết trùng hay phó thương hàn…". Theo  Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) TP Cần Thơ, thành phố đang có đàn heo 128.171 con, đàn bò 3.688 con, trâu 254 con, đàn gia cầm hơn 2,2 triệu con và chó mèo có khoảng 47.687 con.

Hiện nay, việc chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm đã có nhiều tiến bộ, người dân đỡ vất vả hơn xưa và hiệu quả chăn nuôi cũng được nâng cao nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và sử dụng các loại thức ăn chế biến sẵn. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn bởi giá cả đầu ra nhiều loại vật nuôi chưa ổn định và nguy cơ bị thiệt hại do sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Ðiều đáng ngại hơn là nhiều loại bệnh từ vật nuôi có thể lây lan sang người, đe dọa cho sức khỏe và tính mạng của con người. Có thể kể ra hàng loạt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc và gia cầm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên gia súc, bệnh dịch tả heo châu Phi, heo tai xanh và bệnh dại trên chó mèo. Theo ông Huỳnh Văn Nghi ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, bệnh dại trên chó mèo là loại bệnh rất nguy hiểm do có thể lây sang người và chưa có thuốc điều trị. Ðể phòng bệnh cần phải tiêm vaccine cho chó mèo theo định kỳ và ai bị chó mèo cắn cần phải đi tiêm vaccine ngay. Thời qua, khi nuôi chó, gia đình ông luôn tuân thủ việc tiêm vaccine và không thả rông chó ra ngoài đường nhằm tránh nguy cơ chó cắn và gây nguy hiểm cho người đi đường.

Hỗ trợ người dân

Ðể bảo vệ đàn vật nuôi và phòng tránh các loại dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người, thời gian qua Sở NN&MT đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ người dân nhân rộng, phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả và an toàn dịch bệnh. Ðồng thời, phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan để triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo các chỉ đạo và chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố. Chú ý tổ chức tiêm phòng các loại vaccine đạt tỷ lệ bao phủ cao, bảo vệ hiệu quả đàn vật nuôi và ổn định phát triển sản xuất. Phát huy vai trò lãnh đạo của chính quyền cơ sở, các sở, các ngành và trách nhiệm người dân trong thực hiện công tác tiêm phòng vaccine bảo vệ đàn vật nuôi phát triển ổn định, tránh rủi ro dịch bệnh gây ra thiệt hại về kinh tế, cũng như phòng bệnh lây từ động vật sang người gây đe dọa cho sức khỏe và tính mạng của con người. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sinh thái, sức khỏe cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Với mục tiêu tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng các bệnh nguy hiểm, TP Cần Thơ phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng gia súc năm 2025 phải đạt trên 80% số gia súc trong diện tiêm và đảm bảo công tác tiêm phòng đúng quy trình, kỹ thuật và đúng thời gian quy định. Ðối với tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó và mèo phấn đấu đảm bảo tiêm tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn. Theo Sở NN&MT TP Cần Thơ, tiêm phòng gia súc năm 2025 ở Cần Thơ được thực hiện 2 đợt chính, gồm đợt 1 từ ngày 25-4 đến 15-6 và đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 11-2025. Ngoài các đợt tiêm phòng trên, Sở NN&MT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với địa phương thường xuyên rà soát và thực hiện tiêm phòng bổ sung cho gia súc nuôi mới, những nơi tiêm chưa đạt yêu cầu, đàn gia súc hết thời gian miễn dịch hoặc khi có yêu cầu của người chăn nuôi.

Ðể thực hiện tốt công tác tiêm phòng đàn gia súc năm 2025, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&MT TP Cần Thơ, đề nghị: "Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai quyết liệt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc đến người nuôi. UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố quan tâm chỉ đạo các xã, phường và đơn vị chức năng tại địa phương tích cực vào cuộc để thực hiện công tác tiêm phòng vaccine. Hướng dẫn người dân chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm và giữ vệ sinh môi trường. Lưu ý người dân nuôi chó mèo phải tiêm vaccine phòng bệnh dại để tránh nguy cơ xảy ra bệnh dại cho động vật, cho người…". Cũng theo ông Nhơn, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng bệnh cho vật nuôi mà chi phí bỏ ra không quá lớn. Người dân cần nâng cao ý thức tiêm phòng cho đàn vật nuôi để tránh thiệt hại kinh tế, bảo vệ chăn nuôi bền vững, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cộng đồng.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nhieu-giai-phap-phat-trien-chan-nuoi-an-toan-ben-vung-a186202.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm