Lán Khuổi Nặm, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) - nơi đặt Tòa soạn Báo Việt Nam Độc Lập năm 1941. |
Tháng 8-1945, cách mạng thành công. Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa được thành lập. Trong bộn bề công việc phải giải quyết, báo chí Việt Nam mới chưa kịp hình thành thì Toàn quốc kháng chiến chống Pháp nổ ra, Đảng, Chính phủ về Việt Bắc tiến hành trường kỳ kháng chiến. Hai nhiệm vụ tối quan trọng tính từ cuối 1946 là kháng chiến và kiến quốc. 9 năm gian khổ, cùng với sự phát triển chung, báo chí cách mạng cũng hình thành phát triển từ chiến khu.
Dịp kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng cũng thêm một lần trở lại những nơi sinh thành báo chí, ngõ hầu giúp góp một chút vào niềm tự hào chung của báo giới… Với việc hoàn thiện xây dựng Di tích lịch sử cấp quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái huyện Đại Từ vào ngày 9/8/2024, Thái Nguyên, Việt Bắc cơ bản đã “vẽ xong” bản đồ di tích lịch sử báo chí kháng chiến ra đời và phát triển trên vùng đất này.
Tại Thái Nguyên, đậm đặc di tích là huyện Định Hóa: Xã Điềm Mặc có Di tích nơi thành lập Hội nhà báo Việt Nam (21/4/1950); Tòa soạn Báo Cứu Quốc; nơi thành lập ngành Nhiếp ảnh, Điện ảnh Việt Nam. Xã Sơn Phú là nơi đóng quân của Nhà xuất bản Sự Thật và Đài tiếng nói Việt Nam. Xóm nhỏ Khau Diều, xã Định Biên ngày 20/10/1950 đã chứng kiến sự ra đời Báo Quân đội nhân dân. Cũng tại đây, thời kỳ ấy còn là nơi đứng chân của Nhà xuất bản Vệ Quốc Quân. Ngược lên chừng 15 cây số, tại bản vắng Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ, ngày 13/1/1951, Báo Nhân Dân ra số đầu; Nhà in Lê Hồng Phong cũng đóng ở đây.
Bản đồ báo chí xuất bản ở Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. |
Là trung tâm của ATK trong kháng chiến, xã Phú Đình là nơi Báo Sự Thật dừng chân ngay từ đầu năm 1947, còn xã Bình Thành là nơi ở của Ban giao thông liên lạc Trung ương - tiền thân của ngành Thông tin và Truyền thông ngày nay. Ở huyện Đại Từ, ngoài Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, xóm Chòi, xã Mỹ Yên là nơi đặt trụ sở của Hội Văn nghệ Cứu Quốc và Tòa soạn Tạp chí Văn Nghệ; xã Cao Vân (nay là xã Cù Vân) đặt trụ sở của Báo Lao Động…
Xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, thời ấy có Tòa soạn và Nhà in Báo Cứu Quốc, cũng như Cơ sở in Báo Cờ Giải phóng từng bí mật hoạt động tại Tiên Phong, Phổ Yên… Không đậm đặc như Thái Nguyên nhưng trong hành trình đi tìm hiểu các địa chỉ đỏ chúng tôi ghi nhận tỉnh Tuyên Quang cũng là địa phương góp phần quan trọng vào hoạt động báo chí kháng chiến. Một thời kỳ, xã Tân Trào là nơi đặt Tòa soạn Báo Cứu Quốc, Nhà xuất bản Sự Thật. Xã Minh Thanh có Tòa soạn Báo Tiền Phong; xã Trung Yên có Trụ sở Việt Nam Thông tấn xã; xã Hào Phú một thời kỳ Báo Lao Động đặt trụ sở…
Huyện Yên Sơn và Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang cũng ghi dấu những giai đoạn đóng trụ sở các cơ quan báo chí… Tỉnh Bắc Kạn là nơi đứng chân của Đài phát thanh quốc gia, tòa soạn và nhà in báo Cứu Quốc. Với Cao Bằng, còn in đậm dấu ấn nơi Bác Hồ cho ra đời tờ Việt Nam Độc Lập (1/8/1941 tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) và nơi in Báo Việt Nam Độc Lập tại xã Hồng Việt, huyện Hòa An…
Trong mấy chục năm qua, hầu hết các địa chỉ đỏ của báo chí đều đã được khẳng định, vinh danh. Một số được xây dựng thành Khu di tích; một số mới dừng ở đặt bia lưu niệm góp vào công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/nhung-dia-chi-do-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-7a31b45/
Bình luận (0)