
Xem xét, quyết định các nội dung theo thẩm quyền về lập hiến; 44 nội dung thuộc công tác lập pháp
Trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung theo thẩm quyền về lập hiến; 44 nội dung thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 8 nhóm nội dung gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Trong đó, bổ sung 3 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, gồm: dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết 55; dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71; dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công;

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Điều chỉnh thời điểm thông qua từ “cho ý kiến” sang “xem xét, thông qua” tại Kỳ họp thứ Chín đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đối với dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trường hợp chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thì xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Bổ sung 2 nội dung theo quy định của các luật, nghị quyết có liên quan, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị của Chính phủ, gồm: Việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Dự kiến bổ sung 17 nội dung cụ thể khác như đã thể hiện trong Báo cáo số 5053 do đã có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trong đó có các nội dung đề xuất sửa đổi qua quá trình rà soát các quy định để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương chuẩn bị hồ sơ tài liệu báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi toàn diện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Đối với các nội dung còn lại, hiện nay chưa có Tờ trình đề nghị bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu gửi các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời, tiếp tục rà soát, sớm đề xuất bổ sung các nội dung thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp tổ chức bộ máy.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Tiếp tục rút ngắn tối đa thời gian trình bày tờ trình, báo cáo
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội. Qua thảo luận, các ý kiến tán thành cao với đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục rút ngắn tối đa thời gian trình bày tờ trình, báo cáo; không bố trí trình bày các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024, chỉ bố trí thảo luận lồng ghép với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước đối với 2 nội dung trên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng kể từ Kỳ họp thứ Chín trở đi sẽ không bố trí trình bày các báo cáo thẩm tra; rút ngắn thời gian trình bày các tờ trình nhằm tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp.
Cho biết đến nay hầu như các hồ sơ tài liệu dự án Luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ sắp xếp tinh gọn bộ máy chưa gửi đến các cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ Chín là khổng lồ, nhiệm vụ rất nặng nề, do đó, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần tích cực chuẩn bị tài liệu, gửi sớm đến các cơ quan của Quốc hội để tiến hành thẩm tra.
Đối với 5 nội dung dự kiến đưa ra khỏi chương trình Kỳ họp gồm: dự án Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Cấp, thoát nước; dự án Luật Phá sản (sửa đổi); dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhất trí với đề nghị của các cơ quan theo lĩnh vực phụ trách; đề nghị phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình lập pháp đối với các nội dung đề nghị.
Đối với dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ sớm có văn bản làm rõ lý do đề nghị rút nội dung này khỏi Chương trình Kỳ họp thứ Chín và có hướng điều chỉnh chương trình cho phù hợp. Qua phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy đây là dự án Luật liên quan đến việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy, phát triển đô thị, nếu chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới thì cần có văn bản đề nghị.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự kiến chương trình và cách thức tiến hành Kỳ họp thứ Chín theo hướng: báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để triệu tập Kỳ họp chậm nhất vào ngày 5.4.2025; khai mạc Kỳ họp vào ngày 5.5.2025; Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội; Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, có thời gian nghỉ giữa 2 đợt để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục cập nhật, hoàn thiện dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 4.2025.
Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp theo hướng: bảo đảm việc triển khai các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhất trí nội dung và cách thức tiến hành đối với việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội.
Tiếp tục rút ngắn tối đa thời gian trình bày tờ trình, báo cáo như đã thực hiện tại Kỳ họp thứ Tám (trừ các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp); không bố trí thời gian trình bày báo cáo thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết (trừ các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước) và sẽ báo cáo Quốc hội về vấn đề này tại phiên họp trù bị (trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp).
Không bố trí thời gian trình bày các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024, chỉ bố trí thảo luận lồng ghép với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; thời gian chất vấn và trả lời chất vấn 1,5 ngày…
Do Kỳ họp khai mạc sớm hơn thường lệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu các nội dung Kỳ họp, nhất là các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau Kỳ họp, bảo đảm đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời để đại biểu Quốc hội, cử tri hiểu rõ, đồng thuận với các quyết sách của Quốc hội.
Giao Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khẩn trương chuẩn bị các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách, gửi Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tổng hợp, chuẩn bị văn bản báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về các dự án, dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp.
Giao Ủy ban Giám sát và Dân nguyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tăng cường rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp ngay tại cơ sở để hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Giao Văn phòng Quốc hội tiếp tục rà soát, hoàn thiện công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn... để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/no-luc-quyet-tam-cao-nhat-hoan-thien-ho-so-tai-lieu-cac-noi-dung-ky-hop-post408881.html
Bình luận (0)