Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân Đắk Nông thu quả ngọt từ cây ăn quả

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang cây ăn quả, nhiều nông dân Đắk Nông tạo được nguồn thu nhập cao, sản xuất bền vững.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông20/05/2025

Từ những diện tích cà phê già cỗi, hiệu quả thấp, gia đình bà Hoàng Thị Lý, ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã chuyển đổi sang trồng vải. Với 500 gốc vải, gia đình bà chăm sóc bài bản theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật và hệ thống tưới hiện đại.

dsc03116(1).jpg
Vườn vải đang cho thu hoạch của gia đình bà Hoàng Thị Lý, ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông)

Vườn vải đã cho thu hoạch nhiều năm, riêng năm nay được mùa, mỗi cây cho thu hoạch gần 1 tạ quả. Hiện nay, giá vải khoảng 40.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với những năm trước, giúp gia đình bà có nguồn thu cao.

Bà Lý cho biết, cây vải phù hợp với khí hậu và vùng đất địa phương. Vải có năm được mùa, năm không, nhưng nếu so với cây trồng khác thì hiệu quả vẫn cao hơn hẳn.

Tương tự, việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng của ông Nguyễn Văn Bình ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp đang cho thấy hướng đi bền vững.

Ông Bình có 4ha đất, trồng thuần khoảng 600 cây sầu riêng và hiện đã cho thu hoạch. Vườn sầu riêng của ông Bình đạt năng suất khoảng 80 tấn/năm. Giá bán dao động từ 80.000 - 110.000 đồng/kg, mang về thu nhập khoảng 8 tỷ đồng mỗi năm.

dsc03147(1).jpg
Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Bình, cũng ở xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho thu hoạch bình quân 80 tấn quả/năm

Để đạt được hiệu quả kinh tế, ông Bình chú trọng quy trình canh tác sạch, có ghi chép đầy đủ, phân lô rõ ràng và áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái chín sớm nhằm bán được giá cao. Năm 2023, vườn sầu riêng của ông đã được cấp mã số vùng trồng, điều kiện cần để hướng đến thị trường xuất khẩu.

Ông Bình chia sẻ: "So với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu thì sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Nhờ sầu riêng mà gia đình tôi có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, đời sống khấm khá hơn trước rất nhiều".

dji_0468(1).jpg
Đắk Nông có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả

Đắk Nông có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả. Nắm bắt lợi thế này, nhiều nông dân đã xây dựng các mô hình cây ăn quả quy mô lớn.

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 20.000ha cây ăn quả, tập trung ở hầu hết các địa phương, nhất là các địa bàn như Đắk R’lấp, Đắk Song, Krông Nô và Gia Nghĩa.

Những mô hình vườn cây ăn quả quy mô lớn đang dần thay đổi diện mạo nông nghiệp Đắk Nông. Các loại cây ăn quả có giá trị cao như sầu riêng, vải, nhãn, dưa lưới… đều được chuyển đổi từ những vườn cà phê, hồ tiêu, cao su kém hiệu quả.

Cây ăn quả mang lại nguồn thu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cây ăn quả, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã đồng hành với nông dân thông qua tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng.

Nhiều địa phương đã hình thành các HTX, THT canh tác sầu riêng, vải, dưa lưới… nhằm chia sẻ kinh nghiệm và liên kết đầu ra. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm cây ăn quả Đắk Nông hướng đến thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả cần đi kèm với liên kết sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo THT, HTX, áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ… để bảo đảm phát triển ổn định, bền vững và phù hợp với xu thế của thị trường.

Thực tế cho thấy, cây ăn quả không còn là sự lựa chọn thử nghiệm mà đã trở thành hướng đi chiến lược, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh Đắk Nông.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi thị trường đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc, việc phát triển cây ăn quả bài bản, có quy hoạch, có mã vùng trồng sẽ là “chìa khóa vàng” giúp nông sản Đắk Nông khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị.

Từ nay đến năm 2030, Đắk Nông chuyển đổi trên 8.557ha với 4 cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều không thích nghi hoặc ít thích nghi sang trồng các cây trồng khác, chủ yếu là cây ăn quả. Trong đó, đến năm 2025, tỉnh thực hiện chuyển đổi trên 2.860ha, đến năm 2030 chuyển đổi tiếp 5.696ha.

Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-thu-qua-ngot-tu-cay-an-qua-253051.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm