Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những thác thức của ngành ca cao trước sự tăng trưởng nóng

(Chinhphu.vn) - Thị trường ca cao toàn cầu đang trải qua biến động mạnh mẽ, với giá ca cao tươi tại Việt Nam đạt mức 14.000-16.000 đồng/kg hạt tươi và 220.000-260.000 đồng/kg hạt khô, cao gấp 3-5 lần so với cùng kỳ năm trước và tăng 4-5 lần so với năm 2022.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ07/05/2025

Những thác thức của ngành ca cao trước sự tăng trưởng nóng- Ảnh 1.

Ca cao là cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư dài hạn và kỹ thuật cao, không phù hợp với mô hình tự phát

Giá cao vọt

Mức giá kỷ lục từ trước đến nay của sản phẩm ca cao mang lại niềm vui cho nông dân khi mỗi hecta mang về thu nhập 400-450 triệu đồng. Tuy nhiên, đằng sau cơ hội "vàng" này là những thách thức lớn, đặc biệt khi diện tích trồng ca cao đang có nguy cơ tăng trưởng nóng, đe dọa sự phát triển bền vững của ngành.

Sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, với mức giảm khoảng 0,6 triệu tấn so với nhu cầu, là nguyên nhân chính đẩy giá ca cao tăng vọt. Bờ Biển Ngà và Ghana – chiếm 70% sản lượng ca cao thế giới đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, hạn hán và sâu bệnh, làm gia tăng lo ngại của các nhà thu mua.

Tại Việt Nam, theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết dù diện tích trồng ca cao chỉ còn hơn 3.000 ha với sản lượng hạt khô khoảng 3.500 tấn/năm, rất khiêm tốn so với cà phê (730.500 ha) và điều (300.800 ha); chất lượng ca cao, đặc biệt giống hiếm Trinitario đã tạo nên hương vị độc đáo, thu hút các nhà nhập khẩu quốc tế. Các thương hiệu chocolate lớn đã mở nhà máy tại Việt Nam, ưu tiên chế biến nguyên liệu tại chỗ để xuất khẩu, hướng đến phân khúc cao cấp.

Tuy nhiên, giá ca cao tăng mạnh đang gây áp lực lên chuỗi cung ứng. Các hợp tác xã (HTX) gặp khó khăn trong việc huy động vốn để thu mua nguyên liệu, trong khi sản lượng nội địa hạn chế dẫn đến cạnh tranh gay gắt với thương lái. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất chocolate, tình hình còn nghiêm trọng hơn.

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE cho biết giá nguyên liệu tăng gấp 4-5 lần khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ lỗ luỹ kế, buộc nhiều đơn vị phải sản xuất cầm chừng, thu hẹp quy mô hoặc chuyển sang sản phẩm có tỷ lệ ca cao thấp hơn để duy trì hoạt động. Thị trường tiêu dùng chỉ chấp nhận tăng giá bán lẻ khoảng 15%, trong khi chi phí đầu vào tăng gấp nhiều lần, đẩy ngành sản xuất chocolate toàn cầu vào nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành ca cao, đặc biệt với giống Trinitario mang tính bản địa độc đáo, được đánh giá cao trên thị trường quốc tế.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, đến nay Việt Nam có 3.471ha ca cao, diện tích thu hoạch 2.836ha, sản lượng 4.786 tấn hạt khô, năng suất 16,9 tạ hạt khô/ha. Sản xuất ca cao tập trung tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung bộ.

Mô hình liên kết sản xuất, đầu tư sản xuất ca cao quy mô tập trung được một số DN triển khai như Công ty TNHH DV-TM ca cao Thành Đạt, Công ty Binon Cacao (Bà Rịa-Vũng Tàu) với chuỗi sản xuất, chế biến, kết hợp du lịch trải nghiệp. Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (Đồng Nai), Công ty Cao Nguyên Xanh (Đắk Lắk), Công ty TNHH Puratos Grand - Place Việt Nam… đã đầu tư chuỗi sản xuất, phát triển diện tích ca cao tập trung quy mô lớn. 100% hạt ca cao Việt Nam được lên men, đảm bảo chất lượng của các nhà thu mua chế biến và xuất khẩu.

Ông Justin Jacquat, Quản lý Cacao khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng dù sản lượng 3.500 tấn/năm của Việt Nam nhỏ bé so với các quốc gia như Malaysia hay Indonesia (200.000 tấn/năm), nhưng hương vị riêng biệt giúp ca cao Việt Nam chiếm lĩnh phân khúc cao cấp. Để khai thác tối đa lợi thế này, ngành cần tập trung vào chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao, và xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ nông dân đến doanh nghiệp.

Với dự kiến tăng thêm 500 ha trong năm 2025, ngành cần ưu tiên vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và chất lượng. Việc trồng xen canh với cà phê, điều, hoặc chuối vốn ít tốn chi phí chăm sóc có thể mang lại lợi ích kinh tế kép, nhưng phải đi kèm quy hoạch bài bản và kỹ thuật tiên tiến.

Sự phấn khởi của nông dân trước giá ca cao tăng cao đang thúc đẩy xu hướng mở rộng diện tích trồng, tái hiện kịch bản từng xảy ra với nhiều nông sản khác tại Việt Nam. Trong giai đoạn hoàng kim 2012, diện tích ca cao đạt 25.700 ha, nhưng đến năm 2023, con số này giảm gần 90% do giá bấp bênh và cạnh tranh với các cây trồng khác như sầu riêng, bơ. Nếu không kiểm soát, việc trồng ồ ạt theo phong trào có thể dẫn đến cung vượt cầu, khiến giá sụp đổ và làm mất giá trị lâu dài.

Các chuyên gia cảnh báo rằng ca cao là cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư dài hạn và kỹ thuật cao, không phù hợp với mô hình tự phát. Thiếu quy hoạch và quản lý, cùng với điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp, sẽ tạo ra hệ lụy không mong muốn. Ngành cần tránh lặp lại bài học từ cà phê hay hồ tiêu, nơi sản lượng tăng đột biến từng gây ra khủng hoảng thừa. Thay vào đó, chiến lược bền vững, tập trung vào chất lượng và thị trường cao cấp, sẽ giúp Việt Nam vượt lên trong khu vực Đông Nam Á.

Đỗ Hương


Nguồn: https://baochinhphu.vn/nhung-thac-thuc-cua-nganh-ca-cao-truoc-su-tang-truong-nong-102250507142138549.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm