Để ổn định tâm lý cũng như đảm bảo cho học sinh (HS) về kiến thức, kỹ năng đáp ứng với đề thi mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã có chỉ đạo đến các trường THPT yêu cầu tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những HS có kết quả học tập ở mức chưa đạt. Tổ chức cho HS lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Cần xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp HS đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
ÔN THEO HÌNH THỨC LỚP HỌC "CHẠY"
Ghi nhận các trường THPT tại TP.HCM giai đoạn này cho thấy, hầu hết đã hoàn tất việc thăm dò việc chọn môn thi tốt nghiệp của HS. Căn cứ vào việc chọn 2 môn thi tốt nghiệp của HS, các trường xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể đảm bảo kiến thức.
Tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch là trách nhiệm của các nhà trường
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tại Trường THPT Nam Sài Gòn (Q.7), ông Trần Nghĩa Nhân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết HS tham gia ôn thi tốt nghiệp theo hình thức lớp học "chạy", mỗi tuần nhà trường xây dựng 8 tiết ôn tập, chia đều cho 4 môn thi.
Theo đó, HS của 5 lớp 12 sẽ học 2 môn thi bắt buộc toán, ngữ văn theo biên chế lớp chính khóa, cố định. Hai môn tự chọn các em sẽ học vào tiết 6 và tiết 7 lần lượt vào thứ tư, thứ năm hằng tuần.
Ông Trần Nghĩa Nhân thông tin, việc tổ chức ôn thi theo hình thức lớp "chạy" như trên đòi hỏi nhà trường bố trí thêm từ 3 - 5 phòng học để đáp ứng việc chọn các môn thi tự chọn của HS.
Mỗi lớp sẽ do một giáo viên (GV) phụ trách và vào các tiết học ôn thi hằng tuần giám thị sẽ có theo dõi sự chuyên cần của HS trên tinh thần đảm bảo sự chuẩn bị tốt nhất, hiệu quả nhất cho HS.
Tương tự việc xếp lớp ôn thi theo hình thức "chạy" cũng được Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) áp dụng. Nhà trường chọn GV có kinh nghiệm nhất để đảm trách việc giảng dạy các lớp học nói trên. HS căn cứ theo danh sách lớp và thời khóa biểu để tham gia môn học của mình với thời lượng 2 tiết/môn.
Tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú), căn cứ theo xu hướng chọn môn tốt nghiệp của HS, nhà trường đã biên chế thành 19 lớp ôn thi môn tiếng Anh, 14 lớp ôn thi môn vật lý, 7 lớp ôn thi môn hóa học, 2 lớp sinh học, 3 lớp lịch sử, 3 lớp địa lý và một lớp giáo dục kinh tế và pháp luật.
Ông Nguyễn Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, cho hay ngoài việc GV vừa dạy vừa củng cố kiến thức bám sát với cấu trúc và định hướng đề thi thì nhà trường sẽ dành khoảng 3 tuần cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 tổ chức hệ thống lại kiến thức và rèn kỹ năng làm bài thi, lưu ý về cách tính điểm các câu hỏi trắc nghiệm của đề thi năm nay để sao cho HS tự tin bước vào kỳ thi.
XÂY DỰNG KHO HỌC LIỆU SỐ ĐỂ HS TỰ ÔN TẬP
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho biết HS của trường này chọn 2 môn thi tốt nghiệp chủ yếu trong 4 môn tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học. Đồng thời các tổ hợp môn xét tuyển chủ yếu là các khối A, A1, B, D. Qua khảo sát, gần như 100% HS sẽ tham gia ôn thi tốt nghiệp tại trường. Khoảng đầu tháng 3, nhà trường sẽ lấy ý kiến phụ huynh một lần nữa để xây dựng kế hoạch nước rút bắt đầu từ ngày 5.5 đến khoảng 20.6. Trong khoảng thời gian nước rút này, nhà trường sẽ sắp xếp thời khóa biểu sao cho mỗi HS sẽ được tham gia ôn tập, rèn kỹ năng làm bài đủ 4 môn thi.
Tương tự, ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1), thông tin hiện tại nhà trường vẫn tổ chức dạy theo kế hoạch năm học, kết hợp các tiết buổi 2 để ôn tập, củng cố và nâng cao kiến thức; đồng thời, mở rộng không gian học tập trên hệ thống LMS 360, xây dựng kho học liệu số để HS tự ôn tập. Ngoài ra, nhà trường tổ chức thi thử định kỳ nhằm giúp HS làm quen với áp lực thi cử và rèn luyện kỹ năng làm bài.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), chia sẻ đã hướng dẫn HS lập kế hoạch học tập cá nhân hóa theo thời gian biểu, ưu tiên 4 môn thi THPT để chủ động cập nhật kiến thức, tận dụng thời gian hiệu quả. Chia sẻ cho HS các trang website, công cụ ChatGPT tìm kiếm và chọn lọc tài liệu, đề thi, hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho các em. Tận dụng thời gian trên lớp vừa học - vừa củng cố tại lớp để có thể thẩm thấu tốt nhất kiến thức, kỹ năng. Tổ chức cho HS học nhóm để cùng nhau tiến bộ.
Thầy Thanh nói thêm: "Với HS khá, tốt có thể hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, với HS còn yếu, thiếu động lực, chưa biết bắt đầu từ đâu, GV cần dành thời gian tương tác trên lớp, giúp đỡ nhiều hơn, hỗ trợ các em này để các em hệ thống hóa kiến thức và tự tin hơn khi kỳ thi THPT sắp đến gần".
Học sinh lớp 12 sắp bước vào giai đoạn ôn tập thi tốt nghiệp THPT
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC TỰ HỌC CỦA HS
Khi đề cập đến việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, nhiều GV nêu ý kiến tự chủ và tự học là những năng lực quan trọng giúp HS học tập, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục hiện đại, khi việc học không chỉ diễn ra trong khuôn khổ trường lớp mà còn mở rộng ra môi trường tự học và học trực tuyến, tận dụng không gian mạng, ChatGPT là công cụ kết nối và dẫn đường để HS tìm kiếm tri thức, tự hoàn thiện mình.
Đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 29 có hiệu lực, việc tăng cường hướng dẫn HS tự học, tự nghiên cứu, tự đánh giá năng lực bản thân và tự điều chỉnh là giải pháp trọng tâm để ôn tập hiệu quả cho kỳ thi THPT.
Chính vì vậy, thạc sĩ Trần Văn Toàn, giáo viên dạy toán Trung tâm TVT Marth Edu (Q.3), cho rằng HS lớp 12 cần lập kế hoạch ôn tập cho thời gian tới. Với thời gian ít nhất 6 tuần trước khi chính thức bước vào kỳ thi HS cần đề ra nội dung ôn tập và phương pháp ôn tập bám sát với cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
Theo thầy Toàn, HS cần thực hiện các phương pháp áp dụng cho các môn tự nhiên như hệ thống hóa công thức, làm bài tập lý thuyết; làm đề nhanh, ghi nhớ cách giải nhanh; rèn kỹ năng kiểm tra phát biểu đúng/sai, chú ý lý thuyết đặc biệt; giải bài toán thực tế, tìm phương pháp giải tối ưu; tập giải đề theo thời gian quy định, kiểm tra sai sót, rút kinh nghiệm; rà soát những dạng bài dễ sai, thực hành nhiều đề tham khảo.
Bộ GD-ĐT: Ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch là trách nhiệm của các nhà trường
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng: "Chất lượng giáo dục trong nhà trường phổ thông phải được duy trì từ việc dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục trong chương trình chính khóa. Việc các nhà trường phải đảm bảo cho HS nắm vững kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của chương trình cần tách bạch với hoạt động dạy thêm, học thêm theo nhu cầu. Thầy cô giáo cần hướng dẫn để HS biết cách tự học, tự ôn tập, hệ thống hóa kiến thức đã học. Việc học thêm ngoài nhà trường nhằm nâng cao hơn về kiến thức, kỹ năng thuộc nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của HS do HS quyết định. Tuy nhiên cần phải lưu ý dành nhiều thời gian cho việc tự học, tự ôn tập thì mới đạt được hiệu quả".
Mới đây, văn bản của Bộ GD-ĐT gửi các địa phương yêu cầu tăng cường quản lý thực hiện trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, quy định mới về dạy thêm, học thêm cũng nhấn mạnh: "Tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những HS có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho HS lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường...".
Tuệ Nguyễn
Nguồn: https://thanhnien.vn/quy-dinh-moi-day-them-hoc-them-nhieu-hinh-thuc-on-tap-cho-hoc-sinh-cuoi-cap-18525021821134835.htm
Bình luận (0)