Cán bộ Thư viện Đồng Nai hướng dẫn bạn đọc quét mã QR tài liệu địa chí, sách về văn hóa, con người Đồng Nai đã được số hóa. Ảnh: Đình Nhài |
Tại Đồng Nai, các hệ thống thư viện đang từng bước ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ tiện ích hơn cho bạn đọc trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư và đổi mới mạnh mẽ.
Hành trình số hóa còn nhiều thử thách
Phòng Xử lý thông tin và tin học của Thư viện Đồng Nai được giao nhiệm vụ bổ sung, xử lý nguồn tài nguyên thông tin thư viện, phục vụ bạn đọc. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thư viện, phòng được tạo điều kiện thuận lợi để mua sách báo, số hóa tài liệu, tạo mã QR cho các tài liệu nội sinh. Tuy nhiên, công tác này hiện gặp nhiều khó khăn, từ hệ thống máy chủ xuống cấp đến phần mềm quản lý thư viện lỗi thời, chưa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Hiện tại, Thư viện Đồng Nai có hơn 16,5 ngàn tài liệu, tạp chí, bản đồ số hóa và ebook. Thư viện các huyện, thành phố sở hữu gần 7 ngàn tài liệu số hóa các loại.
Trưởng phòng Xử lý thông tin và tin học Trần Thị Thủy cho biết, bên cạnh khó khăn về hạ tầng cơ sở, hiện nay cán bộ có trình độ công nghệ thông tin của thư viện chưa có chuyên môn nghiệp vụ và ngược lại. Quy định về bản quyền, quyền tác giả và các quyền liên quan cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác, số hóa và phục vụ bạn đọc trên không gian số. Ngoài ra, công tác bổ sung sách báo hiện nay do vướng quy định đấu thầu nên ảnh hưởng lớn đến việc bổ sung sách báo cho đa dạng, kịp thời.
“Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành trong thời gian tới tạo điều kiện thuận lợi để Thư viện Đồng Nai nâng cấp hệ thống máy chủ và phần mềm quản lý để cập nhật, xử lý tài liệu một cách tốt nhất, phục vụ bạn đọc. Bên cạnh đó, tiếp tục mở thêm nhiều lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và công nghệ cho cán bộ thư viện để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số” - bà Thủy bày tỏ.
Nói về khó khăn trong số hóa tài liệu, Giám đốc Thư viện Đồng Nai Trần Anh Thơ cho hay, hệ thống hạ tầng công nghệ của thư viện hiện đã cũ, thường xuyên hư hỏng. Việc đồng bộ và kết nối các thư viện trong tỉnh cũng như giữa các tỉnh với nhau để chia sẻ nguồn tài liệu điện tử chưa thực hiện được, bởi hệ thống chưa đồng bộ, chưa hiện đại… Điều này khiến cho việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số trở nên khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Để tri thức lan tỏa trong thời đại công nghệ
Cũng theo bà Trần Anh Thơ, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thư viện Đồng Nai đã nỗ lực số hóa hàng trăm đầu sách, trong đó chủ yếu là tài liệu địa chí, vốn sách quý về vùng đất, con người Đồng Nai. Đặc biệt, thư viện tiếp tục tạo mã QR cho sách; duy trì và phát triển trang thông tin điện tử, YouTube, Facebook của đơn vị, thường xuyên viết tin, bài, cập nhật các hoạt động của thư viện, giới thiệu sách, các video clip, phục vụ nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.
Trong quý I-2025, Thư viện Đồng Nai phục vụ 89 ngàn lượt bạn đọc trong và ngoài thư viện; lưu hành gần 252 ngàn lượt sách báo, luân chuyển trên 3,7 ngàn bản sách, báo và tạp chí về cơ sở. Đặc biệt, Thư viện Đồng Nai đã tạo mã QR sách, bài trích báo, tạp chí chuyên đề cho 120 bài. Số lượt bạn đọc truy cập tài liệu số, website và YouTube của thư viện đạt hơn 1,1 triệu lượt.
Đặc biệt, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững đã xác định nội dung quy hoạch đồng bộ và xây dựng mới Thư viện Đồng Nai (giai đoạn 2026-2030) với nguồn kinh phí 300 tỷ đồng. Đây là cơ sở, động lực để Đồng Nai đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ, phát triển thư viện, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Việc giải quyết các khó khăn đòi hỏi một chiến lược dài hạn, sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực và sự thay đổi thói quen của người đọc. Hiện Thư viện Đồng Nai tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn, xây dựng Đề án Chuyển đổi số Thư viện tỉnh Đồng Nai trình Sở Văn hóa, thể thao và du lịch xin chủ trương UBND tỉnh thực hiện. Trong thời gian chờ đề án được phê duyệt, để duy trì hoạt động, đơn vị sẽ tổ chức sửa chữa, nâng cấp hệ thống máy chủ; đồng thời, tiếp tục số hóa tài liệu, tạo mã QR phục vụ bạn đọc.
Chuyển đổi số thư viện tại Đồng Nai là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, thư viện và cộng đồng đã và đang góp phần giúp hệ thống thư viện số tại Đồng Nai ngày càng phát triển, góp phần nâng cao tri thức và phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc trong thời đại số.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202504/nhieu-kho-khan-trong-chuyen-doi-so-thu-vien-ce7728e/
Bình luận (0)