Sáng 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Đồng chí PGS, TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập; bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn là cần thiết.
Theo PGS, TS Phạm Ngọc Linh, hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hiện có 70 cơ quan báo chí, đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến tri thức, công bố kết quả nghiên cứu, kết nối nhà khoa học với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội.
Vì vậy, việc lấy ý kiến của các cơ quan báo chí trong hệ thống về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho thấy trách nhiệm xây dựng chính sách, pháp luật cũng như thể hiện tiếng nói, đóng góp của các cơ quan báo chí trong việc xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) so Luật Báo chí 2016 có một số điểm mới như: Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, bổ sung quy định để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, quy định chi tiết để phân biệt giữa báo và tạp chí, điều kiện cấp thẻ nhà báo…
TS Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và hợp tác quốc tế (Liên hiệp Hội Việt Nam) nhận xét: Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) thể hiện sự tiếp thu và cập nhật các xu hướng mới của hoạt động báo chí, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội và sự phát triển của báo chí đa phương tiện.
Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện một số khái niệm còn chồng lấn, chưa rõ ràng giữa “sản phẩm báo chí” và “sản phẩm thông tin có tính chất báo chí” để tránh bị lợi dụng nhằm lách quy định về cấp phép báo chí, cũng như cần bổ sung những quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà báo, đặc biệt trong môi trường báo chí số, khi bị tấn công, đe dọa.
Để định hướng phát triển các tạp chí khoa học, TS Lê Công Lương đề xuất Luật Báo chí (sửa đổi) cần phân biệt rõ giữa: Tạp chí khoa học - nơi công bố công trình nghiên cứu, phản biện khoa học và Tạp chí thông tin chuyên ngành, phổ biến kiến thức.
Hai loại hình này có đặc điểm, đối tượng phục vụ và tiêu chí vận hành khác nhau, cho nên cần quy định phù hợp về cấp phép, tiêu chuẩn nội dung, đội ngũ. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cho tạp chí khoa học: Đưa nội dung hỗ trợ số hóa tạp chí vào chiến lược phát triển báo chí quốc gia; Cấp mã định danh số quốc gia cho từng tạp chí (tương tự như mã định danh ISBN trong xuất bản); Hỗ trợ hạ tầng số và công cụ quản lý biên tập, xuất bản điện tử.
![]() |
TS Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và hợp tác quốc tế phát biểu tại hội thảo. |
Nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập cho rằng, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã khẳng định tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Báo chí 2016 sát thực với thực tiễn phát triển hiện nay.
Tuy nhiên, ông cho rằng cần đổi mới tư duy truyền thông khoa học, tạo không gian phát triển thực chất cho báo chí khoa học, đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong Dự thảo luật cần có một sự phân loại rõ đâu là tạp chí khoa học đặc thù, đâu là tạp chí khoa học ứng dụng lan toả tri thức và có vai trò trong truyền thông khoa học để từ đó xem xét, cân nhắc trong việc cấp thẻ nhà báo cho hoạt động của các tạp chí này, từ đó tạo nên luật báo chí phù hợp xu thế phát triển hiện nay.
Về việc cấp thẻ nhà báo, ông Đặng Đình Chấn đề xuất: Hiện nay, các nhà báo làm việc tại tạp chí khoa học vẫn tham gia vào quá trình thu thập, xử lý thông tin và có nhiệm vụ truyền tải tri thức đến công chúng. Việc không cấp thẻ nhà báo có thể gây khó khăn cho họ trong quá trình tác nghiệp. Vì vậy, cần có sự phân loại rõ các tạp chí khoa học để từ đó giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát, quản lý chặt chẽ hơn. Nếu có điều chỉnh, chỉ nên giới hạn phạm vi tác nghiệp phù hợp chức năng của họ, thay vì loại bỏ hoàn toàn quyền được cấp thẻ”.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia Đình cho rằng, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là một văn bản quan trọng nhằm cập nhật và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động báo chí trong bối cảnh phát triển công nghệ số và hội nhập quốc tế tại Việt nam. Tuy nhiên, để luật có hiệu lực thực tiễn cao, cần bổ sung các quy định chi tiết, minh bạch và cơ chế bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhieu-y-kien-dong-gop-du-thao-luat-bao-chi-sua-doi-post874626.html
Bình luận (0)