Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những nhân chứng lịch sử kể về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975

Ngày 23/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân đã tổ chức lễ công bố đợt truyền thông đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Chương trình có sự tham dự của các nhân chứng lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch23/04/2025

Chia sẻ về trận đánh lịch sử trên không của năm 1975, Đại tá Nguyễn Văn Lục, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ huy Phi đội Quyết thắng tập kích đường không - Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 nhớ lại, cách đây 50 năm, trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, ông cùng đồng đội được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao trọng trách tấn công vào sào huyệt cuối cùng của địch ở những trận đánh then chốt quyết định.

Cả phi đội chỉ có thời gian rất ngắn, với 3,5 ngày để huấn luyện chuyển loại từ máy bay đang sử dụng là máy bay do Liên Xô sản xuất sang máy bay A-37 thu được của địch. Hai hệ máy bay hoàn toàn khác nhau với trang thiết bị, ngôn ngữ sử dụng khác nhau.

"Tính cả thời gian máy bay A-37 được cơ động từ miền Bắc vào đến khi quả bom đầu tiên rơi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian chỉ 6 ngày. Trong đó, thời gian trực tiếp huấn luyện chuyển loại của chúng tôi cả lý thuyết và thực hành bay chỉ vỏn vẹn 3,5 ngày, với 1 ngày học lý thuyết và 2,5 ngày thực hành bay trên bầu trời Đã Nẵng", Đại tá Nguyễn Văn Lục kể lại.

Những nhân chứng lịch sử kể về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Văn Lục, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ huy Phi đội Quyết thắng tập kích đường không - Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lục, đây là kỷ lục mà thế giới chưa có, bởi theo thông lệ, để chuyển loại máy bay, phi công cần khoảng 6 tháng, trong đó 2 tháng học lý thuyết, 4 tháng học thực hành bay.

"Chúng tôi đã xuất kích chiến đấu với quyết tâm, ý chí cao nhất, bằng tất cả nỗ lực của từng phi công cũng như các lực lượng phục vụ bảo đảm khác để hoàn thành nhiệm vụ", Đại tá Nguyễn Văn Lục bày tỏ.

Đúng 16h25 ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng xuất kích từ sân bay Thành Sơn (Sân bay Phan Rang) tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Với 18 quả bom đánh trúng mục tiêu, quân địch kinh hoàng và hoảng loạn vì bị bất ngờ, địch không hiểu máy bay A37 từ đâu tới, các lực lượng không quân và phòng không của chúng không kịp trở tay.

Trong trận không kích đó, phía ta đã phá hủy 24 máy bay, tiêu diệt hàng trăm tên địch, góp phần cùng pháo binh chặt đứt cầu hàng không cuối cùng của địch, tạo đà cho 5 cánh quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Phi đội đã chiến thắng trở về hạ cánh an toàn tại sân bay Phan Rang.

Đại tá Nguyễn Văn Lục nhấn mạnh: "Trận ném bom rung chuyển Sài Gòn và quan trọng hơn là làm rung chuyển ý chí tử thủ để bảo vệ Sài Gòn của kẻ địch, làm địch nhanh chóng tan rã, tạo điều kiện cho các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn nhanh hơn, sẽ ít đổ máu hơn".

Chỉ sau một ngày, Mỹ buộc phải tổ chức "chiến dịch" di tản mang tên "Người liều mạng", dồn hết máy bay trực thăng đến Sài Gòn để bốc cố vấn quân sự Mỹ và chóp bu, ngụy quân Sài Gòn tháo chạy.

Đại tá Nguyễn Văn Lục chia sẻ: "Chiến thắng trong trận không kích ngày 28/4/1975 là cơ hội để ông và đồng đội đền đáp công ơn của Đảng, Nhà nước của quân đội và nhân dân đã cho chúng tôi cơ hội được học tập, rèn luyện có kỹ năng chiến đấu". Chiến thắng cũng thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta nói chung và không quân nhân dân nói riêng.

Những nhân chứng lịch sử kể về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 - Ảnh 2.

Hạ sĩ Lữ Văn Hỏa, lái xe tăng T54B mang số hiệu 843, đã húc vào cổng phụ Dinh Độc lập

Chia sẻ về ngày đặc biệt 30/4/1975, hạ sĩ Lữ Văn Hỏa, lái xe tăng T54B mang số hiệu 843, đã húc vào cổng phụ Dinh Độc lập tâm sự: Thời khắc xe tăng 843 húc tung cánh cổng phụ phía bên tay trái, tiếp sau đó, xe tăng 390 húc tung cánh cổng chính và khoảnh khắc đồng chí Bùi Quang Thận cắm cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc lập mang lại cho các chiến sĩ những cảm xúc vô cùng mãnh liệt.

"Đó là thời khắc vô cùng sung sướng, tự hào vì khi cờ giải phóng được kéo lên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chế độ Ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam-Bắc sum họp một nhà. Chúng tôi nhảy ra khỏi xe, ôm nhau, cười ra nước mắt. Tôi suy nghĩ, đây là điều may mắn với chúng tôi có cơ hội chứng kiến khoảnh khắc lịch sử dân tộc. Chúng tôi nghĩ đất nước thống nhất là sẽ sớm được trở về thăm quê hương gia đình. Nhưng sâu thẳm trong đáy lòng các anh em đều nhớ tới các Anh hùng liệt sĩ, các đồng đội đã kề vai sát cánh chiến đấu trong chiến trường, đã vĩnh viễn cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do, dân tộc không được hưởng hạnh phúc niềm vui giải phóng. Trong niềm sung sướng đó có những cái đau thương, nhớ nhung, luyến tiếc", ông nói.

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong đội hình quân đoàn 2 có mặt tại Dinh Độc lập vào trưa ngày 30/4/1975 chia sẻ: "Với tư cách là một nhà báo chiến trường, tôi có mặt tại nhiều mặt trận khốc liệt như ở Quảng Trị, rồi sau đó sang chiến trường Campuchia. Ngày ấy, mặc dù còn rất trẻ, nhưng những kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp đã để tại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tôi, rồi dần trở thành hành trang tinh thần cho quá trình làm nghề báo".

Nhà báo Trần Mai Hưởng cũng là tác giả của bức ảnh lịch sử "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập - trưa ngày 30/4/1975". Theo ông, những người lính xe tăng trong bức ảnh tôi chụp, sau này, khi đất nước hòa bình, họ trở về với cuộc sống bình dị, người thì quê trồng rau, nuôi cá, người thì làm vườn, trồng na… Nhưng trong cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, họ là những người lính vô cùng dũng cảm, vô cùng lạc quan. Họ quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc. Họ là những người vô cùng cao quý.

Nhà báo Trần Mai Hưởng gọi những người lính trong chiến trường là "những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn". Những gì họ để lại là những điều vô giá cho các thế hệ sau.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/nhung-nhan-chung-lich-su-ke-ve-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-mua-xuan-nam-1975-20250423163220701.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm