Rực rỡ những ngày tháng tư lịch sử
Buổi sơ duyệt cấp nhà nước cho chương trình diễu binh, diễu hành - hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025) - diễn ra tối 25.4 đã để lại những cảm xúc vô cùng đặc biệt cho người dân TP.HCM. Dù đã là buổi hợp luyện thứ 3 nhưng đây là lần đầu tiên đoàn diễu binh, diễu hành hợp luyện dưới khán đài đã lấp đầy chỗ trống và đi qua các tuyến đường giữa hàng vạn người dân cờ hoa rực rỡ, nhiệt liệt chào mừng. Điểm đặc biệt của diễu binh lần này có sự tham gia của quân đội Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các nước tham dự diễu binh đại lễ 30.4 theo lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Hình ảnh sơ duyệt diễu binh trên đường Lê Duẩn tối 25.4
ẢNH: NHẬT THỊNH
Bất chấp cái nắng giữa những ngày nóng khô đỉnh điểm của TP.HCM, hàng chục ngàn người đã có mặt từ trước giờ sơ duyệt 5 - 6 tiếng, lấp kín các tuyến đường xung quanh Dinh Độc Lập.
Khu vực trung tâm TP.HCM thật sự biến thành "chảo lửa", không chỉ vì sức nóng của thời tiết mà còn bởi màu cờ đỏ rực rỡ của tất cả mọi người. Những chiếc áo phông, nón lá in hình cờ đỏ sao vàng; những lá cờ cầm tay tung bay phấp phới; lightstick (que phát sáng) rực rỡ; những chàng trai, cô gái vẽ hình cờ lên má, lên trán… buổi sơ duyệt diễn ra trong khí thế đầy tự hào và xúc động.
Không chỉ các bạn trẻ hào hứng tham dự "concert quốc gia" đã "rần rần" trên các trang mạng xã hội suốt vài tuần qua, rất nhiều các cô chú, các cụ ông, cụ bà lớn tuổi hay những em nhỏ còn đang trên ghế trường tiểu học cũng đã không ngại có mặt từ rất sớm, chen giữa dòng người đông như nêm để được tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc vô cùng đặc biệt.
Hình ảnh sơ duyệt diễu binh trên đường Lê Duẩn tối 25.4
ẢNH: NHẬT THỊNH
Đồ Họa: Tuấn Anh
Có mặt tại khu vực nhà thờ Đức Bà chiều 25.4, rất nhiều người ấn tượng với một cụ bà khoảng ngoài 80 tuổi, ngồi xe lăn, mặc bộ quần áo đỏ rực rỡ, trên đầu đội nón lá in hình cờ đỏ sao vàng. Đẩy xe cho cụ là người thân cũng mặc đồng phục áo phông in cờ Tổ quốc. Cụ bà tên Phạm Thị Thuận, 83 tuổi, mới từ Thanh Hóa vào TP.HCM để cùng con cháu đón đại lễ 30.4. Từng là thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ, nên bà Thuận rất mong chờ được xem lễ diễu binh, diễu hành. Mặc dù thời tiết nắng nóng, người đông như nêm, nhưng cụ Thuận vẫn rất vui tươi, khỏe khoắn, hồi hộp chờ tới thời điểm được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ, quân nhân tham gia hợp luyện.
"Ở đây có rất nhiều các bạn trẻ. Tôi rất mừng khi thấy các bạn cũng trông ngóng, hướng về lịch sử dân tộc để cùng tự hào như thế hệ chúng tôi", cụ Phạm Thị Thuận chia sẻ.
Tương tự, cô N.N.Thao (ngụ TP.Thủ Đức) đã gần 60 tuổi nhưng vẫn đầy hào hứng lên kế hoạch đi xem sơ duyệt hợp luyện. Dù biết sẽ nắng nóng, sẽ đông đúc, sẽ phải chen lấn nhưng tất cả những khó khăn đó không ngăn được niềm háo hức của cô Thao đối với lễ diễu binh, diễu hành chưa từng có trong lịch sử. "50 năm mới có một lần, nắng nóng tí có sá gì? Biết bao giờ mới được chứng kiến sự kiện lớn như vậy nữa", cô N.N.Thao nói.
Hình ảnh sơ duyệt diễu binh trên đường Lê Duẩn tối 25.4
ẢNH: NHẬT THỊNH
Khoảng 18 giờ 45, cơn mưa nặng hạt trút xuống trung tâm TP.HCM nhưng cũng không làm "hạ nhiệt" tinh thần của mọi người mà trái lại, hình ảnh vạn người dân từ cụ già tới trẻ nhỏ đội mưa dõi theo từng nhịp bước chân của các khối diễu binh, diễu hành đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng xúc động.
Quần áo ướt sũng, mặt mũi lấm lem nhưng vẫn cầm chắc lá cờ Tổ quốc trong tay, Hoàng Bảo An (11 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) vừa quệt nước mưa trên mặt vừa nói: "Các chú bộ đội đứng dưới mưa còn không được lấy tay che như cháu, còn mặc quần áo dày hơn cháu, cũng không được đi dép như cháu, chắc nước sũng trong giầy rồi. Vậy mà các chú vẫn duyệt binh được, thì cháu cũng phải đứng xem được. Cháu chưa từng được trải nghiệm không khí như thế này bao giờ. Mẹ bảo đi xem sơ duyệt vì sợ sáng 30.4 không dậy sớm được nhưng cháu sẽ dậy sớm đi nữa. Ngày lễ chính thức chắc chắn sẽ còn tuyệt hơn rất nhiều".
Rộn ràng về thành phố mang tên Bác
Không chỉ người dân TP, những du khách đến từ mọi miền Tổ quốc cũng đã bắt đầu rục rịch di chuyển về TP mang tên Bác để sẵn sàng dự đại lễ.
Vừa đáp chuyến bay từ Tuy Hòa đến TP.HCM chiều muộn hôm qua (26.4), chị Trần Mỹ Yến (quê Phú Yên) đã có hẹn với "Hội những người con Phú Yên ở Sài Gòn" để lên kế hoạch chi tiết cho những ngày đại lễ. Chuyến đi này đã được chị Yến chuẩn bị từ hơn 1 tháng trước, khi những buổi luyện tập diễu binh chính thức bắt đầu. Đã từng học và làm việc ở TP.HCM khoảng 5 năm, nhưng từ khi về quê Phú Yên lập nghiệp thì đến nay đã gần 6 năm, chị Yến chưa trở lại TP.
TP.HCM bắn pháo hoa, trình diễn drone, 3D Mapping tối 26.4
ẢNH: NHẬT THỊNH
"Từ hôm qua đến giờ, đi tới đâu cũng cờ hoa rực rỡ. Những nhà hàng, quán ăn, quán cafe nơi chúng tôi tới, đâu đâu cũng trang trí cờ hoa và có chương trình khuyến mãi mừng đại lễ. Đường sá vẫn đông đúc nhưng cảm nhận rõ không khí hào hùng, nô nức đang bủa vây khắp nơi. Lần trở lại này thực sự rất ấn tượng với tôi", chị Mỹ Yến chia sẻ.
Theo ghi nhận của Sở Du lịch TP.HCM, những ngày qua, lượng khách đến TP bắt đầu tăng mạnh. TP hiện có hơn 3.200 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, trong đó có hơn 130 khách sạn từ 1 - 5 sao với khoảng 55.000 buồng, phòng. Hiện các khách sạn tại Q.1, Q.4, khu vực Bến Nhà Rồng - nơi tập trung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, diễu binh diễu hành, bắn pháo hoa, các lễ hội ánh sáng, ẩm thực.... đã đạt công suất phòng lên tới 95 - 100%. Ngành du lịch TP dự kiến trong dịp lễ 30.4 sẽ có khoảng 1,2 - 1,4 triệu du khách đến TP.HCM. Sở Du lịch đã và đang tiếp tục phối hợp các quận huyện để cập nhật địa chỉ lưu trú dành cho du khách. Công suất phòng tại TP.HCM hiện vẫn còn nhiều, đảm bảo cho du khách đến TP vui chơi, nghỉ lễ trong dịp cao điểm 30.4 này.
Trình diễn công nghệ 3D Mapping trụ sở HĐND - UBND TP.HCM
ẢNH: PHẠM HỮU
Saigontourist Group là đơn vị được giao đảm trách công tác hậu cần trước, trong và sau lễ đã chuẩn bị hơn 800 phòng nghỉ chất lượng cao tại các khách sạn 4 - 5 sao. Các khách sạn này được thiết kế, trang hoàng để trở thành địa điểm trang trọng diễn ra chương trình đón tiếp, tri ân với nghĩa tình của TP cùng với các dịch vụ hậu mãi, các thực đơn gồm những món ngon ba miền. Đơn vị này cũng xây dựng nhiều chương trình tham quan ý nghĩa chào mừng và phục vụ đại biểu từ mọi miền đất nước, bao gồm tour về nguồn thăm lại chiến khu Rừng Sác (H.Cần Giờ), thăm chiến trường xưa địa đạo Củ Chi và tour trải nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hiện đại và các địa điểm, di tích lịch sử tại TP.HCM…
"Bữa đại tiệc" mà TP.HCM chiêu đãi tất cả người dân và du khách đến dịp đại lễ có rất nhiều hoạt động văn hóa, lịch sử đặc sắc như: trình diễn ánh sáng, biểu diễn nhạc giao hưởng - hợp xướng, đờn ca tài tử... tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực công viên Bến Bạch Đằng (đoạn từ cầu Ba Son đến Bến Nhà Rồng); các hoạt động biểu diễn văn nghệ đường phố như xiếc, ảo thuật, hát bội, võ thuật, nhạc kèn, thuyền hoa trên sông Sài Gòn; diễu hành tàu du lịch, đờn ca tài tử trên sông Sài Gòn, các chương trình thể thao dưới nước, trình diễn thuyền buồm sailing, trình diễn bay bằng phản lực nước, lướt ván flyboard và dù lượn… Tối 30.4, từ 21 - 21 giờ 15, TP.HCM sẽ bắn pháo hoa tại 30 điểm (2 điểm tầm cao và 28 điểm tầm thấp) tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Bầu không khí hào hùng và náo nức đang tràn ngập khắp TP.HCM cũng như trên cả nước. Tất cả đều đang hướng về đại lễ 30.4 - dấu mốc lịch sử tri ân quá khứ, hướng tới tương lai vươn mình của dân tộc.
Huy động xe bọc thép bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất
Trong dịp cao điểm 30.4 - 1.5, các cảng hàng không, sân bay sẽ thực hiện áp dụng kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1. Là cảng hàng không có số lượng chuyến bay phục vụ cao nhất cả nước, Cảng Tân Sơn Nhất là một trong những "điểm nóng" được cơ quan chức năng đặc biệt lưu ý vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn.
Bên cạnh việc tăng cường nhân lực, xe bọc thép được điều động tăng cường và hiện đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), các loại xe chuyên dụng như xe bọc thép được điều động nằm trong kế hoạch áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay... trong dịp lễ 30.4 - 1.5. Thời gian áp dụng từ 26.4 (thứ bảy) đến hết 4.5 (chủ nhật). Trong thời gian áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp 1, lực lượng an ninh hàng không sẽ thực hiện bổ sung một số biện pháp như: tăng tần suất tuần tra khu vực công cộng, tăng cường kiểm soát ra/vào khu vực hạn chế, tăng cường soi chiếu đối với hành khách...
Chặng bay kín chỗ, giá vé "bỏng tay"
Theo thông tin từ Cục Hàng không, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dịp lễ 30.4 - 1.5, số lượng các chuyến bay cất hạ cánh nội địa ngày cao điểm nhất dự kiến có 520 lượt (tăng 35% so với cùng kỳ 2024), phục vụ 95.000 hành khách (tăng 35% so với cùng kỳ 2024). Sân bay Tân Sơn Nhất đã có kế hoạch sẽ tăng "slot" lên 46 chuyến/giờ với khung giờ từ 6 - 23 giờ, 36 chuyến/giờ với khung giờ từ 0 - 5 giờ trong dịp cao điểm này.
Khảo sát sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, nhiều chặng bay nội địa dù giá vé cao nhưng luôn trong trình trạng kín chỗ hoặc chỉ còn rất ít chỗ trống. Giá vé máy bay "nóng bỏng tay", đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé của Vietnam Airlines và Vietjet dao động từ 3,6 - 3,7 triệu đồng/chiều hạng phổ thông. Bamboo Airways có mức giá từ 2,5 - 3,4 triệu đồng/chiều.
Tăng chuyến metro, miễn phí vé xe buýt
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp lễ, ngành giao thông TP.HCM triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Các bến xe được yêu cầu tăng hơn 6.680 chuyến, đồng thời cấp thêm 600 phù hiệu xe tăng cường cho các tuyến có nhu cầu lớn; Trung tâm Quản lý giao thông công cộng điều chỉnh biểu đồ chạy tàu metro trong dịp lễ và dự kiến tăng tần suất khai thác từ 200 lên 240 chuyến/ngày, giãn cách từ 8 - 10 - 12 phút/chuyến (tùy vào khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm) với 9 đoàn tàu vận hành để phục vụ khoảng 120.000 lượt khách/ngày.
Trung tâm cũng điều chỉnh các tuyến xe buýt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất như tuyến số 109 tăng mạnh từ 42 lên 110 chuyến/ngày để phục vụ du khách đến TP.HCM dịp lễ. Đặc biệt,133 tuyến xe buýt bao gồm hoạt động trong TP và liên tỉnh sẽ miễn vé cho khách đi ngày 30.4, mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Gửi xe ở đâu đi xem các sự kiện ở trung tâm TP.HCM ?
Nhiều điểm gửi xe nằm trong bán kính khoảng 1 km từ khu vực tổ chức sơ duyệt, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đi bộ đến địa điểm xem diễu binh, diễu hành. Một số địa điểm gửi xe gợi ý:
- Nhà văn hóa Thanh niên TP (33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1).
- Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (65 Huỳnh Thúc Kháng, Q.1).
- Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư (2 Đinh Tiên Hoàng, Q.1).
- Thảo cầm viên Sài Gòn (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1).
- Công viên Tao Đàn (đường Trương Định, Q.1).
- Công viên 23 Tháng 9 (đường Phạm Ngũ Lão, Q.1).
- Vincom Center Đồng Khởi (72 Lê Thánh Tôn, Q.1): Hầm giữ xe hiện đại, gần trung tâm sự kiện.
- Takashimaya - Saigon Centre (65 Lê Lợi, Q.1).
- Diamond Plaza (34 Lê Duẩn, Q.1).
- Saigon Centre (65 Lê Lợi, Q.1).
- Sau lưng Nhà hát Thành phố (7-9 Lam Sơn, Q.1).
- Bãi xe hồ Con Rùa (Q.3).
Người dân đi từ khu vực TP.Thủ Đức có thể đến gửi xe máy tại các nhà ga metro như: Thủ Đức, Rạch Chiếc, Long Bình hay Thảo Điền, rồi di chuyển bằng metro đến các ga Văn Thánh, Tân Cảng. Sau đó, đi bộ đến các điểm có lắp đặt màn hình lớn hoặc đứng ngoài khu vực cấm để xem.
Nguồn: https://thanhnien.vn/no-nuc-huong-ve-dai-le-18525042623360236.htm
Bình luận (0)