Điều tuyệt vời nhất của thế giới trẻ thơ là thế giới đó chưa có một hình mẫu được xây dựng quá kiên cố, chưa có khuôn mẫu gò bó trí tưởng tượng. Nếu người lớn cần nhiều thời gian để “phá lối mòn”, trẻ con chỉ cần là chính mình, vô tư, hồn nhiên, với trí tưởng tượng không giới hạn, tạo ra được những câu chuyện chỉ trẻ con mới nghĩ ra được.
Những câu chuyện cổ phố Broca là một cuốn sách đầy tự do như thế. Xuất bản năm 1967 và trở thành một hiện tượng văn học khắp nước Pháp, cuốn sách được độc giả và các nhà phê bình đánh giá cao nhờ cốt truyện bất ngờ, hài hước, cách kể chuyện kỳ lạ. Đây là một cuốn sách hiếm trong thể loại văn học thiếu nhi, khi ứng dụng yếu tố cổ tích giữa lòng thành phố hiện đại.

Những câu chuyện cổ phố Broca nổi bật hơn các tác phẩm cùng thể loại nhờ gu hài hước đậm chất Pháp. Đã qua rồi thời những bài học ý nghĩa cho trẻ phải nằm trong các câu chuyện văn phong trang nghiêm, với các tòa lâu đài xa lạ, với quân lính canh gác. Bối cảnh của Broca rất bình dị, với các nhân vật khiến chúng ta tưởng như… hàng xóm của mình. Chất hài nằm trong các đoạn hội thoại, cách xử lý tình huống bất ngờ.
Đặc biệt, tác phẩm không còn theo khuôn mẫu truyện cổ nhờ cuốn sách có sự “góp sức” từ trẻ con. Cụ thể hơn là cốt truyện được tác giả Pierre Gripari và “cộng sự nhi đồng” cùng sáng tác. Được kể bởi các bạn nhỏ, cuốn sách có các tình tiết vượt xa trí tưởng tượng của người lớn. Vẫn trên bối cảnh Pháp, trên nền các sự kiện lịch sử châu Âu, nhưng trẻ con có những cách dẫn chuyện rất riêng mà người lớn chẳng tài nào đoán được kết truyện, không phải lúc nào cũng “họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau” như thường thấy trong truyện cổ tích.
Dù phá cách tới đâu, Những chuyện cổ phố Broca vẫn là một tác phẩm văn học mẫu mực cho thiếu nhi do đáp ứng đủ 3 yếu tố: hấp dẫn - dễ hiểu - có tính giáo dục. Những bài học từ cuốn sách rất cụ thể với xã hội hiện đại: về gia đình hiện đại, về lao động, sự dũng cảm, về lòng nhân ái, về tình bạn, tình yêu… chứ không phải những bài học phổ quát về đạo đức như trong truyện cổ tích truyền thống. Nhờ đó, các câu chuyện kích thích các em suy nghĩ, gắn liền bài học với cuộc sống thực, cũng như phát triển trí tưởng tượng của các em khi quan sát các sự kiện mỗi ngày.
Chuyển ngữ Những câu chuyện cổ phố Broca sang tiếng Việt là dịch giả Nguyên Kan, một tiến sĩ ngôn ngữ đã có thời gian dài sinh sống tại Pháp và am hiểu văn hóa Pháp. Nhờ vậy, tác phẩm giữ nguyên được không khí và cách kể chuyện đặc trưng của Pháp. Bên cạnh đó, những bức tranh minh họa đặc trưng từ họa sĩ Như Quỳnh cùng cách dàn chữ khác biệt để thể hiện các cuộc hội thoại tinh nghịch, Những câu chuyện cổ phố Broca dẫn bạn đọc vào một thế giới màu nhiệm của phù thủy, thiên thần, quỷ nhỏ, những đồ vật cổ biết nói nhưng lại rất phong cách, rất hiện đại “kiểu Paris”.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhung-cau-chuyen-co-pho-broca-truyen-co-tich-danh-cho-tre-em-cua-the-ky-21-post788524.html
Bình luận (0)