Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông sản an toàn - tiềm năng và thách thức

Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân Thái Nguyên đã chú trọng đầu tư cho sản xuất sạch để tạo ra sản phẩm an toàn. Với trên 5.900ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, 120ha chè hữu cơ; trên 1.030ha cây ăn quả và 179 trang trại, cơ sở chăn nuôi sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… Thái Nguyên đang có nguồn nông sản an toàn khá dồi dào. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn còn là một thách thức lớn, nhất là việc đưa nông sản an toàn lên sàn thương mại điện tử.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên08/05/2025

Hướng dẫn người dân livestream bán háng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp cũng là giải pháp để Thái Nguyên đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử.
Hướng dẫn người dân livestream bán háng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp cũng là giải pháp để Thái Nguyên đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử.

Sản xuất an toàn được đẩy mạnh

Đến nay, trong số 22.200ha chè của Thái Nguyên có khoảng 26% diện tích đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; gần 6% diện tích hữu cơ. Với năng suất bình quân đạt 127 tạ/ha, mỗi năm, toàn tỉnh thu trên 764,5 nghìn tấn chè búp tươi.

Đó là chưa kể hầu hết diện tích chè sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tương đương (khoảng 17.800ha), tạo ra nguồn nguyên liệu “khủng” phục vụ sản xuất trà an toàn.

Ngoài cây chè, diện tích sản xuất rau xanh, quả theo hướng an toàn cũng tăng khoảng 30% so với 5 năm trước. Thái Nguyên đã phát triển một số vùng sản xuất rau tập trung, theo hướng an toàn với tổng diện tích 1.220ha; trên 1.030ha cây ăn quả sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…

Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: 5 năm trở lại đây, diện tích sản xuất cây trồng theo hướng an toàn ngày càng được nâng lên, đồng nghĩa với việc sản lượng nông sản “sạch” cung cấp ra thị trường ngày càng lớn hơn.

Quy trình sản xuất an toàn cũng được đẩy mạnh trong chăn nuôi, ngoài 179 trang trại, cơ sở chăn nuôi VietGAP, trên địa bàn tỉnh còn có 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 1.200 trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh: Mỗi năm, Thái Nguyên cung cấp cho thị trường hơn 230 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó sản lượng thịt từ các trang trại chăn nuôi an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP chiếm khoảng 45%.

Với nguồn cung cấp nông sản an toàn khá dồi dào, Thái Nguyên hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường cả về số lượng, chất lượng.

Ứng dụng công nghệ trong kết nối, tiêu thụ

Có thể thấy, các cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ đã tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, để nông sản “sạch” đến được với người tiêu dùng, tỉnh đã ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay: Đến nay, cơ bản các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử của C-ThaiNguyen, Vỏ sò (voso.vn), PostMart (postmart.vn)…

Không chỉ tổ chức tập huấn, các cấp, ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ bà con đưa sản phẩm nông sản an toàn lên sàn Potsmart và sàn Vỏ sò; hỗ trợ nhiều hộ sản xuất nông nghiệp mở gian hàng và bán thành công hàng trăm tấn sản phẩm trên sản giao dịch TMĐT...

Hiện, Thái Nguyên đã có hơn 160 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản và đưa lên các sàn TMĐT với trên 2.000 sản phẩm nông nghiệp.

Thông qua sàn TMĐT, doanh số bán hàng của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân trong tỉnh đã tăng từ 20-50%, doanh thu bán hàng qua mạng và sàn TMĐT chiếm 30%.

Lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra chất lượng nông sản được bày bán tại các siêu thị.
Lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra chất lượng nông sản được bày bán tại các siêu thị.

Thách thức đặt ra

Việc đưa nông sản Thái Nguyên lên sàn TMĐT đã mở ra hướng đi nhiều triển vọng, chắp cánh cho các sản phẩm “bay” xa đến với nhiều thị trường cả trong và ngoài nước.

Dù vậy, để việc tiêu thụ sản phẩm qua không gian mạng đạt kết quả cao nhất vẫn đang gặp không ít thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của nhà quản lý và cả người sản xuất, kinh doanh.

Trên thực tế, hàng hóa của Thái Nguyên được đưa lên bán trên sàn TMĐT hầu hết là sản phẩm khô, có hạn sử dụng (chè, mỳ gạo, miễn…), còn rau củ tươi, quả, sản phẩm có điều kiện về bảo quản cơ bản chưa thực hiện được.

Hơn nữa, việc vận chuyển, bảo quản nông sản tươi, đã chế biến bảo quản đông lạnh đến tay người tiêu dùng (rau, củ, quả, thịt động vật…) vẫn rất khó khăn do không thể vận chuyển qua đường bưu chính của đơn vị chủ sàn giao dịch.

Bởi vậy, để nông sản Thái Nguyên được tiêu thụ mạnh hơn nữa, các cấp, ngành chức năng cần mở thêm các sàn giao dịch TMĐT; có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp.

Đặc biệt là quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn và hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới phương thức mua và bán trên sàn TMĐT…

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/nong-san-an-toan-tiem-nang-va-thach-thuc-c021bba/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm