Sau Tết, thành viên Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Giao Hà (huyện Giao Thủy, Nam Định) thắng lớn khi những cây bắp cải "khổng lồ" trồng hữu cơ, bên ngoài xanh mơn mởn, bên trong trắng nõn nà, trọng lượng từ 3kg trở lên được thương lái "ưng ý", "xuống tiền mua cả ruộng".
Bắp cải trồng theo kiểu Nhật Bản, rau xanh mướt, sạch sâu bệnh
Cuối tháng 2, dưới tiết trời lớt phớt mưa xuân, kèm cái rét tê tái ở Giao Thủy - huyện miền biển của tỉnh Nam Định, những thành viên của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Giao Hà mừng rỡ ra đồng thu hoạch bắp cải. Thương lái cũng vui vì mua được những cây rau bắp cải "khổng lồ", đẹp, đều chằn chặn, đặc biệt là không có sâu bệnh.
Lúc chúng tôi đến, ông Phạm Văn Huấn cũng vừa cắt bán gần 2 tạ rau bắp cải cho thương lái chở đi tiêu thụ. Lão nông gần 60 tuổi này cười tươi, bảo: "Vụ bắp cải này gia đình thắng lớn khi dự kiến tổng sản lượng trên 10 tấn, thu trên 200 triệu đồng".
Với tổng diện tích 1,5 ha, vợ chồng ông Huấn dành 1 ha để trồng bắp cải 3 vụ, 1 vụ trồng xen dưa lê, còn lại đào ao thả nuôi cá trắm cỏ.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) kiểm tra mô hình trồng rau bắp cải của gia đình ông Phạm Văn Huấn - thành viên Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Giao Hà, huyện Giao Thủy (Nam Định), ngày 20/2. Ảnh: Minh Ngọc
Vụ này sản lượng bắp cải tăng lên đáng kể, còn sâu bệnh thì đã được kiểm soát triệt để. Kết quả này đến từ việc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Giao Hà được tham gia vào dự án "Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam" do tổ chức quốc tế JICA (Nhật Bản) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ từ năm 2023.
Khi tham gia, ông Huấn cùng các thành viên khác của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Giao Hà được hỗ trợ về kinh phí kỹ thuật, học cách tiếp cận sản xuất và tiếp thị cây trồng an toàn do JICA giới thiệu.
Trước đây, ông Huấn và nhiều nông dân vẫn thường xuyên sử dụng phân bón vô cơ, rồi hễ thấy sâu bệnh thì phun thuốc, dẫn đến đất bị cứng, bạc màu, năng suất không những không cao mà còn tốn thêm nhiều chi phí, đặc biệt, gây hại đến sức khỏe do tiếp xúc trực tiếp với phân hóa học, thuốc BVTV.
Tuy nhiên, từ khi tham gia dự án, những luống cải bắp của ông và các thành viên Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Giao Hà đã xanh mướt trở lại, đất tơi xốp, sạch bệnh. Ông chia sẻ: "Sau khi được các chuyên gia Nhật Bản và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn cách ủ phân bón hữu cơ, phun thuốc sinh học, rau luôn xanh mơn mởn, sản lương tăng, mỗi cây bắp cải có trọng lượng từ 3kg trở lên, chúng tôi mừng lắm".
Cùng đoàn chuyên gia của JICA trực tiếp đến thị sát mô hình tại hộ ông Huấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đã bổ đôi cây bắp cải để kiểm tra. Cây bắp cải bên ngoài màu ngoài xanh mướt, bên trong trắng nõn nà, không hề có dấu hiệu lốm đốm của sâu ăn lá.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bổ đôi cây bắp cải để kiểm tra sâu bệnh. Ảnh: Minh Ngọc
"Bí thư, Chủ tịch UBND xã cũng phải đi bán hàng"
Trao đổi với Dân Việt, ông Phùng Văn Cường - Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Giao Hà cho biết, vùng sản xuất của Hợp tác xã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn. Diện tích sản xuất an toàn là 6,48 ha. Sản phẩm chủ yếu là bắp cải, su hào, súp lơ và dưa lê. Các hộ nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất rau, quả an toàn, được tập huấn đầy đủ về sản xuất theo quy trình VietGAP và áp dụng hiệu quả vào sản xuất. Sản phẩm rau của HTX được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và độ an toàn.
Ngoài tham gia dự án của JICA và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ, các thành viên HTX cũng thường xuyên được tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP và tham gia các chuyến tham quan học tập các HTX tiên tiến để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Dự án "Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam" do tổ chức quốc tế JICA (Nhật Bản) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Giao Hà từ năm 2023 đã giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới những sản phẩm sạch, an toàn. Ảnh: Minh Ngọc
Hiện nay, HTX đã hình thành nhóm tổ chức sản xuất và bán hàng tập trung gồm 11 thành viên. Bên cạnh đó, có nhóm giám sát nội bộ, thường xuyên giám sát sự tuân thủ quy trình sản xuất quả của các hộ.
Ông Cường cũng bày tỏ trăn trở khi sản phẩm của HTX chưa ổn định và còn phụ thuộc vào thương lái. Vì vậy, HTX mong muốn được hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, nhà phân phối, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, bếp ăn tập thể, các đơn vị chế biến và xuất khẩu.
Tại buổi làm việc với Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Giao Hà và lãnh đạo xã Giao Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho hay, nếu như chúng ta chỉ làm rau theo phương pháp thông thường thì không thể nào cạnh tranh được. Bây giờ phải làm rau sạch, theo tiêu chuẩn, đặc biệt, làm rau hữu cơ.
Theo ông Thanh, nếu không kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ thì rau sẽ "không bao giờ sạch". Dự án này sẽ giúp bà con tạo ra những sản phẩm "biết nói", bằng cách hàng ngày chúng ta ghi chép, chăm sóc và sản phẩm đó sẽ thể hiện đúng giá trị mà nó đem lại.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng ông Phạm Văn Huấn bên cây bắp cải "khổng lồ", nặng hơn 3 kg được trồng hữu cơ. Ảnh: Minh Ngọc
"Hiện nay, chỉ sợ chúng ta không có sản phẩm sạch chứ thị trường tiêu thụ không thiếu... nhưng sản phẩm mà không biết nói, không sạch thì chắc chắn không ai mua", ông Thanh nói và cho biết thời gian tới JICA sẽ hỗ trợ và hướng dẫn các HTX tham gia dự án có thể đưa sản phẩm vào một số hệ thống siêu thị của Nhật Bản.
Ông Thanh cho rằng, khi sản phẩm của chúng ta được những thị trường "khó tính" chấp nhận thì chúng ta phải đảm bảo "rất sạch, rất tốt". Đồng thời, phải lưu ý đến thương hiệu, logo, nhãn mác.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay, ngày từ bây giờ, Giám đốc của HTX phải chịu khó lên đường tìm kiếm thị trường, sách cặp đi bán hàng, còn việc sản xuất là của bà con. Kể cả Bí thư, Chủ tịch UBND xã cũng phải đi "bán hàng, quảng cáo", giới thiệu sản phẩm.
Dự án "Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam" sẽ thực hiện trong thời gian 4 năm (2022 – 2026) tại 39 HTX của Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Sơn La.
Khi tham gia dự án, các HTX sẽ được nhóm chuyên gia JICA đào tạo tập huấn ToT, đào tạo tập huấn ToF, hội thảo/tọa đàm nâng cao nhận thức… Các chuyên gia JICA thường xuyên làm việc trực tiếp với các HTX mục tiêu, nhằm xác định những vấn đề tồn đọng, khó khăn và đưa ra giải pháp cho các HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-nam-dinh-trong-bap-cai-khong-lo-theo-kieu-nhat-ban-thuong-lai-xuong-tien-mua-ca-ruong-20250221212309934.htm
Bình luận (0)