Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Niềm tin và khát vọng của đội ngũ doanh nhân với Nghị quyết 68

(Dân trí) - Các doanh nhân tin rằng Nghị quyết 68 tạo ra một luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực, khí thế và năng lượng tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Báo Dân tríBáo Dân trí07/05/2025

1.webp

Khích lệ tinh thần doanh nhân, khơi gợi nguồn lực mạnh mẽ

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định vai trò của doanh nhân là những người "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế".

Khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, Nghị quyết đã truyền cảm hứng về vai trò của khối doanh nghiệp này, mở ra cánh cửa tăng trưởng nhanh, mạnh, vững chắc.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Tổng giám đốc Công ty tư vấn Newing, chuyên về tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp và đào tạo nhân lực - cho biết rất hào hứng khi Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành. Nghị quyết có những chỉ đạo quyết liệt để tập trung, hỗ trợ, tháo gỡ những nút thắt lớn trong phát triển kinh tế tư nhân lâu nay.

Theo bà Giang, khi xã hội thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp trong kinh tế tư nhân cũng đòi hỏi phải thay đổi nhanh để thích ứng kịp. Tuy nhiên, cơ chế quản lý của Nhà nước lại không thể thay đổi, không thích ứng kịp với sự thay đổi của kinh tế tư nhân cũng như nhu cầu của thị trường, từ đó gây ra sự lệch pha. 

"Giống như câu chuyện doanh nghiệp đang rất muốn lớn nhanh, thay đổi liền, mấy năm trước làm ngành này thì bây giờ làm ngành mới. Nếu Nhà nước không ra cơ chế được kịp thì không hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phát triển", bà lý giải.

Nữ CEO này còn cho rằng Nghị quyết 68 xác định rõ mục tiêu hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển bằng cách gỡ bỏ cơ chế gây rào cản, tạo ra những cơ chế mới sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phát triển.

Đồng lòng hưởng ứng tinh thần của Nghị quyết 68, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) - nói, khối doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Giai đoạn hiện nay, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có rất nhiều hành động, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ khối kinh tế tư nhân. Những chủ trương này không còn là khẩu hiệu mà đã được thể hiện bằng các biện pháp rõ ràng, cụ thể.

"Nghị quyết 68 khuyến khích phát triển các doanh nghiệp với chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa - đây là những hành động thiết thực, không phải hô hào. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp đang cảm thấy rất hào hứng, tự tin để hành động", ông Toản nói.

Trước đây, doanh nghiệp e dè vì lo ngại rủi ro pháp lý, gây tâm lý sợ sai. Nhưng với Nghị quyết 68, đại diện của EZ Property cho rằng đã tạo ra một luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực, khí thế và năng lượng tích cực cho các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm thay vì ngồi lo lắng, phân tích.

Ngay trong nội bộ công ty, ông Toản cho biết cũng động viên và yêu cầu mọi người phải quyết liệt hơn nữa trong công việc. Bởi, hiện nay là giai đoạn đất nước đang chuyển mình nên cần phải phát huy tất cả năng lực và thế mạnh để bứt phá.

Theo ông, những chủ trương như Nghị quyết 68 cùng với các chính sách, luật mới là rất đúng và trúng, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. "Chúng ta đang đi đúng hướng khi tạo môi trường thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân đóng góp mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế quốc gia. Với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp, tôi hoàn toàn ủng hộ các chiến lược và chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn này", ông Toản nhấn mạnh.

2.webp

Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans - đánh giá lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quyết liệt, tầm nhìn sâu rộng khi nhấn mạnh vai trò trụ cột của khối doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông Việt, Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp mà còn đặt nền móng cho phát triển dài hạn, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi nếu thúc đẩy khoa học công nghệ, chuyển đổi số... sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển rất nhanh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát - cho rằng khu vực kinh tế tư nhân từ trước đến nay đều chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế. Đặc biệt, ông Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ các rào cản thể chế và thủ tục hành chính. Ông cho rằng khi những nút thắt về cơ chế chính sách, các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh được tháo gỡ kịp thời, doanh nghiệp sẽ phát huy được mọi nguồn lực vốn có để vươn tầm, phát triển mạnh mẽ hơn.

Hưởng ứng tinh thần Nghị quyết 68, Tập đoàn Hòa Phát cam kết duy trì vai trò tiên phong trong ngành thép, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập. Đặc biệt, Hòa Phát xác định sứ mệnh tiên phong với dự án đường sắt tốc độ cao.

Cũng hưởng ứng tinh thần đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank - cho biết ngân hàng đã và đang dành nguồn vốn tín dụng lớn cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo bà Bình, tỷ trọng tín dụng đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân khoảng 80% tổng dư nợ của Agribank, với gần 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân với quy mô trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 90% dư nợ đối với khách hàng.

Trong năm 2024, ngân hàng cũng đã giảm lãi suất cho vay 4 lần. Trong 2 tháng đầu năm nay, Agribank tiếp tục giảm từ 0,2% đến 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Riêng với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, ngân hàng này dành nguồn vốn 240.000 tỷ đồng, áp dụng cho nhiều đối tượng như khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp SME, khách hàng FDI, khách hàng xuất nhập khẩu…

Doanh nghiệp tư nhân cần làm gì để vươn mình?

Bà Nguyễn Thị Minh Giang cho rằng Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân thực ra đang khích lệ tinh thần làm chủ của từng người trong việc phát triển kinh tế. Động lực phát triển của việc tự làm chủ của kinh tế tư nhân sẽ rất khác so với động lực đi làm thuê cho người khác.

Có cơ hội tiếp xúc và tư vấn cho nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, bà Giang nhận thấy điểm yếu của các doanh nghiệp tư nhân là thiếu sự kết nối. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn hoạt động phân mảnh, ngược lại doanh nghiệp tư nhân ở các nước trên thế giới lại có sự kết nối thành cộng đồng và hỗ trợ nhau mạnh mẽ.

Giải quyết vấn đề này, bà Giang cho rằng Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI. Vì vậy, bà kỳ vọng sẽ có những chính sách cụ thể để các doanh nghiệp lớn có cách thức để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Ngoài ra, bà Minh Giang cũng rất đồng tình với những nội dung quan tâm đến phát triển con người, nguồn nhân lực được nêu trong Nghị quyết 68. Nghị quyết nêu rõ việc triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành; huy động các doanh nhân thành đạt tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho đội ngũ doanh nhân. Theo đó, việc đào tạo được 10.000 giám đốc điều hành chất lượng thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp, nhân viên chất lượng phát triển theo.

3.webp

Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng vươn mình ra biển lớn (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Cùng nêu quan điểm, ông Phạm Văn Việt dẫn chứng ở các nước trên thế giới, khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 80% ngân sách, nhưng ở Việt Nam đóng góp được hơn 40%. Do đó, về lâu dài, Việt Nam cần thúc đẩy khối doanh nghiệp trong nước phát triển hơn nữa. Nghị quyết 68 vừa ban hành đã nhìn nhận rõ vai trò của kinh tế tư nhân, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc đặt khu vực này làm trụ cột phát triển. 

"Điều quan trọng nhất với khối doanh nghiệp tư nhân là hành lang pháp lý minh bạch và công bằng. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ hợp lý theo từng ngành nghề cụ thể. Giảm thu đối với doanh nghiệp phát triển xanh, xây dựng thương hiệu tốt...", ông Việt nói.

Vị này cũng đánh giá, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân rất đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường cho doanh nghiệp tự tin phát triển, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là cách tổ chức thực hiện, nhanh chóng cụ thể hóa vào các điều luật. 

Trong không khí vui mừng, phấn khởi, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh - nói lần đầu tiên các nhà lãnh đạo có tầm nhìn và định vị quan trọng với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối tư nhân. Trong bối cảnh khó khăn về thương mại và xu hướng bảo hộ của các nước, tầm nhìn này càng cần được hiện thực sớm, nhanh bằng các chính sách hỗ trợ, quan tâm đến khối tư nhân mạnh mẽ hơn nữa, dù là doanh nghiệp xuất khẩu hay sản xuất nội địa.

"Tôi cho rằng sự quan tâm này phải là chủ động lắng nghe, xử lý tất cả khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải. Cùng với đó là trân trọng, trao niềm tin toàn diện cho khối doanh nghiệp tư nhân", ông Thông nêu.

Chủ tịch Phúc Sinh cũng cho biết, Việt Nam đã có một đội ngũ doanh nghiệp hơn 2,1 triệu doanh nghiệp cùng 5 triệu hộ kinh doanh, thực tế có thể còn lớn hơn. Khi Đảng, Nhà nước đã thay đổi tư duy, tầm nhìn về doanh nghiệp cùng những kỳ vọng lớn lao về khu vực kinh tế tư nhân thì cần những quyết sách lớn, có tầm vóc tương đương để khu vực kinh tế này vượt phong ba ở thị trường bên ngoài và lớn mạnh ở "sân nhà".

Tuy nhiên, ở phía doanh nghiệp, ông Thông cho rằng cơ chế sâu sát, lắng nghe, chủ động tháo gỡ đi cùng các chính sách hỗ trợ cũng không phải là "liều thuốc tiên" để ngay lập tức khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể mạnh lên. Điều này cần phải thực hiện bền bỉ, kiên trì, kiên nhẫn. 

Ông đề xuất đối với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), một chính sách tài chính hỗ trợ tổng thể cần được xem xét như hỗ trợ tín dụng ưu đãi; xem xét hỗ trợ giảm thuế TNDN, ưu đãi thuế đất để khuyến khích xây nhà máy… Ngoài ra là các gói chính sách hỗ trợ chuyên biệt hơn như ưu đãi cho khối phát triển xanh và thực hành ESG, ưu đãi chuyển đổi số…

Hơn hết, doanh nghiệp cần nỗ lực, tự thân. Bởi Chính phủ đã mở đường với 17 Hiệp định Thương mại tự do ( FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, đồng thời đàm phán 3 FTA và khung khổ kinh tế. Thị trường rộng lớn cho phép cho các doanh nghiệp chủ động đa dạng hóa và tìm kiếm nơi "cần" mình nhất; chủ động trong các đối sách để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/kinh-doanh/niem-tin-va-khat-vong-cua-doi-ngu-doanh-nhan-voi-nghi-quyet-68-20250507080202615.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm