Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường - cơ quan Thường trực Chương trình, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản để triển khai thực hiện Chương trình; việc phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa để thực hiện chương trình được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Qua rà soát, toàn tỉnh còn 1.913 căn cần được hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa (xây mới 1.392 căn và sửa chữa 521 căn). Đến nay, tỉnh đã thực hiện xóa 2.314 căn nhà tạm, nhà dột nát (trước khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào là 1.409 căn và từ khi phát động phong trào đến nay là 905 căn/1.931 căn, đạt 47% kế hoạch).
Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tham mưu chỉ đạo và triển khai Chương trình trong thời gian qua. Với quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/5/2025; đồng thời xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí hay tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính tiếp tục tham mưu phân bổ nguồn lực để thực hiện Chương trình bảo đảm nhanh chóng, đúng quy định, đồng thời hướng dẫn các địa phương trong việc thanh, quyết toán chương trình. Đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Chương trình, chủ trì vận động nguồn lực để hỗ trợ chương trình theo kế hoạch đề ra, tiếp tục phát huy vai trò của Tổ giám sát thi công Chương trình; các địa phương tiếp tục thành lập Tổ kiểm tra, giám sát chương trình, tổ chức triển khai đồng loạt việc xây dựng, sửa chữa nhà ở các chương trình, tiếp tục rà soát, bổ sung đối tượng thụ hưởng chương trình bảo đảm đúng đối tượng quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối tượng được bổ sung, tiếp tục huy động nguồn lực trong toàn xã hội để tham gia Chương trình; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao cơ quan Thường trực Chương trình khẩn trương tham mưu thành lập 05 Tổ theo dõi địa bàn 5 huyện (riêng thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Ninh Hải giao đồng chí Bí thư huyện/ thành ủy chịu trách nhiệm) để đôn đốc, tháo gỡ việc triển khai thực hiện Chương trình ngay từ cơ sở, tổng hợp danh sách phát sinh của các địa phương để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời, đúng đối tượng, đồng thời tổng hợp, tham mưu báo cáo định kỳ 01 tuần/lần về kết quả thực hiện Chương trình cho Trưởng Ban Chỉ đạo./.
Nguồn: https://ninhthuan.gov.vn/portal/Pages/2025-4-8/Ninh-Thuan-quyet-tam-hoan-thanh-xoa-nha-tam-nha-dos7o2if.aspx
Bình luận (0)