Ninh Thuận từ lâu đã được biết đến là “xứ sở của nắng và gió” trung bình mỗi năm có hơn 2.800 giờ nắng, cường độ bức xạ mặt trời trên 230 kcal/cm²/năm và tốc độ gió trung bình 7,5 m/giây. Với lợi thế vượt trội đó, Ninh Thuận đã sớm nhận ra cơ hội để tạo nên sự khác biệt. Minh chứng cho sự chuyển mình này đó là toàn tỉnh hiện có 57 dự án NLTT đã đi vào vận hành, với tổng công suất gần 3.750MW. NLTT giờ đây không chỉ là một lĩnh vực kinh tế đơn thuần mà đã trở thành một trong những trụ cột vững chắc, tạo ra những đột phá mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Sau 5 năm gắn bó với Ninh Thuận, Tập đoàn Hà Đô đã triển khai thành công 2 nhà máy NLTT với tổng công suất 100MW. Những dự án này không chỉ tạo ra nguồn năng lượng sạch mà còn đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 40 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Với niềm tin vào tiềm năng của tỉnh, Hà Đô đang tiếp tục nghiên cứu và xúc tiến các dự án năng lượng mới, bao gồm Nhà máy điện gió Phước Hữu công suất 50MW và 2 dự án năng lượng khác. Ông Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Nhà máy Điện gió 7A, Tập đoàn Hà Đô cho biết: Sự phát triển các dự án NLTT đã đưa Ninh Thuận từ một địa phương gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, vươn mình trở thành thủ phủ năng lượng của Việt Nam. Chúng tôi rất vui vì quá trình đầu tư được tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai dự án. Với định hướng và lợi thế được đầu tư đúng trọng tâm, hiệu quả bước đầu mang lại đã khẳng định tiềm năng phát triển về NLTT của Ninh Thuận.
Đến nay, Ninh Thuận tự hào là tỉnh dẫn đầu cả nước về triển khai NLTT. Năm 2024, tổng sản lượng điện phát lên lưới đạt khoảng 8,5 tỷ kWh, trong đó lĩnh vực NLTT đóng góp khoảng 23% vào GRDP và 24% vào thu ngân sách của tỉnh. Điều này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đưa Ninh Thuận liên tục nằm trong top những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước.
Những con số ấn tượng về phát triển NLTT của tỉnh càng được minh chứng rõ nét hơn qua những đổi thay tại các địa phương, điển hình như xã Phước Minh, huyện Thuận Nam. Từ một vùng đất cằn cỗi, nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, nơi đây đã “thay da đổi thịt” nhờ 9 dự án điện mặt trời và 3 dự án điện gió. Hơn 1.070ha đất khô cằn giờ đây đã trở thành những nhà máy năng lượng xanh, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách và việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ông Nguyễn Hậu Hữu, Phó Ban Năng lượng, Công ty Cổ phần Tập đoàn năng lượng BIM cho biết: Hiện nay, tại dự án muối Quán Thẻ, Tập đoàn BIM đã tận dụng 31ha để đầu tư tổ hợp kinh tế xanh, kết hợp sản xuất muối với NLTT, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất vừa đóng góp khoảng 1 tỷ kWh điện mỗi năm cho lưới quốc gia, tạo việc làm cho 70 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Thời gian tới, BIM Group sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư hướng tới triển khai dự án tổ hợp công nghệ cao sau muối, phát huy các thế mạnh của tỉnh là ngành muối, ngành NLTT và cảng biển. Từ đó tạo ra ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ đi kèm, phù hợp với định hướng xây dựng vùng kinh tế phía Nam thành khu kinh tế cảng biển.
Với dư địa phát triển NLTT còn rất lớn, quy hoạch tỉnh tiếp tục xác định năng lượng là khâu đột phá, kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Theo Quy hoạch phát triển điện VIII đã được phê duyệt, đến năm 2030, Ninh Thuận dự kiến phát triển thêm 9.223MW điện, bao gồm các dự án trọng điểm như: LNG Cà Ná (1.500MW), thủy điện tích năng Bác Ái (1.200MW), thủy điện tích năng Phước Hòa (1.200MW), điện gió đất liền và gần bờ (554MW), cùng với tiềm năng phát triển 2.000MW điện gió ngoài khơi ở khu vực Nam Trung Bộ. Để hiện thực hóa quy hoạch này, tỉnh chủ trương khai thác hiệu quả tiềm năng nắng, gió, quỹ đất hoang hóa, hồ chứa nước lớn, hạ tầng cảng biển nước sâu và bờ biển dài để thu hút đầu tư vào điện mặt trời, điện gió ven bờ, ngoài khơi, thủy điện tích năng, điện khí LNG và các nguồn năng lượng mới như hydro, thủy triều, sinh khối... Tỉnh cũng tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng truyền tải, phụ tải điện và các ngành phụ trợ, phấn đấu đến năm 2030 nâng tổng công suất nguồn điện toàn tỉnh lên 11.800MW.
Đặc biệt, sau nhiều năm tạm dừng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được tái khởi động, nhằm đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Dự kiến, 2 Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 sẽ đi vào hoạt động trước năm 2035. Với chủ trương này, đã mở ra cơ hội để Ninh Thuận sớm trở thành thủ phủ năng lượng của Việt Nam. Hiện nay, tỉnh đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai các dự án năng lượng lớn, các dự án trọng điểm mang tầm quốc gia, sẵn sàng cho một bước tiến mạnh mẽ trong ngành công nghiệp năng lượng và hiện thực hóa mục tiêu trở thành khu kinh tế trọng điểm ven biển phía Nam của đất nước.
Với nguồn tài nguyên nắng, gió phong phú đã đưa những vùng đất hoang hóa, khô cằn bừng lên sức sống mới nhờ phát triển NLTT. Đây là hướng đi đúng, trúng đưa Ninh Thuận vươn lên từ những tiềm năng, lợi thế của mình. Với quyết tâm và khát vọng, Ninh Thuận đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, NLTT của quốc gia.
Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152928p1c30/ninh-thuan-huong-den-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-cua-ca-nuoc.htm
Bình luận (0)