Quảng Ninh ngay sau khi hòa bình lập lại đã khẩn trương phục hồi sản xuất, trong đó rà soát, cải cách ruộng đất, xây dựng hệ thống thủy lợi, khai hoang phục hóa hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp. Đến năm 1960, diện tích gieo trồng toàn tỉnh tăng hơn 9.000ha so với năm 1955; sản lượng lương thực tăng từ 43.869 tấn lên 72.507 tấn.
Trong thời kỳ đổi mới, Quảng Ninh đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển từ sản xuất tự cung sang sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, Chỉ thị 100-CT/TW và khoán sản phẩm đến hộ dân đã khơi dậy động lực phát triển, đưa sản lượng lương thực vượt 100.000 tấn từ năm 1985. Từ năm 2016-2020, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh tăng trưởng ổn định, sản lượng thủy sản đạt 130.000 tấn/năm, tỷ lệ che phủ rừng trên 55%, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Giai đoạn 2021 đến nay, thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh mẽ, ngành vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng. Tỉnh tích cực triển khai chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3,62%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2025 ước đạt 100%; đến hết năm 2024, đã có 91/91 xã đạt chuẩn NTM, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch; 54/91 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 25/91 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13/13 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 5/7 huyện đạt các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023… Đặc biệt, năm 2024, mặc dù bị ảnh hưởng bởi bão Yagi khiến tỷ lệ che phủ rừng tạm thời giảm từ 55% xuống 45%, nhưng tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng ngành Nông nghiệp ở mức 3,62%, tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ cho kinh tế nông thôn.
Ông Lê Thanh Phong, nguyên Trạm trưởng Trạm quản lý đầu mối Yên Lập, Viện Trưởng viện thiết kế Ty thủy lợi Quảng Ninh (85 tuổi) cho biết: Tôi tham gia kháng chiến và bắt đầu về công tác trong ngành thủy lợi từ những năm 1975. Những năm đầu sau giải phóng, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà gần như bắt đầu từ con số không. Đất đai manh mún, hạ tầng thủy lợi chưa có gì đáng kể, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đến nay, tôi thực sự ấn tượng với cách mà tỉnh Quảng Ninh đã định hướng lại toàn bộ ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Đấy là thành quả của cả một quá trình đổi mới tư duy, chính sách, và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng người dân. Tôi tin, ngành nông nghiệp Quảng Ninh tiếp tục có những bước tiến bộ vượt bậc, hiện đại hơn nữa, đáp ứng được các nhiệm vụ phát triển trong thời kỳ mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030 tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, với cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 3-4% GRDP toàn tỉnh; tăng trưởng đạt 3-4%/năm; sản lượng thủy sản trên 320.000 tấn/năm, trong đó nuôi trồng chiếm 75%; trồng mới 12.500ha rừng/năm; đảm bảo 100% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh…
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Thời gian tới, Sở tập trung triển khai sâu rộng Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp và môi trường, từ đó tạo ra các giá trị mới, nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng nhanh và bền vững, lấy đây là động lực chiến lược để đưa Quảng Ninh trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, hướng tới vai trò trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; tăng cường việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; triển khai các đề án trọng điểm như phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao an toàn đê điều, quan trắc môi trường, chuyển đổi số toàn diện ngành Nông nghiệp…
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nong-nghiep-phat-huy-vai-tro-tru-do-cho-kinh-te-nong-thon-3355323.html
Bình luận (0)