"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công…”
Cách đây 50 năm, đúng vào ngày 30-4-1975, sau bản tin chiến thắng, ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát lúc đó như tiếng reo vui của cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng và hạnh phúc giành được độc lập, tự do, Bắc - Nam sum họp. Ngay lập tức, bài hát đã đi vào lòng hàng triệu trái tim người con đất Việt, được hát vang trên khắp mọi miền Tổ quốc.
“2 giờ cho cả cuộc đời”
Giới chuyên môn từng nhận xét: "Nếu "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao là cái mốc của thời kỳ giành chính quyền cách mạng (năm 1945), "Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là "cái kết" chấm dứt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954), thì ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên là mốc son trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại giành độc lập, thống nhất non sông (năm 1975)”.
Bài hát vang lên đầu tiên vào đầu giờ chiều 30-4-1975 qua hệ thống phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ca từ vút lên cũng là lúc Việt Nam tuyên bố chính thức giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trước toàn thế giới. Có thể nói bài hát đánh dấu một chặng đường mới trong lịch sử dân tộc, "mở toang" cánh cửa hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ như ca từ khẳng định “chắc nịch”: “Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công”.
Nói về sự ra đời của bài hát, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, đầu tháng 4/1975, khi đang công tác ở Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, trước những trận thắng lớn, Tổng Giám đốc Trần Lâm giao cho ông sáng tác ca khúc mừng ngày chiến thắng.
Nhận nhiệm vụ, ông đã phác thảo một bản hợp xướng bốn chương, gồm: Miền Bắc lũy thép, miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậy, Toàn thắng. Nhưng suy nghĩ, ông lại thấy bản hợp xướng không phù hợp. “Nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng, nên tôi quyết định dừng ý tưởng” - nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.
Cho đến tối 28-4-1975, khi ngồi nghe bản tin trên đài có đưa tin về sự kiện phi công ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Đêm đó ông không ngủ, đứng ở cầu thang khu tập thể Khương Thượng (nơi ở của gia đình ông khi đó) và nghĩ, đã ném bom đến Tân Sơn Nhất rồi, chắc là giải phóng chỉ nay mai thôi.
Nghĩ đến chiến thắng đã cận kề trong gang tấc, trong lòng người nhạc sĩ trào dâng niềm vui, trong niềm vui hân hoan đó, ông chợt nhớ đến lời trong bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn” và nghĩ, nếu còn sống, chắc hẳn Bác Hồ cũng sẽ rất vui... “Với những tình cảm dồn nén, từ lúc 21 giờ 30 đến 23 giờ đêm 28-4-1975, tôi đã viết xong bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” mà không phải sửa một chữ nào”.
Ngay trong chiều 30-4-1975, ca khúc được lãnh đạo Đài cho dàn hợp xướng 40 người tập luyện để kịp phát thanh. Nhạc sĩ xúc động: "Chưa có buổi thu thanh bài hát nào ở Đài Tiếng nói Việt Nam mà từ người kéo đàn đến nhạc trưởng cũng như ca sĩ đều rưng rưng nước mắt như thế. Khi ca khúc được thu âm xong thì chính tôi cũng khóc".
Cứ sau một bản tin thông báo thắng trận tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế là bài hát lại vang lên hào hùng. Khi Đài Phát thanh Giải phóng Sài Gòn phát ca khúc, chính nhạc sĩ cũng ngỡ ngàng, bởi ông và Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn chưa kịp gửi bài hát và băng thu thanh vào Sài Gòn. Rồi, người Sài Gòn đã ngân nga điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh! Việt Nam - Hồ Chí Minh!” hòa chung vào niềm vui giải phóng.
Tâm sự về câu chuyện có hậu của bài ca, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Khi viết xong bài hát này, tôi cũng không nghĩ nó có sống trong lòng khán giả, mà đơn giản là chỉ muốn góp một tiếng reo vui cùng mọi người khi chiến thắng đang đến từng ngày”.
Một lần, người đồng nghiệp Nhật Bản hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc trong thời gian bao lâu, ông trả lời chỉ có 2 giờ. “Nói đúng hơn là chỉ có 2 giờ cho cả cuộc đời. Cuộc đời tôi gắn liền với ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Đó là máu thịt, là trăn trở, tâm huyết sau 30 năm dồn nén trong tôi. Đi gần hết cuộc đời, bây giờ tôi mới hiểu, những ca khúc viết về Bộ đội Cụ Hồ, về cách mạng, về trẻ thơ không bao giờ cũ”, ông tâm sự.
Ngân tiếng reo vang “Như có Bác trong ngày đại thắng”
Với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích, cả nhan đề và lời chưa đến 60 từ, nhưng ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” lại vừa có tính khái quát vừa cụ thể. Khái quát là điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh”, cụ thể là: “Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non song, ba mươi năm dân chủ cộng hoà, kháng chiến đã thành công”. Trang sử vàng của dân tộc với những khó khăn gian khổ, đau thương mất mát, cả niềm tin và niềm vui chiến thắng… cứ thế như hiển hiện ra trong câu hát ngân lên, nhắc nhớ "ba mươi năm" làm nên vành hoa lịch sử chiến thắng. Kết thúc bài hát là hình ảnh "Việt Nam Hồ Chí Minh" được nhắc lại ba lần, cùng giai điệu ngân vang về dân tộc Việt Nam, về lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Tất cả tôn vinh niềm vui và mong ước một sự thật, hòa cùng niềm vui của ngày chiến thắng, là "như có Bác trong ngày vui đại thắng", Bác vẫn cùng hiện diện về trong trái tim người con dân Việt, dù Bác đã yên giấc ngàn thu… Sự lắng đọng, niềm tôn kính và nhớ thương Bác da diết khôn nguôi là "vĩ thanh" suy tưởng sâu lắng được gói gọn trong ca khúc.
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, sức sống của ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã vượt ngoài sức tưởng tượng của ông. Cho đến nay, ca khúc vẫn được khán giả hát ở bất kỳ nơi đâu, ngày lễ, Tết, hoặc hội nghị, liên hoan; từ đất liền đến biên giới, hải đảo, miền núi đến miền xuôi, từ người già đến trẻ thơ, bộ đội hay nông dân, ai cũng thuộc. Hơn thế nữa, ca khúc đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, lan tỏa đến nhiều nước trên khắp các châu lục như Nhật, Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc... Ở Nhật Bản, ca khúc này được dịch ra tiếng Nhật và lưu hành phổ biến ở 49 tỉnh, thành phố. Có nhiều vị khách quốc tế, dù không biết đến một câu tiếng Việt vẫn có thể nhẩm theo giai điệu bài hát trong những dịp tham gia khánh lễ. Và nhiều năm đã qua những điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh” vẫn vang lên bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui trong từng góc phố, khán đài, trong những cuộc giao lưu quốc tế.
Để ghi nhận những đóng góp của ông, Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Lao động hạng Ba. Trong tấm bằng Huân chương do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký đã ghi: “Thưởng nhạc sĩ Phạm Tuyên - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Ủy ban Phát thanh - truyền hình Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong việc sáng tác bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” - góp phần cổ vũ kip thời cho ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên có thêm biết bao sáng tác mới, nhưng ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của ông mãi là tiếng reo vui của dân tộc trong ngày đại thắng. “Việt Nam! Hồ Chí Minh!” - câu hát ấy không chỉ là lời ca, mà là trái tim, là máu chảy trong lòng bao thế hệ, là khúc khải hoàn đi cùng năm tháng.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/172129/nhu-co-bac-trong-ngay-dai-thang-khuc-khai-hoan-di-cung-nam-thang
Bình luận (0)