Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những tấm lòng phụng sự thầm lặng

Những ngày này, hàng ngàn người, dù trẻ hay già, đến từ thành phố hay những vùng đất xa xôi đều chung một niềm vui, đó là được góp sức mình cho sự thành công của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. Họ không màng danh lợi, không mong đáp đền, chỉ đơn giản là sống trọn với tinh thần phụng sự, đúng như lời Phật dạy.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng08/05/2025

1. Hơn 3 giờ sáng ở khuôn viên Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM (huyện Bình Chánh), đông đảo tình nguyện viên đã có mặt để quét dọn, nhặt rác, chuẩn bị cho một ngày hoạt động mới trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.

H3b.jpg
Bà Phạm Thị Xuân và các thành viên ban hậu cần cẩn thận xếp thức ăn vào hộp. Ảnh: CẨM TUYẾT

Ở tuổi 58, bà Nguyễn Thị Lữ (ngụ huyện Hóc Môn) vừa hăng say quét dọn từng khu vực, vừa tranh thủ trò chuyện với chúng tôi: “Tôi đã tham gia hỗ trợ các dịp lễ lớn của Phật giáo và hôm nay được vinh dự góp sức mình để làm nên thành công của Đại lễ Vesak 2025. Niềm vui được cống hiến khiến tôi quên hết nhọc nhằn, cảm thấy lòng thật an yên. Với tôi, mỗi giây phút này đây là một cách thiết thực để thực hành lời Phật dạy, sống có ích, phụng sự cho đời”.

Cách đó không xa, trong khu vực bếp ăn, không khí tất bật, nhộn nhịp đã bao trùm. Các thành viên ban hậu cần tất bật chuẩn bị đồ đạc, sơ chế rau củ, thực phẩm… để chuẩn bị hàng ngàn phần ăn cho các đại biểu tham dự đại lễ. Công việc bắt đầu từ hơn 2 giờ sáng và kéo dài đến hơn 21 giờ, nhưng anh Võ Tường Duy (sinh năm 1997, ngụ quận 12) bảo: “Đứng bếp những ngày này, tôi thấy hạnh phúc lắm”. Mỗi món ăn, mỗi chén cơm, bát canh giản dị được anh Duy và các thành viên chăm chút, đặt trọn tâm huyết, như cách anh nói: “Mong từng bữa ăn sẽ làm ấm lòng Phật tử và bạn bè quốc tế”.

Anh Duy kể, từ năm 2015 đến nay, anh đã xem việc tham gia các hoạt động tình nguyện trong những dịp lễ như: Phật đản, Vu Lan hay các khóa tu tại chùa là một phần trong đời sống của mình. Dù bận rộn với công việc nhân viên văn phòng, nhưng lần này, anh đã xin nghỉ 5 ngày để dốc lòng hỗ trợ cho Đại lễ Vesak 2025, một sự kiện anh gọi là “duyên lớn trong đời”. Đối với anh Duy, mỗi giờ phút tham gia hoạt động tình nguyện còn là cơ hội để kết thêm thiện duyên và làm phong phú thêm hành trình tu học giữa đời thường.

Bên kia gian bếp, bà Hà Thị Thu Dung (sinh năm 1964, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tất bật bên chảo dầu sôi, tay thoăn thoắt chiên những món chay vàng óng. Dù mới quen nhau vài ngày, nhưng bà Dung cảm nhận: “Đến đây, mọi người từ xa lạ đến như anh em một nhà, bảo ban nhau làm. Được khen món ăn ngon thì mệt mấy, tôi cũng khỏe ngay”. Trước đó, từ năm 2012, bà Dung cũng tham gia bếp ăn thiện nguyện tại các bệnh viện tâm thần, trung tâm dưỡng lão…

2. Vào TPHCM từ ngày 3-5, bà Phạm Thị Xuân (sinh năm 1960, ngụ tỉnh Quảng Bình) đảm nhận công việc hậu cần cho đại lễ. Tại khu vực nhà bếp, bà và các thành viên khác tỉ mỉ, cẩn thận xếp từng phần ăn vào hộp. Mồ hôi lấm tấm trên trán, nhưng nụ cười của bà luôn nở trên môi. “Được góp một phần công sức nhỏ bé cho đại lễ, tôi thấy lòng mình phấn khởi, hạnh phúc lắm. Mệt thì có, nhưng vui nhiều hơn, vì cảm nhận rõ mình đang làm điều có ý nghĩa cho cộng đồng”, bà Xuân bộc bạch.

Càng về trưa, dòng người từ khắp mọi miền đổ về chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh) để chiêm bái xá lợi Đức Phật càng đông. Dưới cái nắng gắt oi ả, những bóng áo xanh tình nguyện miệt mài tỏa đi khắp các lối, ân cần đón tiếp, hướng dẫn từng đoàn người ngay ngắn vào xếp hàng chiêm bái. Sau khi hướng dẫn xếp hàng, bạn Quách Thành Danh (sinh năm 2004, sinh viên Trường ĐH Văn Lang) nhẹ nhàng lấy chiếc nón lá quạt mát cho những cô bác lớn tuổi đang lấm tấm mồ hôi. “Mình đăng ký tham gia hoạt động này vì yêu mến đạo Phật và mong muốn góp một chút sức trẻ, giúp bà con có trải nghiệm tốt đẹp khi về dự đại lễ”, Danh chia sẻ.

Đến chiêm bái xá lợi Đức Phật, bà Võ Thị Diệu (sinh năm 1957, ngụ huyện Hóc Môn) xúc động khi chứng kiến hình ảnh các tình nguyện viên miệt mài hỗ trợ giữa dòng người tấp nập. Với bà, chính sự tận tụy, nhẹ nhàng của những người lặng thầm ấy đã góp sức làm nên sự thành công, để mỗi Phật tử như bà được trọn vẹn niềm vui khi về dự lễ trọng đại này.

Chiều 7-5, Công an TPHCM cho biết, đơn vị huy động nhiều đơn vị như: Cảnh sát giao thông (CSGT), Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC)… đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông và PCCC cho Đại lễ Vesak 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8-5 tại TPHCM.

Công an TPHCM đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa lực lượng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đại lễ. Các phương án cụ thể đã được xây dựng và triển khai, tập trung các khu vực diễn ra lễ, tuyến đường trọng điểm và điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Lực lượng CSGT TPHCM đã chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết về công tác bảo vệ, dẫn đoàn, chỉ huy và điều hòa giao thông tại khu vực diễn ra đại lễ và các tuyến đường dẫn vào; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và ban tổ chức đại lễ để xây dựng phương án phân luồng, điều tiết giao thông linh hoạt, đảm bảo lộ trình di chuyển an toàn, thông suốt cho đại biểu, tăng ni, Phật tử và người dân tham dự.

Về công tác PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an TPHCM đã xây dựng các phương án xử lý tình huống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ tại địa điểm tổ chức lễ và khu vực lân cận. Lực lượng cảnh sát PCCC cũng tăng cường kiểm tra an toàn PCCC tại các khu vực này để phòng ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhung-tam-long-phung-su-tham-lang-post794208.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm