Bài ca không quên
Ngày 30.4.1975, cả dân tộc chứng kiến những giờ phút thiêng liêng của đất nước, khi quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất hai miền Nam Bắc.
Để đi đến thắng lợi vẻ vang, không thể không nhắc đến sự đóng góp tích cực của mặt trận văn hóa nghệ thuật. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các sáng tác âm nhạc cách mạng phát triển mạnh, cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ, nhân dân.
Ở trong các căn cứ miền Nam, quân và dân đã ca vang những giai điệu hào hùng như “Giải phóng miền Nam”, “Trên đường Thiên Lý”, “Xuân chiến khu”... Hay những ca khúc trên đường ra trận đã trở thành những di sản âm nhạc chống Mỹ như: “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Quảng Bình quê ta”, “Bài ca Hà Nội”, “Đường chúng ta đi”...
Và mỗi khi thời điểm 30.4 đến, cả nước lại hân hoan cùng hòa giọng với “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Bài ca thống nhất”, “Hát mừng non nước hôm nay”, “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”...
Trong đó, “Bài ca thống nhất” từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công. Tác phẩm do nhạc sĩ Võ Văn Di sáng tác. Thời điểm sáng tác nhạc phẩm là trước ngày 30.4.1975, ông cùng nhiều nghệ sĩ đi tàu thủy từ Bắc vào Nam biểu diễn. Vì thế, bài hát đã mở đầu bằng những câu hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương: “Biển trời bao la/Đẹp như gấm hoa/Nước mây muôn màu/Những con tàu ra Bắc vào Nam”.
Cũng trong những ngày tháng 4 lịch sử ấy, nhạc sĩ Hoàng Hà nghe tin quân giải phóng miền Nam đang ồ ạt tiến về Sài Gòn, thời điểm cuối cùng kết thúc vẻ vang Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với cảm xúc dạt dào, nhạc sĩ Hoàng Hà viết xong bài “Đất nước trọn niềm vui” ngay trong đêm 26.4.1975.
Sau này ông kể lại, đêm đó, trong căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, ông như thấy trước mắt một rừng cờ chiến thắng. “Đi trong muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay” là niềm vui trong tâm hồn, là ước mơ về ngày vui trọn vẹn của dân tộc. Nhạc sĩ đã viết bằng dự cảm và niềm tin tuyệt đối vào ngày đất nước toàn thắng.
Những bài ca sống mãi cùng thời gian
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, NSND Thanh Hoa cho biết, chị vẫn nghẹn ngào, xúc động khi được hát những khúc tráng ca về đất nước, về cách mạng.
Nghệ sĩ nói: “Đã bao lần tôi hát cho đồng đội, đến giờ, tôi hát cho người dân. Vì vậy, bên cạnh niềm tự hào về lịch sử vẻ vang dân tộc, tôi cất giữ cho mình một sự tự hào riêng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Mỗi lần được hát những ca khúc cách mạng, tôi tự hào vì công lao của những người chiến sĩ năm xưa vẫn được nhớ đến, tri ân. Những giai điệu bất hủ như Bài ca thống nhất, Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh, Bài ca không quên… đều sống mãi trong lòng những người nghệ sĩ, những người lính và cả đồng bào”.
Những giai điệu tự hào không chỉ làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ gạo cội từng mặc áo lính mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ, để nhắc mỗi thế hệ dù sinh ra và lớn lên trong hòa bình vẫn phải nhớ về một thời kỳ chiến đấu quả cảm, quyết tâm đánh bại kẻ thù, giành lại độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
Với nghệ sĩ sống trong hòa bình như Tùng Dương, những ca khúc cách mạng vẫn mang lại cảm xúc đặc biệt hơn cả. Anh từng thể hiện thành công nhiều ca khúc nhạc cách mạng như: “Đường chúng ta đi”, “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ”, “Đất nước trọn niềm vui”...
Tùng Dương chia sẻ: “Cá nhân tôi cũng như nhiều nghệ sĩ khác luôn dành tình yêu, sự trân trọng dành cho nhạc cách mạng, nhạc dân gian, nhạc mang âm hưởng dân ca, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Mỗi lần hát những ca khúc cách mạng, tôi vẫn luôn xúc động, tự hào”.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nhung-bai-ca-khong-quen-va-suc-song-cua-nhac-cach-mang-3355645.html
Bình luận (0)